Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với những thách thức về an ninh nguồn nước

Vùng đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, thủy sản, cây ăn trái nhưng đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng liên quan đến an ninh nguồn nước.

 Diễn đàn “Đẩy mạnh truyền thông sử dụng nước hợp lý, hiệu quả đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long” tổ chức tại TP. Cần Thơ

Diễn đàn “Đẩy mạnh truyền thông sử dụng nước hợp lý, hiệu quả đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long” tổ chức tại TP. Cần Thơ

Chiều 29.11, Cục Thủy lợi, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Đẩy mạnh truyền thông sử dụng nước hợp lý, hiệu quả đảm bảo an ninh nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long” tại TP. Cần Thơ.

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là phần cuối của lưu vực sông Mê Công, với tổng diện tích 39.400km2, chiếm khoảng 12% diện tích cả nước. Dân số toàn vùng khoảng 18 triệu người, trong đó 75% người dân hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Theo báo cáo của Cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, mặc dù Trung ương và địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc quản lý điều hòa các nguồn nước sẵn có, các hoạt động phát triển, đô thị hóa, công nghiệp hóa, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và thói quen sử dụng nước chưa tiết kiệm của người dân đã và đang tạo sức ép rất lớn đến cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, thủy sản, tiêu thoát nước cho đô thị, xử lý nước thải.

 Vào mùa khô, nhiều tỉnh tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long xảy ra thiếu nước sinh hoạt và sản xuất

Vào mùa khô, nhiều tỉnh tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long xảy ra thiếu nước sinh hoạt và sản xuất

Riêng với khu vực ĐBSCL, đây là vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây lớn nhất cả nước, thế nhưng đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng liên quan đến an ninh nguồn nước.

Cụ thể, riêng mùa khô 2023 – 2024, hạn hán và xâm nhập mặn đã khiến 1.189ha lúa giảm năng suất, 43ha lúa (ngoài kế hoạch) tại tỉnh Sóc Trăng bị mất trắng; khoảng 73.900 hộ dân bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt.

Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam còn cho rằng, hạn hán và xâm nhập mặn làm suy giảm nguồn nước sinh hoạt và sản xuất, đặc biệt tại các tỉnh ĐBSCL. Nhiều hệ thống thủy lợi vẫn chưa hoàn chỉnh, hệ thống cống không có tính chủ động trong điều tiết hoặc kiểm soát nguồn nước, hệ thống trạm bơm điện còn thiếu so với nhu cầu, có khoảng gần một triệu hộ dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, trong đó có nhiều khu vực không thể cấp nước tập trung.

 Mùa khô xảy ra tình trạng hạn mặn gay gắt, gần một triệu hộ dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước sinh hoạt

Mùa khô xảy ra tình trạng hạn mặn gay gắt, gần một triệu hộ dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước sinh hoạt

Ngoài ra, tại Diễn đàn, các diễn giả còn cho rằng vấn đề an ninh nguồn nước an ninh nguồn nước còn bị tác động bởi sự gia tăng các chuỗi đập thủy điện ở thượng nguồn, việc chuyển hướng dòng chảy sông Mê Kông sang các khu vực khác, suy giảm chất lượng môi trường đất và nước, thay đổi mục đích sử dụng đất kèm theo mâu thuẫn trong phân bổ nguồn nước, hiệu quả sử dụng nước thấp, khai thác tài nguyên nước vượt quá mức cho phép, cùng với tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng…

Theo các diễn giả, những thách thức này đe dọa trực tiếp đến sinh kế của người dân địa phương và an ninh lương thực quốc gia.

 Trong khi chờ ngành chức năng thực hiện các giải pháp căn cơ, chính người dân cần chủ động tích nước, thay đổi các thói quen canh tác, sinh hoạt để tiết kiệm nước

Trong khi chờ ngành chức năng thực hiện các giải pháp căn cơ, chính người dân cần chủ động tích nước, thay đổi các thói quen canh tác, sinh hoạt để tiết kiệm nước

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vũ Minh Việt, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, truyền thông đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và thúc đẩy các hành động cụ thể nhằm bảo vệ nguồn nước tại ĐBSCL để thực hiện Kết luận số 36 của Bộ Chính trị: “Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn đập và hồ chứa nước trong tình hình mới”.

Trong bối cảnh ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức về an ninh nguồn nước, trong khi chờ đợi ngành chức năng thực hiện các giải pháp căn cơ đảm bảo an ninh nguồn nước, các diễn giả cho rằng, người dân cần chủ động tích trữ, điều hòa nguồn nước, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển bền vững ĐBSCL dựa trên quan điểm “Chủ động sống chung với lũ”, “Sống chung với mặn và lợ”, “Chống ngập lụt ở các đô thị”...

Nguyễn Hành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dong-bang-song-cuu-long-doi-mat-voi-nhung-thach-thuc-ve-an-ninh-nguon-nuoc-post397838.html