Dự án cộng đồng: Muốn nhanh thì phải từ từ

Câu chuyện truyền cảm hứng, sống xanh bền vững, hay lan tỏa những dự án thiện nguyện, trở thành công việc đam mê của nhiều bạn trẻ để vun bồi giá trị sống tích cực quanh mình. Nhưng nhiều dự án với khởi đầu đầy ý nghĩa tốt đẹp đã chẳng thể đi đến cùng, bởi chuyện vận hành không chỉ có tấm lòng là đủ.

Trung thực với các hạn chế

Tranh cãi nhiều nhất có lẽ là những dự án cộng đồng về văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Đất nước đi qua nhiều giai đoạn lịch sử, hành trình văn hóa nghệ thuật đôi lúc có những đứt gãy là điều không tránh được. Chính vì vậy, những dự án cổ phong, hay văn hóa truyền thống, dân gian thường nhận được nhiều ý kiến tranh luận trái chiều.

Cổ phong (tái hiện nét đẹp văn hóa thời xưa, phục hồi trang phục cổ) là mảng đề tài nghiên cứu được nhiều dự án cộng đồng của người trẻ ưa thích, tuy nhiên để phỏng dựng, hay phục dựng trang phục của các triều đại lịch sử không phải việc dễ.

Chị Lê Thị Ngọc Linh (thành viên sáng lập nhóm Vietnam Centre - dự án quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới) chia sẻ: “Nếu phục dựng là tái tạo một bản sao dựa trên một bản gốc nguyên vẹn, thì phỏng dựng lại là quá trình chắp ghép các cứ liệu lịch sử rời rạc để dựng lại một vật mẫu gần nhất có thể với hiện thực lịch sử. Cũng vì vậy, việc phỏng dựng sẽ không bao giờ chắc chắn đã dựng chính xác 100%. Người dựng chỉ có thể càng ngày càng tiệm cận lịch sử với việc phát hiện ra những tình tiết, dữ liệu mới và cập nhật vào bản dựng của mình. Một trong những khó khăn lớn nhất chúng tôi gặp khi phỏng dựng là việc thiếu hụt hiện vật, tư liệu và sự thất truyền của các kỹ nghệ dệt - may cổ xưa, vì thế mọi thứ chỉ là phỏng dựng và hoàn thiện dần, cần nói rõ như vậy để mọi người hiểu, tránh những bình luận không hay dưới các bài viết của nhóm”.

Giới thiệu nét văn hóa Đạo Mẫu Việt Nam tại Australia do nhóm Vietnam Centre tổ chức dưới sự bảo trợ của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney

Giới thiệu nét văn hóa Đạo Mẫu Việt Nam tại Australia do nhóm Vietnam Centre tổ chức dưới sự bảo trợ của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney

Ở lĩnh vực sáng tác truyện dã sử, cũng luôn đi giữa hai chiều ý kiến khen - chê. Khi bắt đầu chia sẻ những đoạn nội dung và hình ảnh trong tác phẩm mới, Thành Châu (người sáng lập fanpage Sử Văn Các và tác giả các sách đã xuất bản như: Hỏa Dực, Thánh Dực dũng nghĩa truyện, Tây Sơn Phụng thần ký…) cho biết: “Dưới mỗi bài viết, tôi đều có dòng lưu ý việc chấp nhận mọi ý kiến tranh luận văn minh và yêu cầu không dùng ngôn từ phản cảm, kích động.

Thế nhưng, dù đã giải thích đây là thể loại dã sử, vẫn có không ít ý kiến chỉ trích. Tôi luôn tâm niệm, nhà văn là người sáng tạo nghệ thuật chứ không phải sử gia, để người đọc không hiểu nhầm thì sau này khi có dự án cần gây quỹ cộng đồng, tôi sẽ cố làm sao để nhiều người hiểu được công việc mình định làm, rồi từ đó mới ủng hộ mình được”.

Đam mê thôi, chưa đủ

Xuất phát từ chuyên ngành học và sở thích cá nhân, họa sĩ - kiến trúc sư Đỗ Thị H. (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) tổ chức những buổi dạy vẽ cộng đồng. Người tham dự đóng góp tùy ý hoặc có thể trao tặng họa cụ để tổ chức những buổi dạy vẽ và trao quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn hoặc các mái ấm,… Tuy nhiên, sau 3 buổi mở lớp vẽ cộng đồng, mọi chuyện diễn ra không suôn sẻ như dự kiến.

H. chia sẻ: “Tôi và nhóm bạn chủ yếu là kiến trúc sư và họa sĩ, chưa ai rành việc tổ chức các hoạt động cộng đồng, loay hoay mãi không tìm ra các mái ấm hay chùa có nuôi các em nhỏ để đóng góp. Thấy vậy, một người bạn mời tôi tham dự chương trình trao quà, dạy vẽ cho các em nhỏ khuyết tật và có người thân mất trong đại dịch, nên tôi và cả nhóm nhận lời. Đến nơi mới tá hỏa, hóa ra họ là một trung tâm dạy vẽ có thu phí và buổi từ thiện hôm đó thực tế là để chạy quảng cáo chương trình học vẽ trong hè của trung tâm. Do đã nhận lời nên nhóm chúng tôi đành chấp nhận dạy không lấy phí buổi đó và đeo tạp dề của trung tâm để quảng bá cho họ. Còn toàn bộ số quà chuẩn bị trước, chúng tôi giữ lại và mang về bởi các em nhỏ tham gia hôm ấy hoàn toàn không phải trẻ khuyết tật hay mất người thân vì dịch, ngược lại các em đều có điều kiện gia đình rất tốt”.

Sau sự việc, dự án lớp vẽ cộng đồng của H. cũng không thể duy trì vì một số thành viên trong nhóm dừng tham gia. “Coi như một bài học cho mình khi làm dự án cộng đồng, ý tưởng có thể hay và khi đưa ra được ủng hộ, nhưng đi vào thực tế thì không dễ. Đam mê là một chuyện nhưng phải có thêm nhiều kỹ năng như quản lý đội nhóm, giao tiếp xã hội, kết nối với đơn vị phù hợp… Hiện tại, tôi vẫn giữ số quà và tìm nơi cần hỗ trợ để trao”, H. tâm sự.

Thành công của dự án cộng đồng khó mà định lượng, khi những giá trị tốt đẹp lan tỏa một cách có hiệu quả, hẳn có nhiều lợi ích cho mọi người. Nhưng muốn nhanh thì phải từ từ, bởi câu chuyện vì cộng đồng không chỉ có đam mê hay chuyên môn là đủ.

THIÊN THANH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/du-an-cong-dong-muon-nhanh-thi-phai-tu-tu-post705381.html