Đơn giản hóa quy trình giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật
Ngày 13/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo 'Giải thích Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh và hướng dẫn áp dụng pháp luật' với sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Tiến Dũng.
Tham dự Hội thảo có nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường; nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo một số cơ quan, bộ, ngành.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho biết Bộ Tư pháp hiện đang được giao sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), trong đó có chế định về giải thích và hướng dẫn áp dụng pháp luật. Qua tổng kết cho thấy còn nhiều điểm cần nghiên cứu trong vấn đề này.
Thứ trưởng nêu rõ: tại Kết luận của đồng chí Tổng Bí Thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp vừa qua, một số hạn chế, tồn tại trong công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật đã được chỉ rõ. Đồng chí Tổng Bí thư cũng yêu cầu nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, hoàn thiện quy định giải thích, hướng dẫn pháp luật theo hướng ban hành nguyên tắc, tiêu chí, cơ sở để giải thích, áp dụng pháp luật, qua đó đảm bảo sức sống thay vì thường xuyên thay đổi pháp luật.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng nêu lên thực trạng áp dụng pháp luật tại một số địa phương trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật còn nhiều khó khăn; quy trình giải thích pháp luật còn chưa phù hợp thực tiễn; giá trị văn bản giải thích pháp luật chưa rõ ràng; còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong công tác giải thích và hướng dẫn áp dụng pháp luật... Do vậy, Hội thảo mong muốn nhận được đóng góp ý kiến của các chuyên gia, đại diện các Bộ, ngành để Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chế định về giải thích, áp dụng pháp luật.
Tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức đã trình bày tổng quan các quy định của pháp luật về giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh và hướng dẫn áp dụng pháp luật. Tiếp đó, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận về các vấn đề Hội thảo đặt ra.
Theo đồng chí Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ quy trình giải thích pháp luật hiện nay còn chưa nhanh, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn nên cần đổi mới theo hướng gọn, nhẹ. Đối với giải thích VBQPPL dưới luật, hiện chưa có quy định cụ thể, có thể nghiên cứu trao quyền này cho Tòa án hoặc quy định theo hướng cơ quan nào ban hành văn bản thì cơ quan đó giải thích. Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) cần quy định rõ thẩm quyền giải thích và giá trị của văn bản giải thích.
Còn đồng chí Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành việc bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong giải thích các văn bản của Quốc hội và Chính phủ. Đối với văn bản dưới luật, cơ quan nào chủ trì ban hành thì cơ quan đó có trách nhiệm hướng dẫn áp dụng pháp luật.
Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia, Tổng biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Vũ Hoài Nam cho rằng việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh thẩm quyền thuộc về Ủy ban thường vụ Quốc hội, VBQPPL dưới luật nên giao tòa án giải thích là phù hợp thực tiễn và xu thế chung của thế giới. Việc giải thích pháp luật chỉ thực hiện khi văn bản được ban hành có cách hiểu khác nhau, còn đối với văn bản dưới luật, vấn đề mang tính chất kỹ thuật thì quy trình giải thích cần ngắn gọn, hạn chế sửa văn bản.
Phát biểu tại Hội thảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nhấn mạnh, bản chất của giải thích pháp luật là giúp người dân hiểu được ý chí của nhà làm luật trong bối cảnh cụ thể. Vì vậy, cần công nhận giá trị pháp lý của văn bản giải thích pháp luật.
Theo đồng chí, để nâng cao chất lượng giải thích pháp luật, đối với văn bản dưới luật, cơ quan nào ban hành văn bản thì cơ quan đấy phải có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn thực hiện; Nghị định không chỉ quy định chi tiết mà còn hướng dẫn thi hành. Ngoài ra, đồng chí cũng yêu cầu phải đơn giản hóa quy trình giải thích và mở rộng đối tượng giải thích.
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhận định với chủ trương mới của Đảng, với chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư thời gian gần đây là thời cơ thuận lợi để đưa quy trình xây dựng VBQPPL, giải thích pháp luật, hướng dẫn áp dụng pháp luật vào thời kỳ mới, kỷ nguyên mới để hệ thống pháp luật đơn giản hơn, dễ áp dụng và dễ tuân thủ hơn.
“Càng ít quy định pháp luật thì không gian sáng tạo của người dân, doanh nghiệp càng lớn, càng nhiều quy định pháp luật, càng nhiều tầng nấc thì càng ràng buộc sự sáng tạo đó. Các Bộ, ngành cần đặt lợi ích chung của đất nước lên trên hết để hạn chế tình trạng ban hành quá nhiều luật và sửa đổi liên tục”, đồng chí Hà Hùng Cường nhận định.
Ngoài ra, đồng chí cũng đưa ra những kiến nghị cụ thể đối với công tác giải thích pháp luật theo hướng giao tòa án làm công tác này đồng thời tăng cường vai trò của TANDTC trong việc làm án lệ.
Một số hình ảnh: