Du lịch nông thôn Long An: Tiềm năng và giải pháp phát triển

Long An vốn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông thôn với cảnh quan sông nước đôi dòng Vàm Cỏ, vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười, 1 làng nghề, 7 làng nghề truyền thống, 10 nghề truyền thống cùng nhiều di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội được đông đảo người dân, du khách quan tâm. Hiện toàn tỉnh có 231 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3-4 sao, mang nét đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên, các lợi thế đó chưa thực sự được khai thác tối đa thành các sản phẩm du lịch nổi bật và thu hút.

Long An có nhiều tiềm năng phát triển du lịch đường sông (Trong ảnh: Bến tàu tại Khu du lịch Happyland)

Long An có nhiều tiềm năng phát triển du lịch đường sông (Trong ảnh: Bến tàu tại Khu du lịch Happyland)

Nhiều tiềm năng du lịch đường sông

Trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 năm 2024, Hội nghị liên kết xúc tiến du lịch nông thôn và sản phẩm OCOP giữa Long An với TP.HCM và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức với mục tiêu giới thiệu, quảng bá hình ảnh, giá trị, lợi thế của du lịch Long An cũng như lắng nghe các ý kiến, phân tích, giải pháp xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với tiêu thụ sản phẩm OCOP nhằm khai thác thế mạnh và thu hút khách du lịch của tỉnh.

Với lợi thế về cảnh quan và bề dày văn hóa, lịch sử, tiềm năng khai thác du lịch đường sông của Long An được đánh giá cao. Các tour đường sông về Long An dành cho du khách nước ngoài được duy trì khai thác hiệu quả nhiều năm nay bởi một số công ty (Cty) du lịch, lữ hành. Giám đốc điều hành Cty Cổ phần Les Rives - Liêu Thị Mỹ Hạnh cho biết, Cty đang khai thác tốt tour đường sông Bạch Đằng - Thủ Thừa - Bạch Đằng, đưa khoảng 3.000 du khách đến Long An mỗi năm. Bà Mỹ Hạnh khẳng định: “Nhu cầu của khách du lịch về đường sông là rất cao. Long An có các điểm đến bằng đường sông có thể khai thác như huyện Bến Lức có vàm Nhựt Tảo, huyện Thủ Thừa có đình Vĩnh Phong, chợ Thủ Thừa, Thánh thất Thủ Thừa, Mái ấm Kim Chi,... Với cảnh quan thiên nhiên bình yên, người dân thân thiện, hiếu khách, lợi thế giáp ranh TP.HCM, Long An có nhiều cơ hội tạo được sản phẩm du lịch miền quê đậm chất Nam Bộ. Du khách tham gia các tour đường sông về Long An đã từng quay lại để thêm lần nữa đắm mình vào một miền quê hiền hòa nhiều cảm xúc”.

Tuy nhiên, một trong những trăn trở của các đơn vị đang khai thác du lịch đường sông tại Long An là còn thiếu các bến tàu gây không ít khó khăn cho khai thác du lịch. Giải đáp vướng mắc mà doanh nghiệp đưa ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa cho biết, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch đường sông, TP.Tân An đã xây dựng các bến tàu và sẽ sớm đưa vào sử dụng trong tháng 12/2024. Ông cũng yêu cầu lãnh đạo huyện Thủ Thừa, nơi đang có tour Bạch Đằng - Thủ Thừa - Bạch Đằng hoạt động hiệu quả, quan tâm xây dựng bến tàu, tạo điều kiện cho việc phát triển du lịch tại địa phương.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực

Nắm rõ được thế mạnh của địa phương, nhiều điểm đến trong tỉnh đầu tư phát triển du lịch nông thôn. Trong đó, Làng nổi Tân Lập, Cánh Đồng Bất Tận, Chavi Garden, Vàm Cỏ Farmstay,... là những điểm đến nổi bật. Tuy nhiên, để các điểm đến thu hút và giữ chân du khách, yếu tố về nguồn nhân lực cần được đặc biệt quan tâm. Phát biểu tại Hội nghị liên kết xúc tiến du lịch nông thôn và sản phẩm OCOP giữa Long An với TP.HCM và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Ngân khẳng định, cộng đồng dân cư địa phương là trung tâm trong phát triển du lịch nông thôn. Muốn phát triển du lịch nông thôn, trước hết cần nâng cao nhận thức của người dân, chú trọng đào tạo kỹ năng làm du lịch cho cộng đồng cũng như hướng dẫn người dân làm du lịch chuyên nghiệp, thân thiện.

Cảnh quan Đồng Tháp Mười là đặc trưng nổi bật để Long An phát triển du lịch nông thôn (Trong ảnh: Khu du lịch Cánh Đồng Bất Tận)

Cảnh quan Đồng Tháp Mười là đặc trưng nổi bật để Long An phát triển du lịch nông thôn (Trong ảnh: Khu du lịch Cánh Đồng Bất Tận)

Cũng khẳng định về tầm quan trọng của đào tạo nguồn nhân lực, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh - Nguyễn Văn Hiển cho biết, việc đào tạo nguồn nhân lực cần được tập trung thực hiện để nguồn nhân lực tại điểm được đào tạo chuyên nghiệp, đúng chuyên ngành. "Hướng dẫn viên tốt sẽ góp phần "thổi hồn" vào khu du lịch, giúp du khách có ấn tượng sâu sắc, muốn quay trở lại. Vì vậy, công tác đào tạo nguồn nhân lực cần được đặc biệt chú trọng” - ông Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh.

Cũng tại hội nghị, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên kết giữa các địa phương trong khu vực để tạo ra các sản phẩm du lịch liên hoàn, hấp dẫn du khách. Mô hình Trung tâm giáo dục nông nghiệp gắn với du lịch cũng được đưa ra như một giải pháp nhằm giúp Long An thu hút du khách từ TP.HCM, tận dụng triệt để lợi thế về vị trí địa lý.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa cảm ơn và ghi nhận những đóng góp của các chuyên gia, đại biểu. Ông Phạm Tấn Hòa khẳng định, thời gian tới, Long An sẽ tập trung vốn ngân sách đầu tư đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh xã hội hóa du lịch, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, dịch vụ hỗ trợ để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Bên cạnh đó, việc liên kết vùng cũng sẽ được chú trọng nhằm từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của Long An./.

Mộc Châu

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/du-lich-nong-thon-long-an-tiem-nang-va-giai-phap-phat-trien-a186388.html