Đồng hành cùng 'tam nông'

Với mạng lưới rộng khắp trên địa bàn tỉnh, hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) tỉnh Bình Phước đa dạng hóa chương trình, đẩy mạnh giải ngân cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn, qua đó trở thành người bạn của 'tam nông'. Trải qua nhiều khó khăn, thăng trầm, ngân hàng vẫn kiên định với sứ mệnh đồng hành cùng 'tam nông', đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh nhà.

Hiệu quả vốn tín dụng “tam nông”

Gia đình ông Nguyễn Năm ở ấp 8, xã Lộc Điền, huyện Lộc Ninh sau khi tiếp cận nguồn vốn vay của Agribank tại Phòng Giao dịch Lộc Thái với số tiền gần 2 tỷ đồng đã đầu tư trồng, chăm sóc cây sầu riêng trên diện tích hơn 3 ha. Hiện các gốc sầu riêng đã 4-7 năm tuổi, năng suất ước đạt khoảng 25 tấn/năm. Thời điểm giá bán sầu riêng cao, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Năm thu lãi hơn 1 tỷ đồng/năm.

Nhờ nguồn vốn vay của Agribank, gia đình ông Nguyễn Năm vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng

Nhờ nguồn vốn vay của Agribank, gia đình ông Nguyễn Năm vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng

Với tính cần cù, sử dụng vốn vay đúng mục đích, gia đình ông Năm trở thành hộ sản xuất có tiếng trên địa bàn huyện, được nhiều người biết đến và học tập, làm theo. “Trước đây, do không đủ nguồn lực, gia đình gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển sản xuất, thu nhập không ổn định. Từ nguồn vốn vay của Agribank, gia đình có điều kiện đầu tư trồng sầu riêng và đã cho hiệu quả kinh tế cao. Thật hạnh phúc và tự hào khi có thể vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình” - ông Năm chia sẻ.

Đi giữa trang trại của anh Trịnh Anh Thảo ở xã Lộc Điền, huyện Lộc Ninh càng thấy rõ hiệu quả vốn vay ưu đãi cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Anh Thảo có được thành quả hôm nay cũng nhờ nguồn vốn vay hỗ trợ giải quyết khó khăn cho sản xuất nông nghiệp được Agribank triển khai với thủ tục đơn giản, thuận tiện.

Anh Thảo chia sẻ: “Để canh tác giống sầu riêng Ri6 có ưu điểm cơm vàng, hạt lép, ngon, được thị trường ưa chuộng thì phải có nguồn lực. Vì bình quân 1 cây từ lúc trồng đến thu hoạch mất gần 5 năm. Chi phí đầu tư 1 cây khoảng 5 triệu đồng và nếu canh tác đúng quy trình, kỹ thuật, đảm bảo cây khỏe, cho năng suất, chất lượng thì lợi nhuận có thể trên 10 triệu đồng/năm. Việc ngân hàng kịp thời tạo điều kiện hỗ trợ vốn đã thêm sức mạnh để nông dân duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp”.

Phó Giám đốc Agribank Phòng Giao dịch Lộc Thái Ngô Thanh Sơn cho biết: “Phòng Giao dịch Lộc Thái trực thuộc Agribank Chi nhánh huyện Lộc Ninh, có hơn 90% tổng dư nợ đầu tư phát triển “tam nông” ở khu vực phụ trách. Với sứ mệnh hấp thụ vốn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đơn vị được đánh giá trong top đầu các phòng giao dịch trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cử cán bộ tín dụng tham gia họp tổ liên kết để nắm bắt nhu cầu vay vốn, hướng dẫn thủ tục hồ sơ, tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để người dân tiếp cận kịp thời nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh”.

Chính sự vào cuộc đầy quyết tâm ấy, nguồn vốn ngân hàng phục vụ phát triển “tam nông” thực sự được khơi dòng tại những vùng quê còn nhiều khó khăn, để sự sung túc, đủ đầy của nông dân cũng là niềm vui của những người làm công tác tín dụng.

Góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”

Năm 2013, chị Trần Thị Kim Sương thành lập Công ty TNHH MTV vật liệu Tuyết Cần để sản xuất gạch xây dựng. Những năm đầu mới thành lập, do nguồn lực còn yếu, chị Sương phải vay từ các tổ chức tín dụng và mượn ngoài với lãi suất khá cao để duy trì sản xuất. Năm 2016, chị Sương đến Agribank Chi nhánh huyện Lộc Ninh và được cán bộ, nhân viên nhiệt tình hướng dẫn thực hiện các thủ tục vay vốn phát triển sản xuất. Có thêm nguồn lực 2 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, chị Sương đã mở rộng quy mô sản xuất và duy trì thường xuyên 50 lao động.

“Khi mới thành lập, doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn vay từ phía ngân hàng, còn nếu được thì “rót” từng đợt. Vì vậy, doanh nghiệp mới thường gặp khó khăn về vốn, nên phải vay mượn thêm bên ngoài với lãi suất cao, do đó hiệu quả kinh doanh thấp. Qua thông tin, doanh nghiệp đã tiếp cận được nguồn vốn Agribank nên hoạt động sản xuất, kinh doanh dần đi vào khuôn khổ, ổn định và lợi nhuận cũng tăng lên” - chị Sương chia sẻ.

Là ngân hàng có vai trò chủ lực trong thực hiện chương trình chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank Chi nhánh huyện Lộc Ninh đã tích cực triển khai 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình mục tiêu quốc gia phục vụ “tam nông”. Tính đến nay, đã có hơn 7.000 lượt khách hàng tiếp cận nguồn vốn hơn 3.000 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, kinh doanh, qua đó đã góp phần đẩy lùi “tín dụng đen” ở nông thôn, vùng biên giới.

Có thể thấy, vốn tín dụng từ Agribank có lãi suất ưu đãi đã, đang và sẽ giúp người dân, doanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh đúng mục đích, hiệu quả, qua đó góp phần phát triển quê hương ngày càng giàu mạnh.

Đóng vai trò chủ lực trong “tam nông”, Agribank Chi nhánh Lộc Ninh đã nỗ lực không ngừng đa dạng hóa các kênh dẫn vốn, đưa dịch vụ ngân hàng đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tham mưu chính quyền địa phương và phối hợp các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội các cấp tổ chức thực hiện có hiệu quả nguồn vốn cho vay. Thời gian tới, Agribank Chi nhánh Lộc Ninh sẽ tiếp tục đổi mới phương thức, cải tiến quy trình, đơn giản thủ tục… hỗ trợ khách hàng. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội để đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc phát triển “tam nông” ở địa phương.

Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Lộc Ninh
LÊ VĂN SỸ

Thanh Mảng - Trung Quang

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/163115/dong-hanh-cung-tam-nong