Đón Tết nay nhớ Tết xưa: Điều gì làm Gen Z hoài niệm nhất?

Xã hội ngày càng hội nhập và phát triển khiến hương vị Tết xưa và nay đã thay đổi ít nhiều. Dù mang trong mình những hoài niệm riêng nhưng dưới góc nhìn của các bạn trẻ, những giá trị văn hóa truyền thống của ngày Tết vẫn luôn còn đó và cần được gìn giữ, phát huy.

Với Khánh Huyền (Đại học Kinh tế Quốc dân), hương vị của những ngày Tết xưa là được đi chợ Tết cùng ông bà.

 Khánh Huyền (Đại học Kinh tế Quốc dân).

Khánh Huyền (Đại học Kinh tế Quốc dân).

“Hồi đó mình rất nhớ bà chọn từng chiếc lá dong về gói bánh, ông đi xung quanh ngắm từng cây quất, cành đào. Rồi ông bà mua cho mình đôi dép hay bộ quần áo mới, mùi của quần áo mới hòa vào với chút se lạnh ngày xuân khiến mình cảm thấy rất vui sướng. Cảm giác chợ Tết với mình có một không khí rất lạ: Lạ vì nó đông và nhộn nhịp hơn ngày thường rất nhiều, lạ vì mùi hương của những món đồ hòa quyện vào nhau cho mình cảm giác được sắm Tết cùng người thân là điều hạnh phúc nhất của mình trong năm” - Khánh Huyền chia sẻ.

Dù chợ Tết hiện tại cũng rất nhộn nhịp nhưng đôi khi nó không còn mang lại cho Khánh Huyền cảm giác đặc biệt nữa, vì vốn ngày thường chợ lúc nào cũng đông vui rồi. Hơn nữa, Khánh Huyền nhận thấy cuộc sống dần trở nên bận rộn khiến không ít người chọn mua vội cành đào dọc đường, ghé vào tạp hóa hay siêu thị mua đồ trang trí thay vì đi chợ sắm Tết. Thậm chí có người đến 29 Tết mới được nghỉ làm, tất cả các công đoạn mua sắm và chuẩn bị cho năm mới cùng vì vậy mà trở nên vội vàng và hối hả hơn rất nhiều.

Nói về Tết xưa, in sâu trong tâm trí Đại Dương (Học viện Ngoại giao) là hình ảnh cả gia đình quây quần bên nồi bánh chưng và bếp củi.

Đại Dương (Học viện Ngoại giao).

Đại Dương (Học viện Ngoại giao).

Chàng trai chia sẻ: “Tết đến, mình có cơ hội thăm quê, được rửa từng chiếc lá dong to xanh mướt, đãi đỗ, sau đó gói và ngồi canh bên nồi bánh chưng thơm lừng. Nói thấy bánh chưng là thấy Tết quả không sai. Không chỉ vậy, nấu bánh chưng cũng là thời gian để các thành viên trong gia đình gắn kết yêu thương.”

Tuy nhiên, Đại Dương cảm thấy dù ở thành phố hay nông thôn hiện nay cũng đã vắng dần những nồi bánh chưng ngày Tết. Có thể do cuộc sống hiện đại với những bộn bề công việc, nhu cầu thưởng thức bánh chưng không còn nhiều như trước. Nhưng Đại Dương cho rằng nấu bánh chưng dịp Tết là một nét đẹp văn hóa cổ truyền mà người trẻ chúng ta cần cố gắng lưu giữ và phát huy.

Một trong những tục lệ truyền thống được trẻ con mong đợi nhất những ngày này chính là mừng tuổi đầu năm. Đây cũng chính là điều Thu Huyền (Học viện Ngân hàng) nhớ nhất khi nhắc về những mùa Tết trước.

Thu Huyền (Học viện Ngân hàng).

Thu Huyền (Học viện Ngân hàng).

Nữ sinh chia sẻ: “Khi mình còn bé, mình rất thích được nhận lì xì, lúc nào cũng háo hức đón lấy những bao lì xì nhỏ xinh. Dù mệnh giá của nó là bao nhiêu, chỉ đủ mua quyển vở hay cuốn truyện tranh thì niềm vui vẫn lớn như vậy. Nhưng hiện tại mình thấy lì xì mang nhiều “tầng” ý nghĩa quá. Lì xì coi nặng giá trị vật chất, nhẹ giá trị tinh thần, không còn đơn thuần là để lấy may hay thể hiện tấm lòng chân thành mong muốn người già khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi, trẻ con thì ngoan ngoãn, hay ăn chóng lớn nữa.”

Nhìn về Tết xưa để rồi càng thêm trân trọng những ngày Tết hiện tại, các bạn trẻ đều thấy rằng Tết vẫn là dịp lễ quan trọng trong văn hóa người Việt với nhiều giá trị văn hóa, phong tục truyền thống được bảo tồn.

Khánh Huyền bộc bạch: “Mình vẫn luôn mong muốn Việt Nam sẽ mãi giữ ngày Tết cổ truyền này. Bởi đây là dịp nghỉ dài hơi nhất mà người ta có thể bỏ lại bao mệt mỏi, bận rộn của cuộc sống ngoài kia để trở về với gia đình và người thân. Tết xưa hay Tết nay thì vẫn luôn giữ được những phong tục tất niên, dọn dẹp nhà cửa, trang trí bàn thờ, tri ân ông bà tổ tiên, đi chùa cầu may đầu năm hay lì xì cho trẻ nhỏ. Đó đều là những phong tục thể hiện truyền thống con người Việt Nam luôn hướng về gia đình, coi trọng chữ hiếu.”

“Là một người trẻ thế hệ Gen Z, mình nghĩ rằng quan trọng nhất là chúng ta phải yêu những ngày Tết cổ truyền, yêu những nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam. Dù chúng ta có đi đâu, làm gì thì những ngày Tết này vẫn luôn hướng về gia đình, cùng nhau sum họp tạm biệt năm cũ và kỳ vọng một năm mới tốt đẹp hơn” - Thu Huyền chia sẻ.

Đại Dương cũng cảm thấy ngày Tết cổ truyền, dù thế nào, vẫn luôn là dịp sum họp, đoàn viên, hội ngộ với gia đình. Không ngày nào trong năm có khả năng nhắc nhở chúng ta về giá trị tình cảm gia đình sâu sắc như ngày Tết.

Nam sinh bày tỏ: “Là một người trẻ, mình cảm thấy chúng ta hãy luôn mang trong mình sứ mệnh gìn giữ, trân trọng và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Tin mình đi, các bạn chỉ cần thử gói những chiếc bánh chưng hay đơn giản là tự tay sắp xếp mâm ngũ quả, bạn sẽ cảm nhận rõ, “hồn” Tết đã đến rồi!”

Uyên Nhã

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/don-tet-nay-nho-tet-xua-dieu-gi-lam-gen-z-hoai-niem-nhat-post1505114.tpo