Dự án GIC tổ chức hàng chục lớp đào tạo, tập huấn thiết thực cho cán bộ, nông dân
Ban Quản lý Dự án các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh tỉnh Đồng Tháp (gọi tắt là Ban Quản lý Dự án GIC tỉnh Đồng Tháp) vừa tổ chức sơ kết các hoạt động của dự án.
Các đại biểu tập trung đánh giá hoạt động dự án GIC đến hết tháng 10/2024; đề ra giải pháp đẩy nhanh thực hiện các nhiệm vụ còn lại của năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch hoạt động của dự án năm 2025.
Theo Ban Quản lý Dự án GIC tỉnh Đồng Tháp, đến nay đã thực hiện trên 80% khối lượng công việc của năm 2024. Cụ thể, đào tạo được 11 cán bộ ToT về kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị lúa gạo; 8 cán bộ ToT kinh doanh cho nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long; tổ chức 20 lớp tập huấn quản lý rơm rạ với 600 học viên tham gia, đạt 100% kế hoạch; tổ chức 10 lớp nâng cao năng lực hợp tác xã (HTX) với 300 học viên thuộc 51 HTX tham gia, đạt 100% kế hoạch; tổ chức 15 lớp tập huấn kinh doanh cho nông dân với 450 học viên tham gia, đạt 50% kế hoạch;… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các hoạt động cũng còn gặp một số khó khăn như: thời gian tập huấn trùng với hoạt động sản xuất mùa vụ của nông dân, một số nông dân còn ngần ngại chưa mạnh dạn ứng dụng các giải pháp công nghệ vào thực tế sản xuất,…
Các đại biểu kiến nghị Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tiếp tục hỗ trợ các HTX trên địa bàn tỉnh kho chứa rơm, máy trộn phân hữu cơ từ rơm nhằm giúp HTX chủ động thu gom rơm trồng nấm, ủ phân hữu cơ truyền thống trong khu vực; nghiên cứu thí điểm mô hình chuỗi lúa gạo trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với HTX; kiến nghị Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện tham gia dự án GIC tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình có hiệu quả trên địa bàn; đề xuất nội dung hoạt động và nhiệm vụ tiếp tục triển khai Dự án "Sáng kiến tài trợ rủi ro do khí hậu cho ngành nông nghiệp tại Việt Nam" (Dự án ACRF-VN) sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức thông qua GIZ.