Dư luận phản ứng trước việc ICC ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel
Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) vừa ban hành lệnh bắt giữ đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Quyết định này ngay lập tức vấp phải những phản ứng trái chiều từ cộng đồng quốc tế.
Phản ứng mạnh mẽ trước việc Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant vì cáo buộc "phạm tội ác chiến tranh", Văn phòng Thủ tướng Netanyahu khẳng định Israel sẽ "không nhượng bộ trước áp lực, sẽ không nản lòng và không rút lui" cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu chiến dịch quân sự ở Dải Gaza.
Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh: “Israel sẽ không công nhận tính hợp lệ của quyết định này. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm mọi thứ có thể để bảo vệ công dân của mình và bảo vệ đất nước chống lại các lực lượng đại diện cho khủng bố bao gồm Hamas, Hezbollah, Houthis hay những lực lượng khác".
Mỹ tỏ ra không đồng tình trước quyết định của Tòa Hình sự Quốc tế về việc ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean Pierre khẳng định: "Về cơ bản, Mỹ bác bỏ quyết định của Tòa án về việc ban hành lệnh bắt giữ các quan chức cấp cao của Israel. Chúng tôi vẫn rất quan ngại về việc công tố viên vội vàng tìm kiếm lệnh bắt giữ và những sai sót đáng lo ngại trong quy trình dẫn đến quyết định này. Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) không có thẩm quyền đối với vấn đề này".
Quyết định của ICC gây ra nhiều phản ứng trái chiều ở phương Tây. Trong khi Thủ tướng Séc Petr Fiala và Thủ tướng Hungary Viktor Orban gọi quyết định của ICC là "đáng tiếc” và “sai lầm”, thì một số quốc gia châu Âu nhấn mạnh sự tôn trọng của họ đối với vai trò độc lập của tòa án. Các nước Hà Lan, Thụy Sĩ, Ireland, Italia, Thụy Điển, Bỉ và Na Uy khẳng định tôn trọng quyết định của ICC, khi tuyên bố sẽ thực hiện các cam kết và nghĩa vụ theo Quy chế Rome và luật pháp quốc tế. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell cho rằng, lệnh bắt của ICC không mang tính chính trị, cần phải được tôn trọng và thực hiện.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Italia Antonio Tajani nhấn mạnh: "Hamas là một tổ chức khủng bố, và điều quan trọng là phải phân biệt rõ ràng mọi thứ. Chúng ta sẽ xem nội dung của quyết định là gì và lý do khiến Tòa án Hình sự Quốc tế đưa ra quyết định này. Chúng tôi ủng hộ Tòa án, một điều luôn phải ghi nhớ rằng, Tòa án phải đóng vai trò pháp lý chứ không phải vai trò chính trị. Cùng với các đồng minh của mình, chúng tôi sẽ đánh giá những việc cần làm, cách diễn giải quyết định này và cách hành động tập thể trước vấn đề này."
Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant vì cáo buộc phạm tội ác chiến tranh trong cuộc xung đột với Hamas ở Dải Gaza.
Theo quy định, các nước thành viên ICC có nghĩa vụ bắt giữ nếu ông Netanyahu, ông Gallant đến lãnh thổ của họ. Song động thái của ICC vẫn được cho chủ yếu mang tính biểu tượng, vì quan chức bị phát lệnh bắt giữ thường tránh đến những nước này.