Đồng Nai: Hơn 90% dư nợ tín dụng ngân hàng chảy vào khu vực kinh tế tư nhân

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Khu vực 2, cho biết dư nợ cho vay đối với khu vực kinh tế tư nhân ở tỉnh Đồng Nai đang chiếm hơn 90% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.

Theo đó, dư nợ tín dụng chủ yếu tập trung vào các thành phần kinh tế tư nhân, bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kinh tế hộ gia đình và hợp tác xã.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2 cho rằng, trên thực tế, dư nợ tín dụng ngân hàng cho vay khu vực kinh tế tư nhân luôn chiếm tỷ trọng cao so với tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Theo đó, ngành Ngân hàng đang tích cực triển khai nhiều chương trình, chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tiếp cận vốn thuận lợi hơn.

Trong đó, nổi bật là các chương trình cho vay ngắn hạn bằng VND với lãi suất không quá 4%/năm đối với các doanh nghiệp thuộc 5 nhóm ngành ưu tiên; cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 và Nghị định 156; cho vay theo các gói tín dụng phát triển ngành lâm thủy sản trị giá 100.000 tỷ đồng và gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho hạ tầng và ứng dụng khoa học công nghệ.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang thực hiện thí điểm áp dụng công nghệ thu thập dữ liệu và chấm điểm tín dụng, hướng tới đẩy mạnh cho vay tín chấp, cho vay theo dòng tiền và cho vay điện tử. Các cơ chế thử nghiệm như chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình mở (API), cho vay ngang hàng và cải cách hành chính tăng số hóa cũng đang được triển khai nhằm cải thiện tiếp cận vốn và tăng tính minh bạch trong hệ thống tài chính.

Tại Đồng Nai, khu vực kinh tế tư nhân đang giữ vai trò trung tâm trong dòng chảy tín dụng ngân hàng. Theo ông Lệnh, ngành Ngân hàng đã và đang phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh này trong việc thực hiện Nghị quyết 68 về đổi mới và phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục mở rộng tín dụng hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh hoạt động cho vay, các dịch vụ thanh toán và chuyển tiền ngày càng tiện ích, nhanh chóng và an toàn hơn, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Quá trình này góp phần quan trọng vào sự phát triển đồng bộ giữa hoạt động ngân hàng và khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời thúc đẩy chu kỳ luân chuyển vốn trong nền kinh tế.

Cải cách hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng cũng là một trong những ưu tiên. Các ngân hàng tập trung tiết giảm chi phí hoạt động, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, từng bước kéo giảm lãi suất vay. Giao dịch ngân hàng cũng được đơn giản hóa, tăng tính tiện lợi, tiết kiệm thời gian cho khách hàng.

Đ.Hải

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dong-nai-hon-90-du-no-tin-dung-ngan-hang-chay-vao-khu-vuc-kinh-te-tu-nhan-167690.html