Đồng hành trên cơ sở 'nghe trẻ em nói'

Đánh giá cao Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ Nhất đã cụ thể hóa quyền tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội của các em bằng những mô hình thúc đẩy cụ thể, nhiều ý kiến cho rằng: không chỉ thể hiện sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm, đây cũng có thể xem như cuộc TXCT đặc biệt với những vị cử tri đặc biệt, đúng như nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phát biểu về phiên họp. Theo đó, đã đến lúc Quốc hội, Chính phủ các bộ, ngành trên cơ sở 'nghe trẻ em nói', hãy hành động, đồng hành để hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em; đồng thời, thường xuyên giám sát việc thực thi.

Phó trưởng Ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh Lê Hồng Hạnh:
Giả định nhưng tâm nguyện là thật

Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ Nhất tập trung vào 2 nhóm vấn đề rất có tính thời sự là: “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” và “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em” để thảo luận và kiến nghị. Đây cũng là những vấn đề lớn mà lâu nay dư luận xã hội, cử tri và nhân dân rất quan tâm. Theo dõi phiên họp, tôi thực sự rất bất ngờ trước kỹ năng nhìn nhận, đánh giá và quyết định vấn đề nêu ra tại phiên họp, đặc biệt là vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Điều này cũng đặt ra những câu hỏi để Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, kịp thời có các giải pháp cụ thể đối với những tâm tư, nguyện vọng của các em.

Mỗi dịp hè đến, chúng ta lại không khỏi đau lòng trước những vụ đuối nước thương tâm của trẻ em trên mọi miền Tổ quốc. Còn tai nạn thương tích do vô tình hay cố ý cũng đã gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh toàn xã hội. Đơn cử như vụ việc cháu bé bị rơi xuống trụ bê tông sâu 35m ở Đồng Tháp là minh chứng đau lòng. Các vụ việc bạo hành trẻ em có xu hướng gia tăng về số lượng và nghiêm trọng, nguy hiểm về động cơ hành vi.

Những nội dung các em bày tỏ tại phiên họp giả định là những tâm tư, nguyện vọng thật. Đây cũng có thể xem như cuộc TXCT đặc biệt với những vị cử tri đặc biệt, đúng như nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phát biểu về phiên họp. Theo đó, đã đến lúc Quốc hội, Chính phủ các bộ, ngành trên cơ sở “nghe trẻ em nói”, hãy hành động, đồng hành để hoàn thiện đồng bộ chính sách pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em, hãy để trẻ em được phát triển toàn diện, đầy đủ và an toàn. Đồng thời, thường xuyên giám sát việc thực thi các luật, chính sách về trẻ em để các kiến nghị, nguyện vọng của trẻ em được thực thi nghiêm túc trong thực tiễn.

Nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Bảo Lộc, Lâm Đồng Nguyễn Vân Hậu:
Cơ sở tham gia ý kiến, đề xuất ban hành quyết sách thiết thực

Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc tháng 1.1946, Bác Hồ viết: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội”. Việc tổ chức thành công Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ Nhất, năm 2023, với 2 nhóm vấn đề rất thời sự là: “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng” và “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em” được đưa ra thảo luận và kiến nghị, là minh chứng cho sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước trong thực hiện tư tưởng của Người.

Trẻ em ngày nay có điều kiện để phát triển thể chất, tinh thần, tư duy, có thể đánh giá các vấn đề thực tiễn cuộc sống đang diễn ra xung quanh. Vì vậy, cần có phương pháp để bảo vệ, phát huy quyền, tư duy đó bằng các chính sách phù hợp. Những ý kiến tại Phiên họp Quốc hội giả định cần được tôn trọng như một sự lao động trí óc của các em, rất mong các đại biểu Quốc hội xem xét từ những ý kiến đó của các em khi tham gia ý kiến, đề xuất ban hành các quyết sách về kinh tế - xã hội nói chung, vì hầu hết chính sách, pháp luật đều có quyền lợi của trẻ em ở góc độ trực tiếp hay gián tiếp.

Thời gian qua, Thường trực HĐND, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố đã tăng cường các hoạt động đối thoại để lắng nghe tiếng nói, kịp thời có giải pháp hữu hiệu hiện thực hóa những đề xuất, kiến nghị chính đáng, nhất là những nội dung liên quan đến sự phát triển cả về thể chất, trí tuệ và tâm hồn thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Đây là hoạt động cần tiếp tục được phát huy, cùng với đó cần quan tâm tổ chức nhiều hơn những cuộc điều tra, tham vấn trẻ em thực chất.

Luật sư NGUYỄN VĂN BẢO, Giám đốc Công ty Luật Bảo Phong (Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh):
Cụ thể hóa quyền tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội

Có thể khẳng định, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của nước ta đã được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, mang đến những kết quả hết sức tích cực trong việc chăm lo tốt nhất cho thế hệ tương lai của đất nước. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, và các tổ chức chính trị - xã hội đối với trẻ em được thể hiện bằng những hình thức thiết thực mà Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ Nhất vừa được tổ chức là một minh chứng rất rõ nét, khi các em được vào vai là đại biểu Quốc hội đại diện cho chính thế hệ mình bàn về các nội dung, quan điểm, kiến nghị về các vấn đề liên quan đến chính các em.

Trong lần đầu tiên được tổ chức, tôi đánh giá rất cao sự vào cuộc tích cực, bằng tất cả tình yêu thương mà Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội dành cho công tác chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, phát triển toàn diện và bảo đảm quyền của trẻ em. Nhất là việc cụ thể hóa quyền tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội của các em bằng các mô hình thúc đẩy cụ thể. Nội dung “bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng và phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em” được các đại biểu Quốc hội trẻ em bàn thảo là những vấn đề hết sức thiết thực, ý nghĩa nhận được sự quan tâm của không chỉ các em mà cả cộng đồng hiện nay.

Ở góc độ khác, Phiên họp giả định này cũng cho thấy kỳ vọng của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương trong công tác định hướng cho các em trở thành những công dân có trách nhiệm với đất nước, với xã hội. Tiếp nối các hoạt động mà Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội đang nỗ lực triển khai nhằm tăng cường giám sát việc thực hiện quyền trẻ em và các quy định của pháp luật liên quan.

Tôi tin rằng, định hướng về việc nghiên cứu để đưa quy trình thẩm tra nội dung bảo đảm quyền trẻ em thành một khâu bắt buộc trong hoạt động lập pháp mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị trong phát biểu tại Phiên họp giả định khi được triển khai đồng bộ, quyết liệt sẽ tạo ra bước tiến mạnh mẽ trong quá trình xem xét, thông qua các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết đối với việc chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em. Đây cũng là cơ sở để các cấp chính quyền, các đoàn thể chính trị tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm giải quyết những vấn đề nổi lên trong công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em cũng như thực thi các chính sách chăm lo tốt nhất cho thế hệ tương lai của đất nước.

BÌNH NGUYÊN - SONG NGUYÊN - MẠNH TUÂN thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/dong-hanh-tren-co-so-nghe-tre-em-noi-i342646/