Đưa khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) ngày càng được xem là yếu tố then chốt, ảnh hưởng đến sự phát triển, tính cạnh tranh của sản phẩm. Xác định rõ điều này, nhiều năm qua, huyện Nga Sơn đã chú trọng các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất, tạo đột phá trong tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm.

Mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu của gia đình anh Mai Văn Hào, xã Nga Thành.

Một trong những giải pháp được huyện Nga Sơn tập trung thực hiện đó là lựa chọn những sản phẩm thế mạnh của từng địa phương để đầu tư xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch cho hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, chỉ đạo ngành chức năng của huyện và các địa phương tích cực phối hợp với đơn vị chuyên môn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) thông qua các mô hình thí điểm; đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi tư duy, tạo chuyển biến trong nếp nghĩ, cách làm của người dân về nhu cầu thị trường, xu hướng lựa chọn, tiêu dùng nông sản, thực phẩm sạch và sản phẩm hữu cơ. Bên cạnh đó, nhờ chủ động chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng và kịp thời ban hành các cơ chế hỗ trợ người dân, đã tạo được sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, huyện đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất hàng hóa tập trung quy mô, cho giá trị thu nhập cao hơn từ 2 đến 4 lần trên cùng diện tích, trong đó đáng chú ý là mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà màng, nhà lưới.

Sau nhiều năm trồng các loại rau màu như, su hào, cải bắp, hành... theo phương pháp truyền thống không mang lại hiệu quả kinh tế, năm 2018, vợ chồng anh Mai Văn Hào, ở thôn Bắc Trung, xã Nga Thành quyết định đầu tư xây dựng 1.000m2 nhà lưới với tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng để chuyển sang trồng dưa Kim Hoàng hậu và dưa vân lưới. Đầu tư xây dựng mô hình mới theo hướng ứng dụng KH&CN là một việc làm không hề đơn giản, nhất là khi kinh nghiệm chưa có, số tiền đầu tư bằng cả gia tài, nhưng anh Hào vẫn dốc hết vốn liếng với mong muốn thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Anh Hào chia sẻ: “Việc trồng, sản xuất trong nhà lưới khác hoàn toàn so với ở ngoài, nhất là yêu cầu về kỹ thuật, cách thức chăm bón cho cây. Vì lẽ đó, đòi hỏi người sản xuất phải nắm vững các quy trình, kỹ thuật và biết áp dụng những tiến bộ KHKT vào canh tác”. Vượt qua những khó khăn ban đầu, chỉ sau 1 vụ canh tác, tìm tòi, học tập kinh nghiệm, đến nay, anh Hào đã nắm vững kỹ thuật trồng dưa trong nhà lưới với hiệu quả mang lại vượt hơn cả mong đợi. Theo anh Hào, với 1.000m2 nhà lưới, trừ chi phí mỗi năm gia đình anh thu nhập hơn 120 triệu đồng, tăng gấp nhiều lần so với việc canh tác truyền thống. Đặc biệt, sản phẩm khi đưa ra thị trường luôn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tương tự, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và nguồn vốn hỗ trợ 100 triệu đồng từ cơ chế phát triển nông nghiệp công nghệ cao của huyện Nga Sơn và của tỉnh, gia đình chị Mai Thị Thúy, ở xã Nga Trường đã mạnh dạn đầu tư cải tạo vùng đất lầy, chua mặn, trồng lúa năng suất thấp để xây dựng mô hình nhà màng, nhà lưới trồng dưa Kim Hoàng hậu và hoa với diện tích 1.000m2. Đến nay, qua nhiều vụ thu hoạch, mô hình đã mang lại hiệu quả. Chị Thúy cho hay: “Trồng dưa và hoa trong nhà lưới cho hiệu quả cao hơn nhiều so với ở ngoài, chất lượng sản phẩm bảo đảm, được người tiêu dùng lựa chọn. Một sào dưa trồng trong nhà lưới nếu trừ chi phí đạt từ 30 đến 40 triệu đồng/vụ”.

Mô hình sản xuất trong nhà màng, nhà lưới đã giúp cho người dân chủ động được việc tưới nước, chăm sóc và không phụ thuộc vào thời tiết bên ngoài; giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của các loại côn trùng, sâu hại tới cây trồng nên không phải dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng như phân bón hóa học mà hoàn toàn sử dụng các loại phân hữu cơ, phân chuồng, bảo đảm sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Các loại cây trồng trong nhà màng, nhà lưới phát triển tốt, rút ngắn thời gian sinh trưởng nhưng lại cho năng suất cao hơn từ 2 đến 4 lần trên cùng diện tích. Được biết, toàn huyện Nga Sơn hiện có hơn 35.000m2 nhà lưới, nhà màng, cho thu nhập từ 700 đến 1 tỷ đồng/ha/năm, trong đó, có khoảng 40% nhà lưới áp dụng công nghệ tưới phun sương và tưới nhỏ giọt. Đặc biệt, từ vụ xuân hè năm 2019 tại xã Nga Trường, mô hình trồng dưa hấu cũng đã được áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Đây là năm đầu tiên áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây dưa hấu với dự kiến quy mô phát triển khoảng 10 ha. Cũng nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, trên địa bàn huyện hình thành nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi lợn, gà theo chuỗi khép kín bảo đảm an toàn sinh học; chăn nuôi theo mô hình đệm lót sinh học, sử dụng hầm khí bioga... Qua thống kê, năm 2018 và 9 tháng đầu năm 2019, huyện Nga Sơn đã triển khai thực hiện được 53 chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, trong đó, có 12 chuỗi cung ứng lúa gạo an toàn, 16 chuỗi cung ứng rau, quả an toàn; 16 chuỗi cung ứng thịt gia súc, gia cầm an toàn; 9 chuỗi cung ứng sản phẩm thủy sản an toàn.

Trong xu thế hội nhập, đòi hỏi người sản xuất nông nghiệp cần phải thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn, hiệu quả nhằm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường và an toàn cho người tiêu dùng. Vì vậy, việc đầu tư ứng dụng KH&CN trong phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ là yêu cầu tất yếu mà không chỉ Nga Sơn, các địa phương khác trong tỉnh cần quan tâm thực hiện. Từ kết quả đạt được, trong thời gian tới, huyện Nga Sơn sẽ tiếp tục thực hiện tốt cơ chế, chính sách khuyến khích và tập trung nguồn lực đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, đưa ngành nông nghiệp huyện nhà phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Lê Phong

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/khoa-hoc-cong-nghe/dua-khoa-hoc-va-cong-nghe-vao-san-xuat-nong-nghiep/109822.htm