Đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn trong tình hình mới

Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị nêu rõ tình hình và yêu cầu cấp thiết đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Phóng viên Báo Sơn La có cuộc phỏng vấn ông Vàng A Lả, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh về kết quả sau 1 năm đưa nghị quyết vào cuộc sống, nhằm đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân Sơn La. Trân trọng thông tin tới bạn đọc!

LĐLĐ tỉnh tập huấn kỹ năng thương lượng tập thể cho cán bộ công đoàn các doanh nghiệp.

LĐLĐ tỉnh tập huấn kỹ năng thương lượng tập thể cho cán bộ công đoàn các doanh nghiệp.

Ảnh: Lò Linh\

PV: Trước hết, xin ông cho biết yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn các cấp trong tỉnh?

Ông Vàng A Lả, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh: Hiện, toàn tỉnh có trên 75.000 CNVCLĐ, trong đó trên 49.300 đoàn viên công đoàn, sinh hoạt tại 1.120 tổ chức công đoàn cơ sở, gồm 995 CĐCS khối cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và 125 CĐCS khối doanh nghiệp, chưa tương xứng với tốc độ phát triển của doanh nghiệp, người lao động.

Mô hình tổ chức và hoạt động của Công đoàn bộc lộ những hạn chế, chưa theo kịp sự biến đổi của tình hình quan hệ lao động và sự phát triển của lực lượng lao động khi đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Công đoàn vừa được tổ chức theo địa giới hành chính vừa được tổ chức theo ngành nghề, lĩnh vực dẫn đến sự chồng chéo trong tập hợp người lao động và thực hiện chức năng đại diện cho người lao động. Nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn còn dàn trải, chưa tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi của mình là đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Do vậy, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của tổ chức Công đoàn là yêu cầu cấp thiết.

PV: Các cấp công đoàn trong tỉnh đã cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp triển khai, thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW vào thực tiễn như thế nào, thưa ông?

Ông Vàng A Lả, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh: Các cấp công đoàn trong tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo thực hiện Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị; ban hành kế hoạch triển khai nghị quyết tại địa phương, ngành với các mục tiêu cụ thể.

Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu mỗi năm kết nạp mới từ 300 đoàn viên trở lên (chỉ tính trong khối doanh nghiệp ngoài nhà nước); phấn đấu tối thiểu 60% doanh nghiệp có từ 15 công nhân, lao động trở lên và 90% doanh nghiệp có từ 25 công nhân, lao động trở lên có tổ chức Công đoàn; phấn đấu 80% trở lên các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn ký kết được Thỏa ước lao động tập thể.

Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ kết nạp đoàn viên mới tăng 10% mỗi năm. Phấn đấu có tối thiểu 65% doanh nghiệp có từ 15 đến dưới 25 công nhân, lao động; 100% doanh nghiệp có từ 25 công nhân, lao động trở lên có tổ chức công đoàn; có hình thức phù hợp để tập hợp công nhân, lao động tại các doanh nghiệp có dưới 25 công nhân, lao động; nơi chưa có tổ chức đại diện người lao động thì phần lớn người lao động được tập hợp, tham gia một số hoạt động của Công đoàn tổ chức. Phấn đấu 85% trở lên các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn ký kết được Thỏa ước lao động tập thể.

Định hướng đến năm 2045, hầu hết người lao động tại các cơ sở là đoàn viên Công đoàn Việt Nam; 99% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn ký kết được chức Công đoàn ký kết được Thỏa ước lao động tập thể.

Cấp cấp công đoàn thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, trình độ, kỹ năng, tác phong công nghiệp, hiểu biết pháp luật, kỷ luật lao động cho đoàn viên, người lao động; vận động, thuyết phục người lao động tham gia, xây dựng công đoàn ở cơ sở, người sử dụng lao động bảo đảm quyền của người lao động được tham gia và hoạt động trong tổ chức công đoàn theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người lao động và sự phát triển của doanh nghiệp. Phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng, lôi kéo, kích động công nhân, người lao động đình công trái pháp luật, biểu tình, gây rối, làm mất an ninh, trật tự.

Chăm lo lợi ích, bảo đảm quyền của người lao động; kịp thời giám sát, giải quyết và kiến nghị giải quyết những vấn đề bức xúc của công nhân, người lao động; tích cực xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp. Tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước theo hướng đổi mới, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, lĩnh vực; kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích, quan tâm đến cán bộ công đoàn cơ sở, tập thể và người lao động trực tiếp; chú trọng phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến, mô hình hoạt động sáng tạo, hiệu quả.

PV: Vậy kết quả sau một năm thực hiện nghị quyết và phương hướng trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?

Ông Vàng A Lả, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh: Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết, đã đạt được một số kết quả tích cực: Toàn tỉnh đã kết nạp mới 1.416 đoàn viên, thành lập 9 CĐCS khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước hoàn thành 100% chỉ tiêu kết nạp mới đoàn viên, chỉ tiêu thành lập CĐCS. LĐLĐ tỉnh đã mở 4 lớp tập huấn cho hơn 100 cán bộ CĐCS doanh nghiệp và cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở về nội dung, phương pháp, kỹ năng thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Qua đó, CĐCS đã chủ động thương lượng với người sử dụng lao động để ký kết (doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn) bản thỏa ước lao động tập thể (đạt 72,2%) với nhiều điểm có lợi cho người lao động so với quy định của Luật. Chủ động tập hợp ý kiến người lao động để kịp thời phản ánh với người sử dụng lao động, kịp thời đề xuất tổ chức đối thoại để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động; không có vụ ngừng việc tập thể, tranh chấp lao động trái luật xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Liên đoàn Lao động tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; ký kết thỏa ước lao động tập thể; tư vấn, trợ giúp pháp luật cho đoàn viên, người lao động. Hoạt động chăm lo cho người lao động được các cấp Công đoàn quan tâm, nhất là người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, ốm đau, bệnh tật, gặp thiên tai với tổng số tiền 3 tỷ 557 triệu đồng.

Thời gian tới, Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị. Trọng tâm là chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy ban hành chủ trương lãnh đạo, định hướng việc sắp xếp mô hình tổ chức của Công đoàn đảm bảo thống nhất, tránh chồng chéo. Kiên trì thực hiện phương châm “ở đâu có người lao động, ở đó có tổ chức Công đoàn”. Xây dựng đội ngũ chuyên gia tư vấn, hỗ trợ CĐCS đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị vào báo cáo của Ban Chấp hành Liên đoàn lao động tỉnh trình Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2023 - 2028 để lãnh đạo thực hiện.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Phạm Đức (thực hiện)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/doi-moi-to-chuc-va-hoat-dong-cua-cong-doan-trong-tinh-hinh-moi-52726