Đồng chí Nguyễn Thị Thập - nữ cán bộ chủ chốt trong khởi nghĩa Nam kỳ

Đồng chí Nguyễn Thị Thập tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt, được sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông con, có truyền thống yêu nước và đấu tranh chống cường quyền áp bức tại xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang (trước là tỉnh Mỹ Tho).

Năm 1928, đồng chí Nguyễn Thị Thập tham gia Nông hội đỏ tại địa phương với nhiệm vụ thông tin liên lạc. 3 năm sau, đồng chí thoát ly gia đình, lên Sài Gòn hoạt động cách mạng, thâm nhập cuộc sống công nhân, thợ thuyền, những người lao động nghèo khổ để tuyên truyền giác ngộ, xây dựng cơ sở cách mạng ở TP. Sài Gòn và các tỉnh: Mỹ Tho, Tân An, Bến Tre và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Từ đây đồng chí lấy bí danh là Mười Thập.

Đồng chí Nguyễn Thị Thập cùng các đại biểu nữ đến thăm Bác Hồ nhân dịp tham dự Đại hội Phụ nữ Việt Nam lần thứ III.

Đồng chí Nguyễn Thị Thập cùng các đại biểu nữ đến thăm Bác Hồ nhân dịp tham dự Đại hội Phụ nữ Việt Nam lần thứ III.

Đầu năm 1940, Tỉnh ủy Mỹ Tho được củng cố, từng bước chuyển hướng lãnh đạo nhân dân đối phó với sự khủng bố gắt gao của thực dân Pháp, vừa tập trung củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể, mặt trận từ tỉnh, quận đến làng, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc đấu tranh vũ trang. Tỉnh ủy quyết định chọn rừng Ba U làm căn cứ kháng chiến.

Các quận cũng chọn những nơi có cơ sở phong trào mạnh làm căn cứ như: Bắc quận Châu Thành, bắc quận Cai Lậy, bắc quận Cái Bè... Những căn cứ này đều nằm trong vùng Đồng Tháp Mười liên hoàn với căn cứ tỉnh. Song song với đó, Ban Quân sự tỉnh Mỹ Tho được hình thành, các Hội phản đế cũng phát triển như Công hội, Nông hội, Hội phản chiến, Hội thanh niên phản đế, các chi bộ cũng tổ chức được các đội cảm tử.

Đồng chí Nguyễn Thị Thập công tác ở chiến khu Việt Bắc.

Đồng chí Nguyễn Thị Thập công tác ở chiến khu Việt Bắc.

Tháng 7 đến tháng 8-1940, địch khủng bố ngày càng dữ dội. Những người trốn lính, quần chúng tốt, tích cực không thể ở địa phương phải chạy theo cách mạng vào Tân Lập, rừng Ba U. Tháng 9 đến tháng 10, số người theo cách mạng ngày càng đông, tăng thêm gấp mấy tháng trước. Bà con chở vào tiếp tế cho cách mạng đủ các thứ: Gạo, mắm muối, heo, gà, vải vóc, máy khâu, thùng thiếc, tre, diêm sinh... Anh em cùng nhau in truyền đơn, rèn vũ khí, đốt than tràm, chẻ lạt tre, làm thuốc pháo, làm loa... Các cuộc hội họp, thảo luận, tranh luận sôi nổi diễn ra thường xuyên. Tinh thần cách mạng lên cao. Mọi người đang trong không khí chờ đợi lệnh khởi nghĩa.

Đầu tháng 11-1940, Tỉnh ủy họp ở Thạnh Phú, Châu Thành nhằm triển khai Nghị quyết tháng 10-1940 của Xứ ủy, kiểm điểm tình hình chuẩn bị và xây dựng kế hoạch khởi nghĩa; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ trong Tỉnh ủy và các quận ủy. Tỉnh ủy phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ chủ chốt của tỉnh và của quận; trong đó, đồng chí Nguyễn Thị Thập phụ trách Lực lượng vũ trang tập trung của tỉnh (đang ở căn cứ Ba U) phối hợp lực lượng khởi nghĩa tại chỗ giành chính quyền các xã: Tam Hiệp, Long Định, Long An... uy hiếp lộ 4 (nay là Quốc lộ 1A).

Tỉnh ủy xác định đây là cuộc khởi nghĩa đồng loạt trên phạm vi toàn tỉnh, mục tiêu là giành chính quyền về tay nhân dân. Tỉnh ủy Mỹ Tho chủ trương thành lập Ủy ban khởi nghĩa ở các cấp và khi giành được chính quyền, chuyển các Ủy ban khởi nghĩa sang làm nhiệm vụ của chính quyền cách mạng. Đến gần ngày khởi nghĩa, Tỉnh ủy - Ban Quân sự thành lập các Ban của Ủy ban khởi nghĩa: Ban tham mưu, Ban tác chiến, Ban Binh vận, Ban hậu cần, cứu thương...

Xứ ủy đã cho lệnh khởi nghĩa: Đêm 22-11 và rạng ngày 23, cùng một lúc các nơi phải đánh chiếm các đồn. Châu Thành là trọng điểm khởi nghĩa của tỉnh Mỹ Tho, đồng chí Nguyễn Văn Trọng được phân công phụ trách tại đây. Đồng chí Nguyễn Thị Thập được phân công trong Ban Chỉ huy theo dõi cánh quân đánh đồn Tam Hiệp, Châu Thành.

Rạng sáng ngày 23-11-1940, đồng chí Nguyễn Thị Thập chỉ huy cánh quân tiến tới đồn Tam Hiệp. Đoàn quân khởi nghĩa đi đến đâu, nhân dân hưởng ứng đi theo ngày càng đông đến đó. Trống mõ vang dội, người ùn ùn đi tới, đầu người đen kịt, nhấp nhô giáo mác, gậy gộc. Dòng thác phẫn nộ ào ào tiến tới bao vây đồn Tam Hiệp. Loa vừa cất lên “alo, alo”, súng trong đồn đã bắn ra. Nghĩa quân hò reo xông tới, bất chấp súng đạn. Có người ngã xuống, có người bị thương, đoàn người vẫn hô vang “Tiến lên! Tiến lên”.

Đồng chí Nguyễn Thị Thập về thăm lại căn cứ khởi nghĩa Nam kỳ năm xưa.

Đồng chí Nguyễn Thị Thập về thăm lại căn cứ khởi nghĩa Nam kỳ năm xưa.

Những người phía xa còn chưa xông kịp tới đồn thì “từ trong đồn, một lá cờ trắng buộc vội bằng chiếc khăn bông trên đầu ngọn sào run rẫy thò lên...”. Bọn địch đầu hàng trước khí thế hùng mạnh của nghĩa quân. Cánh quân do đồng chí Nguyễn Thị Thập chỉ huy giành quyền làm chủ tại Thân Cửu Nghĩa, Tam Hiệp, Long An lúc 8 giờ sáng ngày 23-11-1940. Sau đó, đồng chí chỉ huy lực lượng tự vệ tiến ra Long Định để tiếp ứng với quân khởi nghĩa của ta do đồng chí Nguyễn Văn Tân chỉ huy. Đến nơi thì trận chiến đã xong, bọn địch đã rút về Cai Lậy.

Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, hai cánh quân do đồng chí Nguyễn Văn Tân và Nguyễn Thị Thập chỉ huy, một rút về căn cứ Ba U cùng với tất cả các thương binh, cánh quân này có nhiệm vụ uy hiếp lộ 4 và bảo vệ căn cứ; một rút về đình Long Hưng để bảo vệ chính quyền nhân dân.

Hòa chung với khí thế cuộc khởi nghĩa cả tỉnh Mỹ Tho và cả miền Nam, đồng bào đứng lên khởi nghĩa cướp chính quyền. Tiếng bước chân rầm rập, rung chuyển mặt đất, rung chuyển cả bầu trời. Đồng chí hòa cùng người dân, trước khí thế cách mạng, tâm hồn vui mừng, tinh thần hăng hái, tràn đầy phấn khởi, tin tưởng.

Khoảng 12 giờ trưa ngày 23-11-1940, các mũi tiến công kéo trở về đình Long Hưng thành lập chính quyền công nông cách mạng của tỉnh. Cờ búa liềm, cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trước đình. Trước cổng trụ sở (đình Long Hưng), một băng rôn được treo với dòng chữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc”. Nơi đây trở thành Tổng hành dinh cách mạng tỉnh Mỹ Tho.

Các cán bộ phụ trách được phân công nhiệm vụ trong khởi nghĩa Nam kỳ .

Các cán bộ phụ trách được phân công nhiệm vụ trong khởi nghĩa Nam kỳ .

Ngay trong ngày 23-11-1940, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho được thành lập và tổ chức cuộc mít tinh có hơn 3.000 người dự để ra mắt nhân dân. Đồng chí Nguyễn Thị Thập được phân công phụ trách thường trực. Đồng thời, đồng chí cũng là thành viên của Hội đồng Tòa án tỉnh Mỹ Tho.

Khởi nghĩa thành công, đồng chí tiếp tục lãnh đạo ban làm sổ sách tiếp nhận lương thực tiếp tế của nhân dân và Ban quân trang lo cắt may quần áo cho chiến sĩ...

Tiếp nối truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” của phụ nữ Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thị Thập không quản ngại gian khổ, hy sinh vẫn kiên trung với cách mạng. Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ diễn ra tại tỉnh Mỹ Tho, đồng chí Nguyễn Thị Thập có vai trò và sự đóng góp to lớn. Sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, đồng chí Nguyễn Thị Thập vẫn tiếp tục tham gia vào cuộc chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ, cho đến ngày giải phóng, đất nước thống nhất.

Gần 70 năm tham gia cách mạng, hơn 60 năm chiến đấu liên tục trong đội ngũ của Đảng, được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách, đồng chí là một cán bộ có nhiều cống hiến xuất sắc đối với phong trào cách mạng, phong trào phụ nữ Việt Nam và phong trào phụ nữ thế giới. Đồng chí Nguyễn Thị Thập là niềm tự hào, là tấm gương sáng của quê hương Tiền Giang giàu truyền thống cách mạng, điển hình cho tinh thần kiên cường, bất khuất của người phụ nữ miền Nam nói riêng và cả nước nói chung trong cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202111/dong-chi-nguyen-thi-thap-nu-can-bo-chu-chot-trong-khoi-nghia-nam-ky-939129/