Du lịch Tân Phước - tiềm năng và lợi thế

Với mục tiêu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Tiền Giang, huyện Tân Phước đã và đang đề ra các giải pháp nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế để tạo đà thúc đẩy phát triển du lịch.

TIỀM NĂNG VÀ LỢI THẾ

Tân Phước là huyện nằm trong vùng trũng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Tiền Giang cách trung tâm TP. Mỹ Tho khoảng 25 km về phía Tây Bắc, có nhiều tuyến đường kết nối với các trục giao thông liên kết với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Long An, Đồng Tháp. Là nơi còn lưu giữ hệ sinh thái động, thực vật phong phú với 107 ha rừng tràm nguyên sinh của vùng Đồng Tháp Mười và vùng đệm xung quanh 1.800 ha. Với không gian xanh, yên tĩnh của hệ sinh thái ngập nước độc đáo, có các loại thực vật đặc hữu như: Tràm gió, bàng, lác, đưng, sậy,… và cũng là "vương quốc" của các loài động vật hoang dã như: Ong mật, cò, cồng cộc, già đẩy Java, giang sen, rùa, trăn, cá, lươn, ếch,… là thế mạnh phát triển du lịch sinh thái.

Tân Phước còn là địa phương duy nhất của tỉnh Tiền Giang có diện tích lớn chuyên canh cây khóm với hơn 16.000 ha, cho sản lượng khoảng 260.000 tấn/năm. Khoai mỡ cũng là loại cây bền bỉ gắn bó lâu đời với vùng đất phèn cũng chiếm diện tích gieo trồng 512 ha, sản lượng 7.031 tấn/năm. Ngoài ra, một số cây trồng khác cũng dần thích nghi và sinh trưởng tốt trên vùng đất nhiễm phèn như mít, sầu riêng, thanh long, cam, chanh, ổi… là xu hướng để phát triển mô hình du lịch homestay, du lịch cộng đồng.

Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười điểm nhấn du lịch của huyện Tân Phước.

Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười điểm nhấn du lịch của huyện Tân Phước.

Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, tọa lạc tại ấp 1, xã Thạnh Tân với quy mô 30 ha, theo mô hình của hệ phái Trúc Lâm Yên Tử gồm 25 hạng mục đã hoàn thành. Đây là một trong những thiền viện lớn nhất nước, được đánh giá rất cao về tiềm năng và lợi thế khai thác du lịch tâm linh. Ngoài việc thiền viện còn làm phong phú thêm đời sống văn hóa tâm linh của người dân, phật tử.

Đây còn là điểm nhấn quan trọng thu hút du khách thập phương đến tham quan viếng chùa, lễ Phật kết hợp với tham quan, tìm hiểu Làng nghề truyền thống Bàng buông xã Tân Hòa Thành, xem quy trình sản xuất kẹo khóm, mứt khóm đặc trưng dọc các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn huyện Tân Phước để cảm nhận, yêu mến nét chân phương của người dân "rốn lũ - rốn phèn" từ những này đầu khai hoang khẩn đất cho đến hôm nay.

Tân Phước hiện có 9 di tích được công nhận, trong đó gồm 1 di tích cấp Quốc gia (Bến đò Phú Mỹ) và 8 di tích cấp tỉnh (là các đình: Phú Mỹ, Dương Hòa, Tân Thành, Tân Hội Tây, Hưng Thạnh, miếu Bà Chúa Xứ Cống Tượng, Bia chiến thắng Gò Cây xã Tân Hòa Tây, Bia lưu niệm Kháng chiến chống Mỹ) và ngôi chùa Phật Đá (Linh Phước cổ tự) có kiến trúc độc đáo và lịch sử từ lâu đời, là điểm đến cho những ai thích tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, con người vùng đất phèn - Tân Phước.

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, huyện Tân Phước đã được các cơ quan, sở, ngành tỉnh Tiền Giang đánh giá rất cao để phát triển mô hình du lịch sinh thái, kết hợp với du lịch tâm linh. Trong những năm qua, huyện đã chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm khai thác và phát triển hoạt động du lịch trên cơ sở thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Kế hoạch của UBND huyện.

Tuy nhiên, do cơ chế, chính sách cho phát triển du lịch còn nhiều bất cập, hạ tầng kết nối du lịch chưa thuận lợi, môi trường đầu tư, nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế nên du lịch Tân Phước vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hiện có.

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

Nhằm tạo bước đột phá phát triển du lịch cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính bền vững, là động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác gắn với mục tiêu cải thiện đời sống, sinh kế người dân, góp phần tích cực vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tân Phước đã ban hành Nghị quyết 13-NQ/HU về định hướng phát triển du lịch đến năm 2025.

Theo đó, huyện Tân Phước đề ra mục tiêu phát triển du lịch đến năm 2025 trở thành một ngành kinh tế quan trọng; huy động mọi nguồn lực, khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của huyện để tạo bước đột phá trong lĩnh vực du lịch. Đầu tư nâng cấp và khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng du lịch; mở rộng không gian phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và du lịch làng nghề.

Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác tại huyện Tân Phước. Ảnh: LẬP ĐỨC

Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác tại huyện Tân Phước. Ảnh: LẬP ĐỨC

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, trước mắt, huyện Tân Phước tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển các khu, điểm du lịch mới vào quy hoạch vùng huyện; đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, nâng cao chất lượng và tính khả thi của các quy hoạch phát triển du lịch; đầu tư nâng cấp lại các hạng mục cần thiết để phục vụ hoạt động du lịch.

Trong đó, chú trọng khai thác tối đa tiềm năng du lịch sinh thái tại Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười trên cơ sở Đề án Du lịch sinh thái trong rừng phòng hộ giai đoạn 2022 - 2030 đã được duyệt theo Quyết định 3690/QĐ-UBND ngày 23-12-2022 kết hợp với khai thác du lịch tâm linh Thiền viện Trúc lâm Chánh giác và tham quan di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện.

Hỗ trợ, tạo điều kiện thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái Trung Kiên gồm các hạng mục công trình như: Nhà điều hành - đón khách, giải trí ngoài trời - hồ bơi - câu cá - chèo thuyền, công viên cảnh quan, vườn cây ăn trái, khu vực hội nghị, khu lưu trú… Hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý nhằm quảng bá thu hút du khách đến với các điểm du lịch đang hình thành: Điểm du lịch Song Ngư định hướng phục vụ theo mô hình du lịch thể thao; điểm du lịch Yumi với mô hình du lịch nghỉ dưỡng. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có tâm huyết làm du lịch trên địa bàn huyện, trong đó ưu tiên đối với các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch làng nghề và các sản phẩm từ bàng buông của xã Tân Hòa Thành và Phú Mỹ.

Đặc biệt, huyện Tân Phước quan tâm đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá hình ảnh, nét đẹp của vùng đất và con người Tân Phước trên các phương tiện truyền thông, Internet, mạng xã hội. Liên kết, phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp, công ty lữ hành du lịch trong và ngoài tỉnh Tiền Giang để hỗ trợ xây dựng các tour, tuyến thu hút trước hết là lượng khách du lịch nội địa và sau đó mở rộng đến thu hút đối tượng là du khách quốc tế.

Cùng với đó, Tân Phước đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các cơ sở kinh doanh du lịch và cộng đồng về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của du lịch đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện. Đồng thời, xác định trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với phát triển du lịch bền vững, xây dựng hình ảnh vùng đất và con người Tân Phước thân thiện, mến khách.

Du lịch Tân Phước đang đứng trước thời cơ mới, đang dần thực hiện hóa các mục tiêu của Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tân Phước về định hướng phát triển lĩnh vực du lịch, dần khẳng định vị thế của ngành "công nghiệp không khói" trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

NHUNG NGUYỄN - C.T

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202411/chuyen-trang-du-lich-huyen-tan-phuoc-du-lich-tan-phuoc-tiem-nang-va-loi-the-1027989/