Đôi vợ chồng 24 năm bán bún trên chợ nổi Vĩnh Thuận

Dù chỉ bán hàng rong - bán bún trên sông, nhưng nguồn thu nhập đã giúp vợ chồng ông Dương Ngọc Nhân và bà Khương Thị Sã, ngụ thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) ngày một khấm khá. Vợ chồng ông Nhân đã 24 năm bán bún trên chợ nổi Vĩnh Thuận nên được nhiều người yêu mến và quen gọi 'ông bà Tư bán bún'.

Sáng sớm, trên chợ nổi Vĩnh Thuận nhộn nhịp, xuồng ghe dập dìu. Lẫn trong số đó, tôi thấy chiếc ghe nhỏ màu xanh của vợ chồng ông Nhân, bà Sã đang di chuyển dọc theo bến chợ để bán bún cho các tiểu thương, thương lái.

Ông Nhân chia sẻ: “Trước đây, gia đinh tôi không có ruộng đất, cuộc sống khó khăn nên hai vợ chồng mưu sinh bằng việc bán bún trên chợ nổi. Tôi bán từ lúc giá chỉ có 2.000 đồng/tô bún, đến giờ giá tăng lên gấp 10 lần”.

Đến nay, vợ chồng ông Nhân gắn bó với nghề bán bún trên chợ nổi Vĩnh Thuận đã 24 năm. Đây là nghề tạo ra thu nhập chính cho gia đình ông. Mỗi ngày, trừ chi phí nguyên liệu, vợ chồng ông Nhân còn lãi từ 600.000-700.000 đồng. Cũng từ nghề bán bún, ông Nhân xây được căn nhà khang trang, đủ tiền chăm lo cho hai người con.

“Lúc trước, trên chợ nổi có rất nhiều ghe bán bún. Trên sông, đếm sơ qua cũng có từ 50-60 chiếc ghe đậu san sát nhau mua bán hàng hóa. Số khách ăn bún rất đông, mỗi ngày tôi bán khoảng 200 tô. Hiện nay, người dân đi xe nhiều, ít đi vỏ máy, xuồng, ghe nên lượng khách không còn nhiều. Vì vậy, nhiều ghe bán bún chuyển nghề. Ở chợ nổi giờ chỉ còn hai vợ chồng tôi và vài chiếc ghe bán thức ăn”, ông Nhân nói.

Chiếc ghe đã gắn bó với vợ chồng ông Nhân, bà Sã đã 24 năm bán bún trên chợ nổi Vĩnh Thuận.

Chiếc ghe đã gắn bó với vợ chồng ông Nhân, bà Sã đã 24 năm bán bún trên chợ nổi Vĩnh Thuận.

Ông Nhân cho biết, từ 4 giờ sáng, vợ chồng ông đã dậy để đi lấy nguyên liệu nấu bún. 6 giờ nấu xong, vợ chồng ông chèo ghe đến chợ nổi bán bún. Người dân ở chợ nổi Vĩnh Thuận quen gọi vợ chồng ông Nhân là "ông bà Tư bán bún". “Tôi thường bán 3 loại: Bún riêu, bún bì và bún súp. Mỗi ngày tôi bán hai lượt. Buổi sáng bắt đầu bán từ hơn 6 giờ đến gần 12 giờ. Buổi chiều, từ 14 giờ đến khi nào bán hết bún thì hai vợ chồng tôi chèo ghe về”, bà Sã nói.

Sở dĩ phải chia ra hai lượt bán, vì nếu bán liên tục cả ngày thì bún cũ sẽ không còn ngon. Bà Sã chia sẻ: “Duy trì nghề bán bún 24 năm qua vừa là duyên vừa là "bí quyết". Trước có nhiều ghe bán, nhưng khách vẫn ghé ghe của tôi ăn, vì tô bún tôi bán hương vị rất riêng, cộng với sự niềm nở của vợ chồng tôi”.

Năm nay, vợ chồng ông Nhân cùng bước qua tuổi 66, nhưng cả hai vẫn miệt mài lao động. Hàng ngày đôi vợ chồng già vẫn lênh đênh trên sông nước với nghề bán bún. Với ông Nhân "còn sức khỏe, còn lao động kiếm tiền để chăm lo cho cuộc sống gia đình".

Bài và ảnh: THÚY ANH

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//xa-hoi/doi-vo-chong-24-nam-ban-bun-tren-cho-noi-vinh-thuan-12947.html