Du lịch Khánh Hòa 'bứt tốc' sau sáp nhập
Tiếp đà tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm nay, ngành du lịch Khánh Hòa đang tăng tốc trở thành trụ cột kinh tế của tỉnh. Sở hữu tài nguyên biển đảo phong phú, hệ thống hạ tầng hiện đại cùng chiều sâu văn hóa sau mở rộng địa giới, tỉnh này đang đứng trước thời cơ lịch sử để tái định vị trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế, thực hóa tầm nhìn đưa Khánh Hòa lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Bứt tốc đầu năm
Mới đây, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Nghị quyết phát triển kinh tế giai đoạn 2025-2030 với mục tiêu tăng trưởng hai con số, trong đó xác định du lịch - dịch vụ là một trong bốn trụ cột phát triển chiến lược.
Nghị quyết đặt ra đích đến đầy tham vọng: Đến năm 2030, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp 15% GRDP, 20% thu ngân sách, tạo việc làm cho hơn 300.000 lao động, và thu hút khoảng 20,5 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có hơn 10,5 triệu lượt khách quốc tế.

Du khách đi tham quan các đảo trên vịnh Nha Trang. Ảnh: Thanh Thanh.
Chưa đầy nửa chặng đường năm 2025, các chỉ số du lịch Khánh Hòa đã cho thấy một bức tranh khởi sắc. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh này, hơn 8,5 triệu lượt khách đã đến với tỉnh trong 6 tháng đầu năm, tăng 19,5% so với cùng kỳ. Trong đó, lượng khách quốc tế đạt gần 2,8 triệu lượt (tăng 15,5%), khách nội địa hơn 5,7 triệu lượt (tăng 21,5%). Đáng chú ý, tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 34.000 tỷ đồng, tăng 20,2%.
Điểm đến hút khách nhất vẫn là các vùng ven biển như: Nha Trang, Cam Lâm, Vĩnh Hy, Ninh Chử… nhờ hạ tầng đồng bộ và các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển phát triển mạnh. Lãnh đạo Sở VH,TT&DL tỉnh Khánh Hòa cho biết: Toàn tỉnh hiện có 1.441 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 70.500 phòng, trong đó hơn 28.000 phòng đạt chuẩn từ 3 - 5 sao, chiếm hơn 40% tổng số phòng.
Bệ phóng mới sau sáp nhập
Sau mở rộng địa giới hành chính, Khánh Hòa không chỉ sở hữu các vịnh biển nổi tiếng như: Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh... mà còn thêm vào “bộ sưu tập” tài nguyên những vùng đất giàu bản sắc văn hóa như: các di sản văn hóa Chăm - Raglai, Vườn quốc gia Núi Chúa - Phước Bình, Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà…

Du khách tham quan, xem dệt vải ở tháp Bà Ponagar. Ảnh: Thanh Thanh.
Ông Đặng Bảo Hiếu - Chủ tịch HĐQT Focus Travel Group, cho hay: “Trước đây, Khánh Hòa mạnh về du lịch biển nhưng yếu ở mảng văn hóa. Tuy nhiên, sau sáp nhập, địa phương này sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa độc đáo, đặc biệt là văn hóa Chăm và Raglai - yếu tố nền tảng để phát triển du lịch chiều sâu”.
Khảo sát mới nhất từ Chỉ số phát triển du lịch cấp tỉnh của Việt Nam 2024 cũng cho thấy: Khánh Hòa từng xếp thấp về tài nguyên văn hóa. Nhưng hiện nay, điều này đang thay đổi nhanh chóng, khi ngành du lịch bắt đầu khai thác mạnh các tour khám phá di sản, du lịch nông nghiệp, sinh thái núi rừng và thể thao biển.
Hướng tới đẳng cấp mới
Đặt mục tiêu đón khoảng 15,7 triệu lượt khách trong năm 2025, trong đó có 5,7 triệu khách quốc tế, ngành du lịch Khánh Hòa đang từng bước tái cấu trúc và nâng cấp chuỗi giá trị du lịch. Theo Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Khánh Hòa Cung Quỳnh Anh, trọng tâm sắp tới của tỉnh là đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường quốc tế, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá hình ảnh và nâng cao chất lượng nhân lực. Để hiện thực hóa mục tiêu đầy tham vọng, bên cạnh thế mạnh sẵn có là du lịch nghỉ dưỡng biển, ngành Du lịch Khánh Hòa sẽ mở rộng khai thác các loại hình mới, giàu bản sắc và trải nghiệm.

Hiện Khánh Hòa có hơn 28.000 phòng đạt chuẩn từ 3 - 5 sao. Ảnh: Phùng Quang.
"Về lâu dài, Khánh Hòa xác định sẽ tái định vị không gian phát triển du lịch, đồng thời nâng tầm chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đẩy mạnh truyền thông quảng bá, và mở rộng thị trường khách quốc tế. Tất cả nhằm kiến tạo một nền du lịch phát triển nhanh, bền vững, có bản sắc và đẳng cấp, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn", ông Cung Quỳnh Anh nhấn mạnh.
Đáng chú ý, theo Nghị quyết phát triển kinh tế giai đoạn 2025-2030, Khánh Hòa sẽ phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp trên biển như: tour du thuyền, thuyền buồm kết nối các vịnh Vân Phong - Nha Trang - Vĩnh Hy - Côn Đảo… kết hợp các điểm đến văn hóa Chăm đặc sắc, hứa hẹn hình thành 'trục vàng du lịch biển đảo miền Trung'.

Khánh Hòa vươn ra biển lớn với du lịch đẳng cấp quốc tế
Để tạo đà bứt phá, vừa qua UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao Sở VH-TT&DL tỉnh khẩn trương hoàn thiện kế hoạch hành động cho 6 tháng cuối năm 2025, trong đó nhấn mạnh đổi mới các sự kiện lớn, như: Lễ hội Katê Chăm, Giải lướt ván diều quốc tế,… đồng thời đề xuất các giải pháp đột phá để biến du lịch thành ngành mũi nhọn thực sự.
Ông Nguyễn Long Biên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nhấn mạnh: "Ngoài việc phát huy các thế mạnh sẵn có, ngành cần chủ động thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm đặc trưng, mở rộng thị trường và nâng cao chất lượng dịch vụ. Không chỉ phát triển nhanh, mà phải phát triển bền vững, đẳng cấp, có bản sắc. Đó là con đường Khánh Hòa phải đi nếu muốn giữ vững vị thế trung tâm du lịch tầm quốc tế”.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/du-lich-khanh-hoa-but-toc-sau-sap-nhap-post1761860.tpo