Động thái mới nhất của ông Trump nhằm giải quyết nạn nhập cư bất hợp pháp
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump mới đây cho biết ông có kế hoạch xóa bỏ quyền công dân theo nơi sinh tại Mỹ ngay khi nhậm chức. Đây cũng là động thái mới nhất của Tổng thống đắc cử trong việc hiện thực hóa lời hứa giải quyết nạn nhập cư mà ông từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử trước đó.
Ông Trump đã nói gì?
Ra đời vào năm 1868 - bốn năm sau Nội chiến Mỹ, quyền công dân theo nơi sinh được quy định trong Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ, cho phép lật ngược phán quyết của Tòa án Tối cao trong vụ Dred Scott kiện Sandford - phán quyết phủ nhận các quyền cơ bản của người Mỹ gốc Phi đang sinh sống ở đất nước này. Theo luật pháp Mỹ hiện hành, quyền công dân được tự động cấp cho các cá nhân sinh ra trên trên đất Mỹ.
"Tất cả những người sinh ra hoặc nhập tịch tại Mỹ và chịu sự quản lý của Mỹ đều là công dân của Mỹ và của Tiểu bang nơi họ cư trú", Tu chính án thứ 14 nêu rõ.
Điều này được áp dụng với con cái của khách du lịch, sinh viên du học với thị thực ngắn hạn và những người nhập cư không có giấy tờ đang sinh sống tại quốc gia này.
Ông Trump từng tuyên bố đặt dấu chấm hết cho thông lệ kéo dài hơn 150 năm này như một giải pháp cho vấn nạn vượt biên trái phép ở biên giới phía Nam nước Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn chính thức đầu tiên trên đài NBC kể từ cuộc bầu cử Tổng thống vào cuối tuần trước, khi được hỏi liệu có định thực hiện lời hứa trong cuộc thăm dò ý kiến về việc chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh hay không, ông Trump đã trả lời chắc nịch:"Tất nhiên rồi”.
Tổng thống đắc cử cũng tiết lộ kế hoạch thay đổi thông lệ này thông qua quyền hành pháp, dù lưu ý rằng vẫn còn những lựa chọn khác. Ông cho biết sẽ làm việc với đảng Dân chủ để giải quyết vấn đề này, đồng thời gọi những người nhập cư có quốc tịch Mỹ nhờ quyền công dân theo nơi sinh là “những kẻ mơ mộng”.
"Tôi không muốn chia cắt các gia đình và cách duy nhất để không chia cắt gia đình là giữ họ ở bên nhau. Đó là lý do cần phải đưa họ trở về quê hương của chính họ”, ông Trump nhấn mạnh.
Một số đảng viên Cộng hòa, bao gồm cả ông Trump, đã lập luận rằng quyền công dân theo nơi sinh làm phát sinh tình trạng "du lịch sinh con", trong đó phụ nữ mang thai từ các quốc gia khác nhập cảnh vào Mỹ bất hợp pháp hoặc bằng thị thực du lịch để sinh con ở đó trước khi trở về nước. Theo cách này, con cái của họ được sinh ra là công dân Mỹ.
Ông Trump sẽ làm thế nào?
Mặc dù ông Trump không đưa ra nhiều chi tiết về kế hoạch chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh trong cuộc phỏng vấn với NBC nhưng vấn đề này đã được thảo luận rộng rãi trong một bài đăng năm 2023 trên trang web tranh cử của ông. Trang web cho biết Tổng thống đắc cử sẽ ban hành một sắc lệnh hành pháp vào ngày đầu tiên nhậm chức, "yêu cầu ít nhất một trong hai phụ huynh phải là công dân Mỹ hoặc thường trú nhân hợp pháp để con cái tương lai của họ tự động trở thành công dân Mỹ".
Theo ông Trump, sắc lệnh hành pháp sẽ nêu rõ rằng con cái của những người nhập cư bất hợp pháp "sẽ không được cấp hộ chiếu, số An sinh xã hội hoặc đủ điều kiện hưởng một số phúc lợi do người nộp thuế tài trợ".
Để thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong Hiến pháp, chính quyền mới của ông Trump sẽ cần sự ủng hộ của ít nhất 2/3 số nghị sĩ tại cả hai viện. Ngoài ra, việc xóa bỏ tu chính án này cũng phải được phê chuẩn bởi 3/3 số phiếu từ thành viên các cơ quan lập pháp của tiểu bang.
Đảng Cộng hòa chiếm đa số 53-47 tại Thượng viện và đa số 220-215 tại Hạ viện, đồng nghĩa với việc đảng này không có đủ số lượng cần thiết ở cả hai viện.
Một phương án khác có thể xét đến là ông Trump sẽ chỉ đạo Quốc hội thông qua luật chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh nhưng vẫn phải đối mặt với thách thức pháp lý vì luật này vi phạm Hiến pháp. Điều này được quy định rõ trong luật rằng quyền công dân theo nơi sinh không thể bị chấm dứt bằng sắc lệnh hành pháp và bất kỳ động thái nào như vậy nhiều khả năng sẽ dẫn đến kiện tụng.
Có nhiều ý kiến cho rằng ông Trump sẽ không ngần ngại đưa vụ việc này ra tòa, vì Tổng thống đắc cử “sẽ không ngần ngại thử nhiều phương pháp để hoàn thành mục tiêu của minhh”.
Tuy nhiên, kế hoạch chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh của ông Trump cũng vướng phải nhiều tranh cãi. Trong một bài viết năm 2011, Hội đồng Di trú Mỹ lưu ý rằng nếu quyền công dân theo nơi sinh bị xóa bỏ ở Mỹ, điều này sẽ khiến cha mẹ phải chứng minh tình trạng công dân của con mình.
"Giấy khai sinh là bằng chứng về quyền công dân của Mỹ. Nếu quyền công dân theo nơi sinh bị xóa bỏ, vậy thì giấy khai sinh còn có tác dụng gì nữa?", báo cáo của hội đồng cho biết.