Dự án Nhà máy xi măng Công Thanh 'có thực sự muốn làm'?
Đó là câu hỏi của Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa vào chiều 13/12 khi chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở TN&MT.
Dự án chậm tiến độ, nhiều lần gia hạn làm "nóng" nghi trường chất vấn
Đại biểu Đỗ Ngọc Duy đặt câu hỏi: Vì sao Dự án nhà máy xi măng Công Thanh chậm tiến độ và được gia hạn nhiều lần?
Đại biểu Lê Tiến Lam, Phó Chủ tịch thường trực HĐND đề nghị giám đốc sở kế hoạch đầu tư làm rõ: Dự án Nhà máy xi măng Công Thanh triển khai từ 2004 đến nay đã gia hạn 8 lần, cần xác định rõ chủ đầu tư có thật sự muốn làm hay không?
Ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa trả lời chất vấn, trên địa bàn tỉnh có 23 dự án quy mô lớn, trọng điểm đang triển khai thực hiện, với tổng mức đầu tư khoảng 74.208 tỷ đồng. Trong số này chỉ có 7 dự án bảo đảm tiến độ, 16 dự án chậm tiến độ. Nguyên nhân do gặp khó khăn về GPMB, vướng mắc thủ tục đầu tư, vướng quy định của pháp luật ... Trong số 7 dự án chậm tiến độ, có 6 dự án do chủ đầu tư chưa chủ động phối hợp thực hiện. Tỉnh sẽ giao cho các huyện làm việc với nhà đầu tư ký cam kết.
Từ năm 2021 đến nay, sở kế hoạch đầu tư đã tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi 111 dự chưa được giao đất. Trung bình mỗi năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra khoảng 40 dự án chưa được giao đất trên địa bàn. Trước khi tiến hành, Sở có thống nhất với thanh tra tỉnh tránh việc chồng chéo.
Việc gia hạn là theo quy định của luật và chậm tiến độ do nguyên nhân khách quan mới đồng ý cho gia hạn. Đối với dự án chưa giao đất mà chậm tiến độ thì do sở kế hoạch đầu tư xử lý, con dự án đã được giao đất mà chậm tiến độ thì do sở TN&MT xử lý.
Ông Nguyễn Tiến Hiệu, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và Các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, Nhà máy xi măng Công Thanh gia hạn lần 1 năm 2006, gia hạn và điều chỉnh đầu tư lần thứ 8 vào năm 2021. Các lần gia hạn thì rơi vào thời điểm covid – 19 và hậu Covid-19, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Căn cứ vào quy định Thủ tướng Chính phủ đối với các nhà máy xi măng có công suất thấp, trang thiết bị chưa phù hợp thì nhà đầu tư phải lắp đặt thiết bị mới. Như vậy, Nhà máy xi măng Công Thanh phải gia hạn để nâng công suất của nhà máy và lắp đặt dây chuyền thiết bị mới.
"Căn cứ quy định của pháp luật, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và Các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã thông báo và chấm dứt hết hiệu lực giấy phép chứng nhận đầu tư gia hạn gần nhất", ông Hiệu nói.
Trả lời chất vấn xử lý các cơ sở vàng mã đầu nguồn, cạnh dòng sông nguy cơ gây ô nhiễm
Đại biểu Lê Thị Hương đặt câu hỏi: Các nhà máy, cơ sở có nguy cơ cao gây ô nhiễm nằm đầu nguồn và sát các con sông? Kết quả kiểm tra và hướng xử lý?
Ông Lê Sỹ Nghiêm, Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa trả lời, trên địa bàn tỉnh có nhiều nhà máy sản xuất vàng mã, chăn nuôi nằm cạnh, đầu nguồn các dòng sông tập trung ở huyện Bá Thước và Quan Hóa.
Sở TN&MT từng kiểm tra, phát hiện gần 20 cơ sở nằm cạnh các dòng sông vi phạm về đất đai, môi trường. Cuối năm 2022 – 2023, các cơ sở này đã khắc phục các vi phạm, hoàn thành đầu tư hệ thống xử lý về môi trường. Sở TN&MT cũng lắp hệ thống camera, quan trắc, để giám sát, theo dõi.
Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa đề nghị UBND các huyện có các cơ sở đóng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các cơ sở xả thải trái phép ra môi trường.
Theo Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa, các đơn vị chức năng của Sở TN&MT đã thanh tra, kiểm tra gần 200 cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Kết quả kiểm tra, phát hiện một số cơ sở y tế, trang trại không thực hiện đúng các nội dung trong đánh giá tác động môi trường. Theo quy định của pháp luật, các cơ sở, trang trại này phải dừng hoạt động. Tuy nhiên, dù phát hiện vi phạm, nhưng thực tế không thể buộc họ dừng hoạt động ngày.
Nếu buộc dừng hoạt động ngay sẽ gây khó khăn và thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp. Vì vậy, Sở TN&MT yêu cầu các cơ sở doanh nghiệp khắc phục các vi phạm được chỉ ra trong một thời gian nhất định.