Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Trong chiến lược phát triển du lịch Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, loại hình nghỉ dưỡng, sinh thái được định hướng là một trong những trụ cột chính tạo động lực cho sự phát triển bền vững đối với ngành Du lịch của tỉnh. Hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh tập trung ưu tiên nguồn vốn ngân sách để nâng cấp, phát triển hạ tầng du lịch; thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, chiến lược, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trình diễn nghệ thuật mãn nhãn tại Festival Đại Lải năm 2024 với chủ đề “Vũ khúc thiên nhiên”. Ảnh Nguyễn Lượng

Trình diễn nghệ thuật mãn nhãn tại Festival Đại Lải năm 2024 với chủ đề “Vũ khúc thiên nhiên”. Ảnh Nguyễn Lượng

Vĩnh Phúc có tiềm năng về tài nguyên du lịch tự nhiên với nhiều quần thể danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như: Khu du lịch Tam Đảo, khu danh thắng Tây Thiên, khu du lịch Đại Lải, Vườn quốc gia Tam Đảo, thác Bản Long, hồ Xạ Hương...

Phát huy lợi thế đó, năm 2011, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 01 về phát triển dịch vụ, du lịch tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 nhằm tạo nên hình ảnh mới cho du lịch Vĩnh Phúc.

Đồng thời, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1335 về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” nhằm khai thác tiềm năng, khắc phục những khó khăn, hạn chế, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Giai đoạn 2011 - 2015, tổng số vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho kết cấu hạ tầng du lịch của tỉnh đạt hơn 107 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương 31 tỷ đồng, ngân sách địa phương 76,9 tỷ đồng.

Các dự án tập trung vào hạng mục công trình như: Đường giao thông, điện chiếu sáng, cấp, thoát nước... Cùng với nguồn ngân sách Nhà nước, tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển du lịch; chủ động dành quỹ đất cho các dự án đầu tư du lịch.

Đến nay, có 15 dự án lớn của các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch được cấp phép đầu tư vào tỉnh với tổng số vốn đăng ký hơn 2.631 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh thuê các đơn vị tư vấn lập quy hoạch chi tiết một số khu du lịch như Tam Đảo I, Đại Lải, Tây Thiên… và tiếp tục nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết hồ Thanh Lanh, hồ Làng Hà, hồ Vân Trục, núi Sáng… để kêu gọi nhà đầu tư.

Hệ thống các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch của tỉnh cũng từng bước được đầu tư, nâng cấp, gia tăng cả về chất lượng và số lượng. Bên cạnh những khu nghỉ dưỡng chất lượng cao như Flamingo Đại Lải, FLC resort Vĩnh Thịnh, DIC Star Hotels & Resorts... du khách đến Vĩnh Phúc có thể chuyển dịch lên khu vực các huyện Sông Lô, Lập Thạch để khám phá, trải nghiệm hình thức du lịch gắn với các giá trị và không gian sống của cộng đồng.

Giai đoạn 2017 - 2023, lượng khách du lịch đến Vĩnh Phúc trung bình đạt hơn 5,1 triệu lượt/năm, trong đó khách quốc tế đạt 34.500 lượt/năm; tổng doanh thu trung bình từ khách du lịch đạt gần 1.600 tỷ đồng/năm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 15 nghìn lao động trong ngành.

Riêng năm 2024, toàn tỉnh đón 10,5 triệu lượt khách du lịch, tăng 13% so với năm 2023, trong đó có 90 nghìn lượt khách quốc tế; tổng doanh thu ước đạt 4 nghìn tỷ đồng, tăng gần 11% so với năm 2023.

Nằm ở vị trí tách biệt hoàn toàn với cuộc sống đô thị phồn hoa, Đảo Ngọc Đại Lải - quần thể nằm trọn trong lòng hồ Đại Lải (Phúc Yên) đã và đang trở thành điểm đến lý tưởng, hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh.

Đảo Ngọc Đại Lải - quần thể du lịch nằm trọn trong lòng hồ Đại Lải (Phúc Yên) là điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Nguyễn Lượng

Đảo Ngọc Đại Lải - quần thể du lịch nằm trọn trong lòng hồ Đại Lải (Phúc Yên) là điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Nguyễn Lượng

Đến đây, du khách không chỉ được tái tạo lại nguồn năng lượng tích cực thông qua việc tham gia những trò chơi trên mặt nước như chèo thuyền, bơi lội, câu cá, đua cano… mà còn có thể cắm trại bên hồ để tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên hữu tình hoặc thong dong đi tham quan chùa Linh Thông cổ kính, giúp tâm hồn thêm thư thái, vơi bớt đi buồn phiền, âu lo.

Anh Bùi Văn Hưng, chủ hệ thống Bungalow tại rừng thông Đảo Ngọc Đại Lải cho biết: Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, cảnh quan thiên nhiên xen lẫn các công trình dịch vụ vui chơi, giải trí hiện đại; khí hậu mát mẻ vào mùa hè nhưng nhiệt độ không xuống quá thấp vào mùa Đông nên quanh năm ở đây có khách du lịch đến vui chơi, giải trí và nghỉ dưỡng, kéo theo hoạt động kinh doanh lưu trú rất phát triển.

Để hoạt động quản lý các khu du lịch trên địa bàn tỉnh phát huy hiệu quả cũng như khai thác tiềm năng, lợi thế cho phát triển, trọng tâm là phát triển du lịch có giá trị cao; phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh du lịch phát triển, tỉnh đã lập đề án trình Thủ tướng Chính phủ thông qua việc thành lập Ban quản lý khu du lịch quốc gia Vĩnh Phúc trên cơ sở sáp nhập các Ban quản lý khu du lịch quốc gia Tam Đảo, khu du lịch Đại Lải, khu danh thắng Tây Thiên và các khu du lịch khác trên địa bàn.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn xây dựng cơ sở dữ liệu chung, biên soạn tài liệu giới thiệu, quảng bá các hoạt động du lịch, môi trường và cơ hội đầu tư du lịch tại tỉnh đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai quan điểm du lịch xanh, tăng trưởng xanh trong du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, thân thiện, chất lượng, nổi bật để tạo lợi thế cạnh tranh gắn với đầu tư phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu kết nối, hợp tác quốc tế.

Ngọc Lan

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/121373//dua-du-lich-tro-thanh-nganh-kinh-te-mui-nhon