Đồng Tháp phát huy các tiềm năng, thế mạnh đặc trưng để bứt phá

Ngày 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 35- CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo.

Cùng dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư.

Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết: Nhiệm kỳ 2020-2025, phương thức lãnh đạo của Đảng bộ Tỉnh và các cấp ủy đảng có nhiều đổi mới, sáng tạo, tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự tin tưởng, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI kịp thời, đạt nhiều kết quả nổi bật. Các nhiệm vụ đột phá được tập trung thực hiện đạt kết quả tích cực.

Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ được quan tâm thực hiện; công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tập trung thực hiện hiệu quả. Công tác phát triển Đảng đạt kết quả tốt; việc quản lý đảng viên đi làm ăn xa có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác dân vận có nhiều đổi mới, phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân tham gia phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh, chính trị và xây dựng Đảng, chính quyền địa phương.

Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch triển khai bảo đảm đúng tiến độ. Hiện, các tiểu ban đang triển khai thực hiện các phần việc của kế hoạch, kịp thời tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030, dự kiến sẽ tổ chức vào giữa tháng 9/2025. Tỉnh đã tổ chức tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đã thành lập Ban Chỉ đạo sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và đang triển khai các công việc rà soát, xây dựng phương án chi tiết khi sắp xếp, bố trí cán bộ, hoàn chỉnh tất cả phương án trong tháng 1/2025.

Các lĩnh vực kinh tế phát triển ổn định, một số lĩnh vực đạt kết quả khả quan. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng định hướng. Giá trị các ngành hàng chủ lực (lúa gạo, xoài, hoa kiểng, sen, cá tra) tiếp tục gia tăng và đi vào chiều sâu. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện. Chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ và đạt kết quả nổi bật. Bộ mặt nông thôn, đô thị ngày càng khang trang, hiện đại. Thu nhập và mức sống của nhân dân nâng lên. Đến nay, trong tổng số 15 chỉ tiêu kinh tế-xã hội, có 4 chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch 5 năm; 6 chỉ tiêu đang thực hiện, khả năng sẽ đạt và vượt kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh hiện còn 1,08%; 100% số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; dự kiến đến cuối năm 2024, có 8 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ và đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 93% dân số; tỷ lệ hộ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch ước đạt 96,2%...

Tuy nhiên, có 5 chỉ tiêu kinh tế-xã hội dự báo khó đạt kế hoạch, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân ước đạt 4,93% (chỉ tiêu đặt ra là bình quân 5 năm đạt 7,5%); GRDP bình quân/người ước đạt 77,55 triệu đồng, (chỉ tiêu đến năm 2025 đạt 92 triệu đồng/người/năm). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển còn thấp, việc thu hút và triển khai các dự án lớn còn ít, nhất là vốn FDI và vốn đầu tư tư nhân.

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận, biểu dương sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu và những kết quả, thành tựu mà Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã đạt được trong thời gian qua. Nhất là, kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển toàn diện, nổi bật là các chỉ tiêu về giảm nghèo, y tế, văn hóa, giáo dục, chất lượng sống của người dân được nâng lên từng ngày. Tỉnh đã thực hiện tốt tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; diện mạo nông thôn, đô thị có nhiều chuyển biến mạnh. Tỉnh rất chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, sáng tạo, nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao. Tỉnh có hơn 453 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao và 5 sao.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, điều vui mừng là kinh tế tư nhân của tỉnh đang ngày càng trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Việc Đồng Tháp liên tục 16 năm liền nằm trong top 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã làm nổi bật thêm hình ảnh của tỉnh và trở thành nhân tố mang lại cảm hứng cho nhiều địa phương khác. Đồng Tháp cần tiếp tục thúc đẩy mạnh các chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, đưa tỷ trọng đóng góp của thành phần này vào GRDP từ 29% hiện nay lên ít nhất 40% trong 5 năm tới.

Đánh giá cao tỉnh đã thẳng thắn nhìn nhận và chỉ ra những khó khăn, hạn chế như kinh tế tuy có phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, một số chỉ tiêu khó đạt kế hoạch đề ra, Tổng Bí thư cho rằng Đồng Tháp có tỷ trọng nông nghiệp chiếm tỷ lệ phần trăm cao thì mức tăng trưởng cao là rất khó khăn, Đảng bộ, chính quyền tỉnh cần tập trung nghiên cứu, sớm đề ra những giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng. Năm 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cần có giải pháp quyết liệt, dứt điểm để thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, tập trung phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu đã đề ra, nhất là các chỉ tiêu liên quan đến tăng trưởng kinh tế, thu nhập của nhân dân. Tập trung các giải pháp ưu tiên để bảo đảm tăng trưởng đi đôi với bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, chăm lo tốt nhất cho đời sống của người dân.

Về phương hướng phát triển, Tổng Bí thư khẳng định, Đồng Tháp có diện tích đất nông nghiệp lớn, sở hữu hệ thống sông ngòi, kênh rạch phong phú, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, rất thích hợp cho việc phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Với danh hiệu "Đất sen hồng", tỉnh có tiềm năng phát triển mạnh mẽ du lịch sinh thái gắn với bảo tồn thiên nhiên và văn hóa. Nhiều điểm đến nổi tiếng như Vườn quốc gia Tràm Chim (nơi có sếu đầu đỏ đến sinh sống – là loài đặc biệt quý hiếm), khu di tích Gò Tháp, Đồng Sen Tháp Mười,... nhiều lễ hội truyền thống; các mô hình du lịch nông thôn, tham quan các làng nghề, vườn cây ăn trái, hay trải nghiệm cuộc sống sông nước,... đều là những điểm đến hấp dẫn.

Tổng Bí thư nêu rõ, tỉnh có một số lợi thế mới nổi như có vị trí thuận lợi, nằm tiếp giáp với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, có thể dễ dàng kết nối đến các thị trường lớn trong cả nước và Campuchia; có cơ hội trở thành đầu mối giao lưu quan trọng theo định hướng phát triển của Tiểu vùng Mê Công mở rộng với hai cửa khẩu quốc tế là Thường Phước và Dinh Bà. Dân số Đồng Tháp hơn 1,6 triệu người, trong đó khoảng 60% trong độ tuổi lao động, đặc biệt là lao động trẻ độ tuổi 20-35 là nguồn nhân lực dồi dào; người lao động được đánh giá cao về sự chăm chỉ, kiên nhẫn và ý thức trách nhiệm trong công việc. Đồng Tháp có hệ thống giáo dục từ phổ thông đến đại học và cao đẳng, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển nhân lực. Tỉnh cần huy động mọi nguồn lực để phát huy các tiềm năng, lợi thế nêu trên, nhất là các thế mạnh đặc trưng để bứt phá, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long và đất nước.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, đến năm 2030, phải xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long về xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; tầm nhìn đến năm 2050, trở thành tỉnh tiên phong trong đổi mới và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, mở ra cơ hội cho các lĩnh vực kinh tế mới: kinh tế sinh thái, kinh tế nước ngọt, nông nghiệp thích ứng, vận tải đa phương thức, chăm sóc sức khỏe… Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Tổng Bí thư đề nghị Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp thường xuyên làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Có cơ chế đột phá thu hút nhân tài; phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp chung. Chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tập trung chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030 theo đúng tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị.

Tổng Bí thư gợi ý, trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế, tỉnh tập trung phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao và bền vững, chuyển đổi mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi để thích ứng với thị trường, thích ứng với điều kiện tự nhiên mới và biến đổi khí hậu, xây dựng chuỗi giá trị nông sản gắn với chế biến sâu và xuất khẩu. Chú trọng xây dựng và giữ gìn thương hiệu nông sản Đồng Tháp để tăng giá trị sản phẩm. Tiếp tục mở rộng, nhân rộng các hình hình thức hợp tác, liên kết. Đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững; phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa, thiên nhiên, và sinh thái; ưu tiên nâng cấp hạ tầng du lịch, cải thiện giao thông kết nối các điểm du lịch. Chú trọng thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến nông sản và thực phẩm. Sớm triển khai xây dựng Trung tâm đầu mối nông sản và thủy sản nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười tại tỉnh Đồng Tháp (như đề nghị của tỉnh). Chủ động tăng cường liên kết hợp tác vùng, liên kết chặt chẽ với các tỉnh lân cận để phát triển chuỗi cung ứng công nghiệp chế biến liên vùng. Cùng với đó, tỉnh cần đẩy mạnh phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo,đẩy nhanh số hóa nền kinh tế, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ trong mọi lĩnh vực.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc làm việc với Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc làm việc với Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp.

* Sáng cùng ngày, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác của Trung ương và địa phương đã đến viếng, dâng hoa, dâng hương tại Đền thờ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và viếng mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Tham gia đoàn có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư và lãnh đạo địa phương.

Trước anh linh Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, các đại biểu thành kính dâng hương, dâng hoa, tưởng nhớ, tri ân sâu sắc công lao, đạo đức, nhân cách cao cả của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - một tấm gương hiếu học, một nhà nho yêu nước, thương dân, người có công sinh thành, giáo dục, hình thành một nhân cách lớn, lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Các đại biểu nguyện tiếp tục học tập, noi theo tấm gương sống của Cụ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, phát huy tinh thần yêu nước, tự lực, tự cường, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Hạnh Nguyên và Hữu Nghĩa. Ảnh: TTXVN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dong-thap-phat-huy-cac-tiem-nang-the-manh-dac-trung-de-but-pha-post849807.html