Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học: Cần lộ trình triển khai từng bước

Chiều 26/9, tại Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm 'Làm thế nào đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học?' nhằm ghi nhận ý kiến cũng như đề xuất của các cơ quan chức năng, chuyên gia và nhà quản lý giáo dục về giải pháp để từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm.

Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm.

Trong 10 năm trở lại đây, việc triển khai dạy, học ngoại ngữ tại Việt Nam phát triển rất nhanh, đặc biệt ở các vùng, miền có điều kiện kinh tế-xã hội thuận lợi, các thành phố lớn. Cùng với việc phát triển về quy mô, chất lượng trong việc dạy và học cũng tăng lên, thể hiện ở sự đa dạng, phong phú trong cách người học, người dạy tiếp cận.

Các chuyên gia cho rằng, việc đưa tiếng Anh dần trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường bước đầu sẽ không dễ dàng. Tuy nhiên, không phải là không khả thi bởi những nền tảng pháp lý, hiệu quả thực tế cùng với sự đầu tư về chuyên môn và cơ sở vật chất cũng là nền tảng tốt để thực hiện chủ trương có ý nghĩa lớn này.

Tại tọa đàm, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hà Lê Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hơn 10 năm trở lại đây, việc giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực. Một số quy định khung pháp lý liên quan đến ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng đã được ban hành. Cùng với các hoạt động tích cực của đề án ngoại ngữ 2020 với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc dạy tiếng Anh, phát triển đội ngũ giáo viên tiếng Anh ở bậc phổ thông và đại học được quan tâm, có kết quả nhất định.

Trong Hội thảo Báo cáo thường niên năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết quả khảo sát cho thấy phần lớn học sinh đều hứng thú với học tiếng Anh. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy việc dạy học tiếng Anh ở trường phổ thông, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai.

Giám đốc Marketing và Truyền thông, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV), Võ Hồng Hạnh Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết, nếu như các học sinh, sinh viên sử dụng thành thạo tiếng Anh thì sẽ có rất nhiều cơ hội giáo dục rộng mở. Thí dụ như tiếng Anh tốt sẽ mở cho các bạn những cánh cửa đi đến các quốc gia có sử dụng tiếng Anh. Điển hình như các quốc gia đứng đầu trên thế giới về giáo dục đều đang sử dụng tiếng Anh như các nước: Anh, Mỹ, Australia, Canada... Khi mà các bạn có tiếng Anh tốt thì đương nhiên tiếng Anh sẽ trở thành một công cụ giúp cho các bạn có thể tìm được các cơ hội phù hợp các cơ hội liên quan đến học bổng... Nếu như trong điều kiện không cho phép các bạn đi du học thì tiếng Anh cũng vẫn sẽ mở ra những cơ hội tương tự ngay tại Việt Nam.

Từ góc độ cơ quan quản lý giáo dục cấp địa phương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội), Tiến sĩ Lê Đức Thuận cho biết, khó khăn chung của việc dạy học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng chủ yếu ở hai vấn đề. Thứ nhất, đội ngũ giáo viên thiếu cả số lượng và chất lượng. Nguyên nhân thì các đại biểu đã phân tích nhiều, từ vấn đề lương, nguồn tuyển sinh của các trường đại học.

Thứ hai, mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã có, nhưng khi thực hiện thì có tình trạng giáo viên dạy để thi. Học sinh học để đi thi, phụ huynh cũng cho con học vì điểm số… cho nên mục tiêu của việc dạy học ngoại ngữ đã bị lệch đi. Với bốn kỹ năng nghe-nói-đọc-viết, học sinh có thể rất tự tin về đọc và viết, nhưng giao tiếp còn nhiều hạn chế.

Để có thể thực hiện được mục tiêu đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, vấn đề đầu tiên là phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý. Ngoài ra, phải có chính sách và chiến lược, phải được cụ thể hóa thành các đề án cụ thể và trong các đề án này, phải ưu tiên đề án đào tạo đội ngũ giáo viên. Tiếp theo là những đề án liên quan tới cơ sở vật chất.

Khẳng định, tiếng Anh được xem là công cụ giao tiếp toàn cầu, Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim nhấn mạnh, đây là "chìa khóa" để đến với khối lượng tri thức, kiến thức đồ sộ của nền văn minh thế giới.

Việc hiểu biết và sử dụng tiếng Anh một cách thành thạo giúp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.

Có nhiều quốc gia coi tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai như: Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Nigeria, Philippines... Sự khác biệt cơ bản giữa tiếng Anh là một ngoại ngữ và tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai nằm ở mức độ, trình độ sử dụng và tầm quan trọng của nó trong đời sống xã hội và hoạt động hành chính. Ở những nơi tiếng Anh chỉ là ngoại ngữ, nó không được sử dụng rộng rãi ngoài môi trường học tập. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi từ ngoại ngữ sang ngôn ngữ thứ hai hoàn toàn có thể xảy ra nếu có sự thay đổi chính sách và nhu cầu xã hội, như trường hợp của Singapore và Ấn Độ.

Ngày 12/8/2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 91-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Một nội dung quan trọng được đề cập trong Kết luận 91-KL/TW là: “Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”.

QUỲNH NGUYỄN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dua-tieng-anh-tro-thanh-ngon-ngu-thu-2-trong-truong-hoc-can-lo-trinh-trien-khai-tung-buoc-post833348.html