Đổi mới đào tạo nghề - Định vị vai trò chiến lược trong tiến trình hội nhập
Sáng 18/7, Báo Công Thương tổ chức Tọa đàm với chủ đề: 'Đổi mới đào tạo nghề - Định vị vai trò chiến lược trong tiến trình hội nhập'.
Trong kỷ nguyên chuyển đổi số và hội nhập toàn diện, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để nâng cao năng suất, đổi mới công nghệ và gia tăng giá trị trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Trong đó, ngành Công Thương giữ vai trò trụ cột trong nền kinh tế quốc dân - không chỉ đóng góp lớn vào tăng trưởng, xuất khẩu và công nghiệp hóa, mà còn là cầu nối chiến lược giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào mạng lưới thương mại, sản xuất toàn cầu.
Tuy nhiên, trước những thách thức đang đặt ra hiện nay khi chất lượng nguồn nhân lực chưa theo kịp nhu cầu thực tế, nhiều lao động dù có bằng cấp vẫn thiếu kỹ năng thực hành, năng lực ngoại ngữ và khả năng ứng dụng công nghệ.

Tọa đàm với chủ đề: “Đổi mới đào tạo nghề từ chất, đáp ứng nguồn nhân lực bền vững, hội nhập” được Báo Công Thương tổ chức sáng 18/7
Theo đó, để tham gia tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với vai trò chủ động và có giá trị gia tăng cao, chúng ta cần một lực lượng lao động không chỉ đông đảo, mà phải được đào tạo bài bản, làm chủ kỹ năng, thích ứng linh hoạt và làm việc theo chuẩn mực quốc tế.
Chính vì vậy, đổi mới đào tạo nghề nói chung và ngành Công Thương nói riêng không chỉ là yêu cầu giáo dục, mà là một giải pháp chiến lược để phát triển nội lực quốc gia, thu hẹp chênh lệch vùng miền và hướng tới một nền công nghiệp tri thức, nơi mọi công dân, dù ở trung tâm hay vùng khó khăn, đều có thể học nghề, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương mình.
Đổi mới đào tạo nghề chính là đổi mới tư duy về phát triển, là đầu tư vào con người từ những bàn tay lành nghề đến những bộ óc sáng tạo, có kỹ năng, có bản lĩnh nghề nghiệp và tư duy hội nhập. Đây cũng là cách ngành Công Thương kiến tạo nền tảng vững chắc cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Để những mô hình đào tạo nghề được nhân rộng và phát huy hiệu quả bền vững rất cần sự phối hợp đồng bộ: từ hoạch định chính sách của cơ quan quản lý, sự cam kết của các cơ sở đào tạo, đến đồng hành thực chất từ phía doanh nghiệp và sự thay đổi nhận thức xã hội về giá trị của giáo dục nghề nghiệp.
Nhằm phân tích thấu đáo những vấn đề nêu trên, nhận diện cơ hội và thách thức, đồng thời lan tỏa các mô hình đào tạo nghề tiêu biểu, Báo Công Thương tổ chức Tọa đàm với chủ đề: "Đổi mới đào tạo nghề - Định vị vai trò chiến lược trong tiến trình hội nhập".
Tham gia tọa đàm có các vị khách mời: Ông Nguyễn Quang Hồng, Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương); ông Đào Trọng Độ, Trưởng phòng giáo dục chính quy - Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên; ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng.
Tọa đàm sẽ được phát trực tuyến trên các nền tảng của Báo Công Thương như Báo Công Thương điện tử, Youtube Báo Công Thương, Fage Báo Công Thương.