Đọc sách để thay đổi cuộc đời

Một đời như kẻ tìm đường, Đi tìm lẽ sống, Con chó đen hay xa hơn nữa là Xa Mạc Tư Khoa… là những cuốn sách đã làm thay đổi cuộc đời của nhiều người ở nhiều lứa tuổi, theo chiều hướng tích cực hơn. Trong vô vàn lý do được áp dụng để khích lệ việc đọc sách, 'đọc sách để thay đổi cuộc đời' nghe qua có vẻ giáo điều nhưng lại là lý do quan trọng mà dường như chưa thực sự được cộng đồng lưu tâm.

Bạn đọc mua sách tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bạn đọc mua sách tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Một ngọn đèn nhỏ

Bốn năm trước, cuộc sống của chị Nguyễn Giang (hiện công tác tại Trường Đại học Nông lâm TPHCM) gặp không ít khó khăn. Vào năm 2020, chồng chị đột ngột qua đời, để lại hai con nhỏ. Nhà vốn neo người, lại mất đi trụ cột trong gia đình khiến chị Giang gần như suy sụp, tâm trạng xáo trộn. Thậm chí, từng có lúc bế tắc, chị đã nghĩ đến việc “giải thoát” cho cả ba mẹ con.

Trong những ngày buồn bã ấy, tình cờ chị trông thấy cuốn sách Một đời như kẻ tìm đường của giáo sư Phan Văn Trường. Cuốn sách đó đã ở trong nhà chị Giang từ lâu nhưng chưa bao giờ được mở ra. Chị Giang dồn tâm trí đọc một mạch cuốn sách, rồi vỡ lẽ ra: mình cần phải vượt qua giai đoạn đó vì mọi thứ đến với mình cũng là một phần của cuộc sống. Tiếp tục hành trình đọc, chị đến với Đi tìm lẽ sống của Victor E.Frankl, cuốn sách mà như chị tự nhận là đã làm thay đổi tất cả. Đó là hai cuốn sách chị đọc sau 25 năm không cầm đến sách, tính từ khi rời giảng đường.

Chị Nguyễn Giang nhớ lại: “Đọc đến đâu, trong đầu tôi lại hình dung ra cảnh người ta sống vật vờ qua ngày chờ đến khi kết thúc. Nhưng trong hoàn cảnh ấy, người ta vẫn hy vọng, vẫn nghĩ đến một ngày mai tươi sáng. Tác giả cho rằng dù cuộc đời có cay đắng đến đâu thì vẫn luôn tiềm ẩn một ý nghĩa nào đó. Tôi cảm thấy những đau khổ, mất mát mà mình đang phải đối diện không đáng để mình nghĩ đến việc kết liễu cuộc đời. Tôi bắt đầu đào sâu vào lý do mình tồn tại trong cuộc đời này là gì, và khi đó, giống như tôi đang đi tìm lẽ sống của cuộc đời mình”.

Trong chương trình giao lưu với chủ đề “Cùng sách chữa lành” mới đây, nhà văn Bùi Tiểu Quyên kể, cách đây không lâu, chị có đến giao lưu ở một trường THCS. Tại chương trình, một em học sinh lớp 9 thông qua bài thuyết trình về sách đã cất lên tiếng nói của mình đến với người lớn, đến với phụ huynh để bày tỏ rằng, thế hệ của các em cũng gặp vấn đề trầm cảm. Và các em cảm thấy rất đơn độc vì người lớn không hiểu mình. Trong hoàn cảnh đó, em học sinh ấy đã quyết định làm bạn với sách, đó là cuốn Con chó đen của tác giả June Tien. “Thông qua quyển sách, con cảm thấy mình không cô đơn”, câu nói của em học sinh khiến nhà văn Bùi Tiểu Quyên nhớ mãi.

Theo nhà văn Bùi Tiểu Quyên, sách giống như một người bạn thủ thỉ, tâm tình, chia sẻ, dẫn đường và trải lòng để cho người đang gặp vấn đề tâm lý có thể soi chiếu trong từng trang chữ. “Dù chúng ta ở độ tuổi nào, ngành nghề gì cũng sẽ ít nhiều có những nỗi buồn, những tổn thương trong cuộc sống mà tự mình phải vượt qua. Ở thời điểm gặp vấn đề đó, chúng ta lại không nhìn thấy rõ mình đang trải qua điều gì và phải vượt qua như thế nào. Thì khi đó, sách như một ngọn đèn, nhỏ thôi, dẫn lối chầm chậm để mỗi người tự biết cách đi như thế nào”, tác giả Cà Nóng chu du Trường Sa bày tỏ.

Sách giống như một người bạn âm thầm, có những chuyện chúng ta không thể nói được với ai, chúng ta tìm đến sách, đọc sách và thấy trong đó những trang chữ viết về kinh nghiệm của những người từng trải qua vấn đề mà chúng ta đang đối mặt. Họ chia sẻ cách vượt qua, cách đối diện với những vấn đề. Dĩ nhiên, chúng ta không thể máy móc học theo nhưng đó là những bài học giúp chúng ta tìm được lối đi vượt qua nhiều chông gai, trở ngại, những đau khổ trong cuộc đời mà chúng ta chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều

- Nhà văn BÙI TIỂU QUYÊN

Nhiều cuộc đời trong những trang sách

Nhiều năm làm việc trong lĩnh vực xuất bản, từng trăn trở tìm kiếm giải pháp nhằm nâng cao văn hóa đọc, mới đây, ông Lê Hoàng, Giám đốc Đường sách TPHCM trở thành Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM nhiệm kỳ 2024-2025. Khi được hỏi về một cuốn sách đã làm thay đổi cuộc đời của mình, ông Lê Hoàng liền nhắc ngay đến bộ tiểu thuyết Xa Mạc Tư Khoa của nhà văn người Nga Vaxili - Agiaiep.

 Bạn đọc mua sách tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bạn đọc mua sách tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Ông Lê Hoàng kể: “Trước đây, khi còn trẻ tôi làm việc hăng say, làm ngày làm đêm, trở thành một người bận rộn suốt ngày. Với một cán bộ Đoàn, làm việc theo cách như vậy, tôi cảm thấy yên tâm, nhất là mình cũng không làm điều gì sai hết. Nhưng rồi khi đọc được bộ tiểu thuyết Xa Mạc Tư Khoa, học theo nhân vật trong sách, tôi đã có phương pháp làm việc rất khoa học. Nó giúp tôi tìm ra được cách làm việc hiệu quả, được áp dụng cho suốt quá trình làm việc sau này”.

Theo ông Lê Hoàng, nhân cách cũng có nghĩa là cách sống của con người, gồm có 5 trụ cột: trí tuệ, những tình cảm tốt đẹp, ý chí tích cực, những giá trị sống tốt đẹp, những thói quen tinh thần tốt. Và những trụ cột này đều có thể tìm thấy trong sách. Vì vậy, đọc sách có thể giúp mỗi người làm giàu vốn sống, góp phần hoàn thiện nhân cách, biết cách điều chỉnh hành vi, cảm xúc, thái độ ứng xử, rèn thêm thói quen lành mạnh. Ngày xưa, ông cha ta khuyến khích đọc sách để trở thành người tốt, cũng chính là đại diện cho 5 trụ cột này.

Đọc sách để nuôi dưỡng tâm hồn

Em may mắn được lớn lên cùng sách ngay từ những ngày bập bẹ tiếng nói đầu tiên. Lúc chỉ mới vài tháng tuổi, ba mẹ thường xuyên đọc sách, kể cho em nghe những câu chuyện cổ tích, dạy cho em những bài học nhân văn từ sách. Đến khi vào mẫu giáo, em được các cô dạy cho những bài đồng dao, những bài thơ vô cùng ý nghĩa, giúp em biết cách ứng xử, lễ phép với người lớn.

Em nhớ như in năm học lớp Lá trường mầm non, em mê lắm những câu chuyện trên Báo Nhi đồng TPHCM nhưng ngặt nỗi lại không biết chữ. Vậy nên, chiều nào đi học về em cũng tìm tòi các ứng dụng học chữ. Sau vài tuần, em đã đọc chữ thành thạo; đây cũng là bước đệm đưa em đến với thế giới sách.

Chuyển mình từ hai phương pháp tiếp cận sách khác nhau - từ nghe sách đến đọc sách, ban đầu em cảm thấy nản lắm, cứ nhìn vào những cuốn sách dày cộm kia lại thấy hoa mắt chóng mặt. Nhưng mẹ khuyên em rằng nên đọc những quyển sách đơn giản, ít nội dung trước để làm quen và sau đó mới đọc sâu vào những quyển sách nhiều nội dung hơn. Em đã thử nghiệm phương pháp ấy và thành công. Nhờ việc đọc, em nhận thấy bản thân như được sống nhiều cuộc đời khác nhau qua nhiều trang sách. Nhờ đó, sách đã nuôi dưỡng tâm hồn, giúp em hiểu thêm về chính bản thân, thấm nhuần giá trị nhân văn từ sách để dần trở thành một công dân tốt.

Đọc sách có rất nhiều công dụng, nhưng quan trọng nhất là bồi dưỡng tâm hồn người đọc. Có một ví dụ đơn giản như sau: một bạn trẻ không có thói quen đọc sách khi đối mặt với mâu thuẫn đa số sẽ chọn hình thức xung đột. Ngược lại, các bạn có thói quen đọc sách sẽ bình tĩnh và giải quyết vấn đề hợp lý hơn. Và bản thân em cũng thế, nhờ đọc sách, em biết bao dung hơn với mọi người xung quanh. Qua sách lịch sử, em thêm yêu đất nước Việt Nam; và qua những tập sách về gia đình, em biết trân trọng hơn tổ ấm của mình.

Đại sứ Văn hóa đọc TPHCM nhiệm kỳ 2024-2025 HUỲNH ANH THƯ (Lớp 8/3, Trường THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp, TPHCM)

HỒ SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/doc-sach-de-thay-doi-cuoc-doi-post736302.html