Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra sau thông quan

Những năm qua, công tác kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) tại Cục Hải quan Long An (Cục HQLA) luôn được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của lãnh đạo Cục. Bám sát nhiệm vụ được giao, Chi cục KTSTQ tập trung nâng cao chất lượng công tác KTSTQ theo chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và chống thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.

Tập thể Chi cục Kiểm tra sau thông quan

Tập thể Chi cục Kiểm tra sau thông quan

Nâng cao hiệu quả kiểm tra sau thông quan

Thời gian qua, lực lượng KTSTQ nỗ lực triển khai nhiệm vụ ngày càng chính quy, bài bản hơn. Ngoài kiểm tra rủi ro, tuân thủ, công tác KTSTQ còn tập trung kiểm tra theo chuyên đề (về xuất xứ, chống lợi dụng chính sách). Hàng tháng, Chi cục đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch KTSTQ, kế hoạch thu ngân sách và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng công chức để thực hiện. Để làm tốt công tác KTSTQ, Chi cục chủ động đổi mới, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đề ra.

Để công tác KTSTQ hiệu quả, là một trong những công cụ đắc lực của ngành Hải quan trong công tác đấu tranh chống gian lận thương mại, chống thất thu cho ngân sách, góp phần bảo vệ an ninh kinh tế, Chi cục tập trung kiểm tra sâu theo các chuyên đề, lĩnh vực có độ rủi ro cao. Chi cục đánh giá, phân tích rủi ro và lựa chọn trọng điểm (doanh nghiệp (DN) trọng điểm, dự án trọng điểm, mặt hàng trọng điểm); quan tâm đến các DN thuộc địa bàn nhưng có khai báo hải quan tại các địa phương khác. Nếu như trước đây, việc kiểm tra thường chọn hàng nhập khẩu là chủ yếu thì nay đơn vị đã đánh giá, lựa chọn đối tượng kiểm tra, chủ yếu là mặt hàng xuất khẩu có thuế, kiểm tra về trị giá hải quan, việc tuân thủ các chính sách ưu đãi về thuế trong giai đoạn hội nhập theo các hiệp định thuế quan FTA.

Phương pháp kiểm tra cũng có nhiều đổi mới, đột phá. Thay vì kiểm tra hồ sơ xuất, nhập khẩu của DN như trước đây, Chi cục KTSTQ tập trung kiểm tra việc đưa nguyên liệu, vật tư được miễn thuế đến cơ sở khác gia công lại, xác định hàng hóa thực tế, trị giá thực tế thanh toán, chi phí phát sinh liên quan đến hàng hóa, kiểm tra đối chiếu thẩm định chứng từ của DN,... Từ đó đánh giá, xác định rõ ràng, cụ thể những sai sót hoặc vi phạm trong hoạt động xuất, nhập khẩu của DN. Đối với những trường hợp được lựa chọn trọng điểm KTSTQ trong năm có tính phức tạp cao, chuyên đề chuyên sâu, trực tiếp lãnh đạo Chi cục sẽ chỉ đạo, định hướng, lựa chọn phương pháp kiểm tra, xem xét xử lý kịp thời các tình huống phát sinh và bố trí đội ngũ công chức tinh thông thực hiện, bảo đảm kết quả kiểm tra luôn chính xác, khách quan.

Với quan điểm nêu trên, Chi cục KTSTQ đã tổ chức, triển khai cụ thể các chỉ đạo của Tổng cục Hải quan. Cục HQLA hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn và đạt những kết quả tích cực. Theo đó, tính đến ngày 15/11/2024, Chi cục tổ chức KTSTQ tại trụ sở người khai hải quan 45/45 cuộc, trong đó có 44 cuộc hoàn thành, 1 cuộc đang thực hiện; thu ngân sách nhà nước hơn 13,89 tỉ đồng, tăng 28% so cùng kỳ năm 2023, đạt 199% chỉ tiêu được giao (7 tỉ đồng). Tất cả các trường hợp được kiểm tra, DN đều chấp hành, nộp đầy đủ, kịp thời, đúng hạn vào ngân sách; không để phát sinh nợ xấu. Đơn vị được Cục trưởng Cục HQLA tặng Giấy khen vì đã có thành tích hoàn thành sớm, vượt chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước năm 2024.

Theo đại diện lãnh đạo Chi cục KTSTQ, công tác KTSTQ được thực hiện bài bản, khoa học, có trọng tâm, trọng điểm với phương châm “chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả” và đúng theo quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công chức kiểm tra chỉ làm việc với một đầu mối, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Thông qua kiểm tra, đơn vị phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hải quan, chế độ, chính sách mới ban hành, cung cấp các thông tin về các hoạt động cải cách, tuyên truyền về lợi ích hoạt động đối tác hải quan - DN để DN biết và có cơ sở thực hiện việc hợp tác, hạn chế các vụ vi phạm, được cộng đồng DN ủng hộ, đánh giá cao, nâng cao vị thế của KTSTQ.

Nhiều sáng kiến cải tiến nâng cao hiệu quả công việc

Với khối lượng công việc ngày càng tăng trong khi biên chế không tăng, phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nhưng công chức luôn nỗ lực, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tất cả các mảng công tác của đơn vị đều có những sáng kiến, cải tiến mang lại hiệu quả thiết thực. Chi cục quan tâm khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để công chức phát huy tính sáng tạo, đổi mới, nâng cao hiệu quả trong công việc. Mọi sáng kiến cải tiến hiệu quả đều được xem xét ghi nhận, biểu dương và tặng thưởng kịp thời nhằm khích lệ tinh thần và khuyến khích hoạt động nghiên cứu sáng tạo trong toàn đơn vị.

Năm 2023, có 2 sáng kiến cơ sở của 4 cá nhân được Cục HQLA ra quyết định công nhận và 1 đề tài cấp Tổng cục Hải quan. Năm 2024, có 2 sáng kiến cơ sở của 4 cá nhân đang trình Hội đồng sáng kiến Cục HQLA ra quyết định công nhận. Các sáng kiến cải tiến của đơn vị năm nay có tính sáng tạo, đổi mới và thực tiễn rất cao.

Xác định con người là nhân tố hàng đầu quyết định mọi nhiệm vụ, ngoài áp dụng các phần mềm, ứng dụng tiên tiến phục vụ công tác thu thập, xử lý thông tin DN, hàng hóa xuất, nhập khẩu, Chi cục KTSTQ khuyến khích công chức tự học tập nâng cao trình độ; tích cực cử công chức tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ liên quan đến công tác KTSTQ do Tổng cục Hải quan và Trường Hải quan Việt Nam tổ chức. Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên bước đột phá trong hoạt động KTSTQ là bố trí, sắp xếp và tự đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực. Việc bố trí, phân công nhiệm vụ dựa trên cơ sở trình độ, năng lực, kinh nghiệm, sở trường của công chức để tiến hành phân nhóm nghiệp vụ thực hiện kiểm tra. Thành viên mỗi nhóm đều có sự đan xen theo các lĩnh vực chuyên môn (công chức chuyên sâu về chính sách thuế, chính sách xuất, nhập khẩu, chế độ tài chính DN), bảo đảm chất lượng, trình độ các nhóm đồng đều. Những giải pháp trên đã nâng cao, phát huy khả năng làm việc của từng cá nhân, tinh thần đoàn kết của cả tập thể.

Khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả công tác hậu kiểm

Theo đại diện lãnh đạo Chi cục KTSTQ, bên cạnh những thuận lợi trong công tác KTSTQ như sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, nỗ lực của công chức Hải quan làm công tác KTSTQ trong xây dựng kế hoạch kiểm tra, thu thập thông tin, tổ chức triển khai, thực hiện các cuộc kiểm tra,... công tác KTSTQ trong thời gian qua cũng gặp những khó khăn nhất định, vướng mắc như cơ sở dữ liệu thông tin chưa đáp ứng tốt công tác thu thập thông tin, lựa chọn đối tượng kiểm tra, đặc biệt là trong kiểm tra về trị giá và loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu. Bên cạnh đó, do đặc thù của ngành phải luân chuyển công tác nên nhân sự thường có sự thay đổi. Khối lượng công việc chuyên môn nhiều, số lượng DN tăng lên hàng năm, tình trạng gian lận thương mại, trốn thuế cũng ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, trong khi biên chế còn thiếu, người mới được điều động đến chưa kịp nắm quy trình nghiệp vụ nên việc kiểm tra hồ sơ, sổ sách, chứng từ của DN đòi hỏi tính chuyên sâu trong hoạt động KTSTQ còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng, đôi khi chưa đáp ứng được yêu cầu.

Để thực hiện điều này, công chức Chi cục KTSTQ đã tập trung thu thập thông tin các DN có rủi ro cao, hoạt động xuất, nhập khẩu phức tạp để lựa chọn, xác định đối tượng kiểm tra. Trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực, mặt hàng trọng tâm, trọng điểm do Tổng cục Hải quan hoặc các đơn vị trong ngành cảnh báo như hoạt động gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài có dấu hiệu bất thường trong việc nhập khẩu nguyên, phụ liệu; chuyển giao nguyên phụ liệu, gia công lại; báo cáo quyết toán;...

Để công tác hậu kiểm đạt kết quả cao, chống thất thu cho ngân sách nhà nước, Chi cục KTSTQ tiếp tục thu thập thông tin, KTSTQ theo các chuyên đề đã được xây dựng,... Trong đó, Chi cục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 371/CT-TCHQ, ngày 24/01/2024 của Tổng cục Hải quan về việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2024, tập trung thu thập thông tin các DN có rủi ro cao, hoạt động xuất, nhập khẩu phức tạp để lựa chọn, xác định đối tượng kiểm tra. Trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực, mặt hàng trọng tâm, trọng điểm do Tổng cục Hải quan hoặc các đơn vị trong ngành cảnh báo như hoạt động gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài có dấu hiệu bất thường trong việc nhập khẩu nguyên, phụ liệu; chuyển giao nguyên phụ liệu, gia công lại; báo cáo quyết toán;... Bên cạnh kiểm tra theo kế hoạch, Chi cục sẽ tăng cường thu thập, phân tích thông tin DN để đề xuất kiểm tra đột xuất nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm.

Năm 2025, ngoài mục tiêu bảo đảm số thu ngân sách theo chỉ tiêu được giao, đơn vị mong muốn qua công tác KTSTQ sẽ góp phần kiểm soát hoạt động xuất, nhập khẩu của các DN trên địa bàn, hạn chế những sai sót tại khâu thông quan. Do đó, Chi cục tiếp tục triển khai, rà soát, đánh giá, sắp xếp đội ngũ công chức phù hợp với trình độ đào tạo và công việc thực tế nhằm phát huy tối đa hiệu quả trong công việc; tổ chức làm tốt công tác thu thập thông tin từ các nguồn trong và ngoài ngành để thực hiện tốt bước lựa chọn đối tượng kiểm tra, bảo đảm kiểm tra trọng tâm, trọng điểm, đúng và trúng những đối tượng có rủi ro cao, đưa công tác KTSTQ đạt hiệu quả cao hơn nữa./.

Mai Hương

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/doi-moi-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-kiem-tra-sau-thong-quan-a186377.html