Động lực cho phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long
Diễn đàn quốc tế Phát triển bền vững ĐBSCL (SDMD) năm 2024, với chủ đề 'Công nghiệp hóa - hiện đại hóa: Động lực cho phát triển bền vững ĐBSCL' diễn ra tại TP.Cần Thơ từ ngày 29 - 30.11.
Diễn đàn quốc tế SDMD 2024 do UBND TP.Cần Thơ và Trường đại học Cần Thơ đồng tổ chức với mục tiêu: Kết nối các bên liên quan trong nước và quốc tế, tổ chức các tọa đàm và diễn đàn thường kỳ nhằm cung cấp, chia sẻ thông tin và đề xuất giải pháp phát triển các lĩnh vực trọng yếu của vùng ĐBSCL, góp phần hỗ trợ xây dựng các chủ trương, chiến lược và chính sách phát triển bền vững vùng ĐBSCL tầm nhìn 2045.
Diễn đàn cũng là cơ hội tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan để xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án nghiên cứu và phát triển, góp phần phát triển khoa học công nghệ, kinh tế - xã hội và môi trường của vùng; xây dựng trung tâm thông tin và khai thác dữ liệu phát triển ĐBSCL nhằm phân tích, tổng hợp dữ liệu và thông tin; tương tác, chia sẻ thông tin và cung cấp tư vấn góp phần phát triển bền vững ĐBSCL.
Diễn đàn quy tụ hàng trăm đại biểu đến từ các viện, trường, các tỉnh ĐBSCL và nhiều đại biểu từ các nước trên thế giới tham dự.
Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho rằng, diễn đàn quốc tế SDMD không chỉ là nơi để trao đổi kiến thức và kinh nghiệm mà còn là kết nối các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp. Đây là diễn đàn cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, thành tựu, thách thức và giải pháp sáng tạo nhằm hướng tới phát triển bền vững.
Thành phố Cần Thơ, "hạt nhân" của vùng ĐBSCL đang tận dụng nhiều động lực để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2024 - 2025 và tầm nhìn 2030. Những yếu tố này không chỉ tạo ra sự bứt phá về kinh tế, quy hoạch TP.Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mà còn là cơ sở, là tiền đề vững chắc để TP.Cần Thơ tiếp tục mở rộng tầm nhìn, tăng tốc bứt phá, đưa TP.Cần Thơ phát triển vươn tầm cao mới.
Tiến sĩ Trần Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa – Đại học Cần Thơ tham gia diễn đàn với báo cáo khoa học “Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa ĐBSCL: Hiện trạng và khuyến nghị”.
Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA Vietnam) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đã đồng hành và đóng góp quan trọng trong việc định hướng phát triển khu vực theo chuẩn mực toàn cầu. Ông Yuichi Sugano, Trưởng đại diện JICA Việt Nam trình bày báo cáo khoa học với chủ đề: “Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa ĐBSCL: Góc nhìn quốc tế”.
Tại diễn đàn, Bà Võ Thị Thu Hương, Phó giám đốc VCCI Cần Thơ trình bày báo cáo khoa học “Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa Đồng bằng sông Cửu Long: Góc nhìn của doanh nghiệp”.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú trình bày báo cáo về góc nhìn của doanh nghiệp về công cuộc “Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa Đồng bằng sông Cửu Long”.
Nhiều báo cáo của đại diện các viện, trường, các nhà khoa học trên thế giới thể hiện sự quan tâm về ĐBSCL. Đây là vùng đất nhiều tiềm năng và lắm thách thức. Trong bối cảnh hiện nay, ĐBSCL phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, bao gồm sự tác động của biến đổi khí hậu, cùng với những biến động của nền kinh tế toàn cầu. Những yếu tố này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp mà còn làm gia tăng khó khăn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững của vùng.
Tại Diễn đàn Quốc tế SDMD lần thứ 2 - năm 2024, các đại biểu đã chứng kiến Lễ tuyên bố hợp tác, đồng hành thực hiện diễn đàn SDMD 2045 giữa 13 tỉnh ĐBSCL và Trường đại học Cần Thơ. Sự hợp tác này là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược, sự đồng hành và quyết tâm mạnh mẽ trong việc xây dựng một ĐBSCL phát triển hiện đại, bền vững và giàu bản sắc.