Đồng hành cùng hội viên, nông dân vượt khó vươn lên
Trong năm qua, Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang đã trở thành điểm sáng trong công tác giảm nghèo bền vững thông qua các phong trào thi đua và hoạt động hỗ trợ thiết thực. Những nỗ lực không ngừng của Hội Nông dân tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, khơi dậy tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên trong cộng đồng nông dân.
Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã nâng cao nhận thức chính trị, hiểu biết pháp luật và khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, khát vọng vươn lên trong mỗi nông dân. Điều này được thực hiện thông qua các chương trình tuyên truyền và giáo dục.
Cụ thể, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền nhằm giúp nông dân tiếp cận tri thức, nâng cao hiểu biết về sản xuất hiện đại, pháp luật và trách nhiệm cộng đồng. Hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp thông minh. Hội đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Các hội viên được khuyến khích kết nối sản phẩm của mình với sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ sinh học để nâng cao chất lượng và giá trị nông sản.
Những nỗ lực này không chỉ giúp cải thiện thu nhập mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, chuyển từ sản xuất tự phát sang mô hình sản xuất có tổ chức, có kế hoạch. Đây là bước đệm quan trọng giúp người nông dân không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng.
Không dừng lại ở việc nâng cao nhận thức, Hội còn chú trọng đào tạo kỹ năng sản xuất và kinh doanh cho hội viên. Trong năm qua, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức hơn 1.072 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, thu hút hơn 61.100 lượt hội viên tham gia. Những lớp học này không chỉ cung cấp kiến thức mà còn giúp nông dân tự tin ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Hội đã tổ chức bồi dưỡng kỹ năng hợp tác, liên kết cho 800 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, giúp họ xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tập thể. Những kiến thức và kỹ năng này là nền tảng để nông dân tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.
Bên cạnh đó, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã trở thành một trong những hoạt động trọng tâm của Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang. Phong trào này không chỉ là nơi hội tụ những nông dân xuất sắc mà còn là động lực để họ chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn.
Hội đã phát động phong trào ở tất cả các cấp, tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn nhằm giới thiệu các tiêu chuẩn để đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất kinh, doanh giỏi". Từ đó, các hội viên đăng ký và cam kết thực hiện. Phong trào đã lan tỏa sâu rộng, thu hút sự tham gia của đông đảo nông dân, tạo động lực phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu.
Nhiều mô hình kinh tế tiên tiến đã được triển khai thành công như chuyên canh cây sầu riêng, trồng thanh long đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, nuôi tôm công nghệ cao hay trồng hoa kiểng phục vụ thị trường nội địa và quốc tế. Những mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn khẳng định vị thế của nông dân Tiền Giang trên thị trường.
Đồng thời, Hội còn tổ chức các đoàn học tập kinh nghiệm tại các tỉnh miền Tây, miền Trung và Tây Nguyên. Điều này giúp hội viên tiếp cận những mô hình sản xuất mới, học hỏi các kỹ thuật tiên tiến và nhân rộng về địa phương mình.
Một trong những điểm sáng của Hội Nông dân tỉnh là hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển sản xuất. Tính đến cuối năm 2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đạt 93,3 tỷ đồng, giúp nông dân xây dựng được 60 dự án và 7.932 lượt hộ vay vốn phát triển sản xuất.
Ngoài ra, Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tiền Giang thực hiện ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tính đến ngày 30-10-2024, tổng dư nợ của các chương trình tín dụng chính sách trên 1.924 tỷ đồng, với 47.813 thành viên tham gia vay vốn thông qua 1.140 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đồng thời, Hội phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các chương trình tín dụng, tổng dư nợ trên 2.748 tỷ đồng, với 30.349 hộ vay vốn thông qua 988 Tổ liên doanh vay vốn.
Hội đã phối hợp tổ chức 21 lớp đào tạo nghề, với 715 hội viên, nông dân tham gia.Đồng thời, Hội Nông dân cơ sở phối hợp bồi dưỡng nghề cho hơn 8.000 lao động nông thôn. Những chương trình này không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức mà còn giúp người nông dân tự tin áp dụng công nghệ mới như hệ thống tưới nước tự động, sản xuất trong nhà lưới và trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP.
Những mô hình như trồng dừa hữu cơ, nuôi dê sinh sản, nuôi tôm công nghệ cao đã trở thành những điển hình về hiệu quả kinh tế và tính bền vững. Đây là minh chứng rõ nét cho việc khoa học - công nghệ đã thay đổi bộ mặt của nền nông nghiệp Tiền Giang.
Bên cạnh các hoạt động kinh tế, Hội Nông dân dân tỉnh Tiền Giang còn đặc biệt quan tâm đến công tác an sinh xã hội. Trong năm qua, Hội đã tổ chức thăm và tặng hơn 2.150 suất quà cho các hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn, trị giá trên 2 tỷ đồng. Đồng thời, các hoạt động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cũng được đẩy mạnh, với 47 “Mái ấm nông dân” được vận động hỗ trợ xây dựng cho các đối tượng khó khăn về nhà ở, tổng trị giá 2,35 tỷ đồng, đã góp phần cải thiện điều kiện sống và khơi dậy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng.
Những kết quả đạt được từ các hoạt động của Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang đã minh chứng cho sự đúng đắn trong định hướng phát triển. Không chỉ cải thiện đời sống kinh tế, Hội còn góp phần nâng cao nhận thức, tư duy của nông dân, tạo ra một lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng và tinh thần hợp tác cao.