Donald Trump đe áp thuế nặng, Trung Quốc và Mexico phản ứng ra sao?
Trong khi Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum và Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã có một cuộc trò chuyện nhằm xoa dịu các căng thẳng, thì phía Trung Quốc lại gay gắt chỉ trích đề xuất áp thuế và cảnh báo nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến thương mại mới giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới…
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum mới đây cho biết bà và Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã thống nhất duy trì mối quan hệ tốt đẹp trong một cuộc điện đàm thân thiện nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai đối tác thương mại hàng đầu trước những vấn đề thuế quan và nhập cư.
"Đó là một cuộc trò chuyện tốt đẹp và chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì thảo luận”, bà Sheinbaum chia sẻ trong cuộc họp với báo giới.
Bà Sheinbaum đã thể hiện thiện chí hòa giải chỉ một ngày sau khi tuyên bố Mexico sẽ trả đũa nếu ông Trump thực hiện cam kết áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada.
Sau cuộc điện đàm hôm thứ Tư, ông Donald Trump thông báo trên nền tảng mạng xã hội Truth Social rằng Tổng thống Claudia Sheinbaum đã đồng ý ngăn chặn tình trạng nhập cư trái phép qua Mexico vào Mỹ. Nhưng ngay lập tức chính bà đã Sheinbaum đã lên tiếng phủ nhận thông tin này và khẳng định rằng đôi bên chỉ thảo luận về các chiến lược nhằm giảm tình trạng nhập cư vào Mỹ.
Giải thích về sự khác biệt trong tuyên bố, bà Sheinbaum nói rằng điều này xuất phát từ phong cách giao tiếp khác biệt của hai bên. "Tôi có thể đảm bảo rằng chúng tôi sẽ không bao giờ đóng cửa biên giới Mexico-Mỹ. Chính sách của Mexico luôn là xây dựng cầu nối giữa các chính phủ và người dân”, Tổng thống Claudia Sheinbaum một lần nữa nhấn mạnh.
Lời đe dọa áp thuế của ông Donald Trump đã làm thổi bùng lên một làn sóng tranh cãi, bởi lẽ đề xuất này mâu thuẫn với Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), một thỏa thuận mà ông đã đặt bút ký trong nhiệm kỳ đầu. Nhiều nhà phân tích cho rằng đề xuất áp thuế thực chất là một chiến thuật đàm phán trước thềm đánh giá lại USMCA vào năm 2026.
Trong 9 tháng đầu năm nay, Mexico chiếm 15,9% tổng thương mại của Mỹ, tiếp theo là Canada với 14,4% và Trung Quốc với 10,8%. Ông Trump cũng đã gợi ý áp thuế 25% với Canada và thêm 10% thuế phụ, bên cạnh bất kỳ mức thuế bổ sung nào khác đối với Trung Quốc.
Về phía mình, Thủ tướng Canada Justin Trudeau kêu gọi các bên đoàn kết và hợp tác trong mối quan hệ thương mại đa phương. Tuy nhiên, một số quan chức nước này lại có phản ứng gay gắt hơn. “So sánh chúng tôi với Mexico là điều xúc phạm nhất mà tôi từng nghe từ người bạn bè và đồng minh thân thiết. Nó giống như một thành viên gia đình mà lại đâm thẳng sau lưng bạn”, Thủ hiến Ontario Doug Ford phát biểu với báo chí trong tuần này.
Khác với giọng điệu từ tốn của Tổng thống Mexico và Thủ tướng Canada, đại diện chính phủ Trung Quốc đã thẳng thắn chỉ trích các kế hoạch của ông Donald Trump, cho rằng chính quyền đang tìm cách đổ lỗi cho Trung Quốc về cuộc khủng hoảng opioid của Mỹ.
Trước đó, lý do mà ông Trump đưa ra về việc áp thuế hàng hóa Trung Quốc là để buộc Bắc Kinh phải hành động quyết liệt hơn trong việc ngăn chặn các hóa chất độc hại có trong sản phẩm Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ.
Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc He Yadong cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ: “Trung Quốc luôn kiên quyết phản đối việc một quốc gia đơn phương áp đặt thuế quan lên đối tác thương mại. Áp đặt thuế tùy tiện sẽ chẳng thể nào giải quyết được các vấn đề của nước Mỹ”.
Ông He cảnh báo rằng Mỹ nên tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới và hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại ổn định, nếu không, nước này sẵn sàng đáp trả lại bằng những biện pháp cứng rắn.
Các bài xã luận trên truyền thông nhà nước Trung Quốc gần đây đều bày tỏ lo ngại rằng căng thẳng leo thang sẽ kéo hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vào một cuộc chiến thuế quan hủy diệt lẫn nhau.
Nhưng ông Bo Zhengyuan, đối tác kinh tế tại công ty tư vấn Plenum có trụ sở tại Thượng Hải, dự đoán Bắc Kinh sẽ chưa vội sử dụng các công cụ như "Danh sách Thực thể Không đáng tin cậy" ngay sau lời đe dọa thuế quan, do nền kinh tế Trung Quốc còn đang suy yếu. Tuy nhiên, chính phủ có khả năng sẽ trả đũa nếu họ cảm thấy các nhà hoạch định chính sách Mỹ gây tổn hại đến lợi ích thương mại của Trung Quốc. "Lần trước đã có vô số thiệt hại ngoài dự kiến, và lần này cũng sẽ không ngoại lệ”, ông Bo Zhengyuan nhận xét.