Dòng tiền lập kỷ lục khi VN-Index tăng vượt trội và tiệm cận đỉnh lịch sử
Thị trường chứng khoán vừa trải qua một tuần giao dịch đầy hứng khởi, đưa chỉ số VN-Index áp sát ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm và hướng đến đỉnh lịch sử.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 2,71% lên mức 1.497,28 điểm, chỉ còn cách vùng đỉnh lịch sử tháng 1/2022 một khoảng cách ngắn. (Ảnh: Vietnam+)
Trong bối cảnh dòng tiền chảy mạnh và nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý 2 tích cực, thị trường chứng khoán tiếp tục thể hiện sức mạnh ấn tượng.
Sau khi chỉ số VN30 chính thức vượt đỉnh lịch sử năm 2021, tâm lý lạc quan đã lan tỏa mạnh mẽ. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 2,71% lên mức 1.497,28 điểm, chỉ còn cách vùng đỉnh lịch sử tháng 1/2022 một khoảng cách ngắn. Bên cạnh đó, chỉ số VN30 duy trì vai trò dẫn dắt và tăng 3,13%, đóng cửa tại 1.643,91 điểm.
Theo ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm Phân tích tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), động lực tăng trưởng đến từ sự luân chuyển và gia tăng của dòng tiền vào nhiều nhóm ngành với độ rộng thị trường rất tích cực. Nổi bật ở nhóm cổ phiếu bất động sản khi cổ phiếu đầu ngành vượt đỉnh lịch sử, sau đó là nhóm ngành chứng khoán với thanh khoản duy trì mức cao và thông tin quý 2 tích cực và các nhóm ngành bán lẻ, xây dựng....
Điểm sáng lớn nhất của thị trường tuần qua chính là thanh khoản. Khối lượng giao dịch trên sàn HoSE tăng 8,6% so với tuần trước, đạt trung bình hơn 1,3 tỷ cổ phiếu mỗi phiên. Đáng chú ý, thanh khoản của thị trường chứng khoán đã vươn lên dẫn đầu khu vực ASEAN, cho thấy sức hấp dẫn mạnh mẽ của thị trường. Cùng với đó, khối ngoại cũng quay trở lại mua ròng với giá trị 1.219,8 tỷ đồng tại sàn này, điều đó góp phần củng cố thêm cho đà tăng của thị trường.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30F2508 (kỳ hạn gần nhất) cũng tăng 42,1 điểm, nhưng vẫn duy trì mức chênh lệch âm 5,91 điểm so với chỉ số cơ sở VN30. Các hợp đồng kỳ hạn xa hơn có mức chênh lệch âm lớn hơn (từ 12,91 đến 16,91 điểm). Theo ông Nhật, điều này cho thấy giới đầu tư phái sinh vẫn còn tâm lý phòng thủ hoặc kỳ vọng một nhịp điều chỉnh trong tương lai. Thêm vào đó, khối lượng hợp đồng mở (OI) đã giảm nhẹ xuống còn 31.530 hợp đồng, chỉ ra một bộ phận nhà đầu tư đã đóng bớt các vị thế đang nắm giữ.
Ông Nhật dự báo VN-Index sẽ tiếp tục hướng đến vùng đỉnh lịch sử 1.500-1.537 điểm và khuyến nghị các nhà đầu tư trong giai đoạn này là nắm giữ theo xu hướng tăng trưởng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư chủ động đánh giá các cơ hội đến từ các nhóm ngành được xem là động lực tăng trưởng chính với mục tiêu tăng trưởng GDP trong 6 tháng cuối năm trên 8%.
Tuy nhiên, ông Đinh Việt Bách, chuyên gia Phân tích từ Chứng khoán Pinetree với góc nhìn thận trọng hơn đã cho biết mặc dù ghi nhận tuần tăng điểm tích cực nhưng đà tăng đang có dấu hiệu chững lại.
“Biên độ tăng điểm đã thu hẹp đáng kể (chỉ còn khoảng 40 điểm) so với mức 70 điểm ở tuần liền trước. Điều này phần nào cho thấy lực cầu có dấu hiệu suy yếu và áp lực chốt lời bắt đầu gia tăng," ông Bách phân tích.
Theo ông Bách, tâm lý nhà đầu tư đã có phần dè dặt hơn khi khối ngoại giảm nhịp độ mua ròng và thị trường thiếu vắng các thông tin hỗ trợ vĩ mô đủ mạnh để tạo cú hích mới. Đặc biệt, thị trường xác nhận một phiên phân phối vào ngày thứ Ba và biên độ dao động nới rộng trong các phiên giao dịch. Điều đó cho thấy sự giằng co giữa bên mua và bên bán ngày càng quyết liệt.
Về xu hướng sắp tới, ông Bách cho rằng rủi ro điều chỉnh đang hiện hữu, đặc biệt khi tuần tới là cao điểm công bố báo cáo tài chính quý 2, là thời điểm thường xảy ra hiện tượng nhà đầu tư "bán theo tin".
Ông Bách khuyến nghị nhà đầu tư nên giữ tâm thế thận trọng, tránh hoạt động mua đuổi ở vùng giá cao đồng thời chủ động tận dụng các nhịp tăng để chốt lãi dần nhằm bảo toàn lợi nhuận và cơ cấu lại danh mục một cách hợp lý./.