Dubai và giấc mơ thủ phủ ẩm thực toàn cầu
Thành phố Dubai của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang nổi lên là điểm đến ẩm thực sôi động của thế giới. Tuy nhiên, đằng sau ánh đèn lấp lánh và những món ăn phủ vàng là lo ngại về sự phát triển quá nóng và tính bền vững của ngành công nghiệp nhà hàng tại đây.

Nhà hàng dưới nước Ossiano, một trong những nhà hàng lãng mạn nhất Dubai, nổi tiếng với chi phí đắt đỏ. (Nguồn: Time Out)
Sáng tạo không giới hạn
Sở hữu khoảng 13.000 nhà hàng và quán ăn, Dubai đã tạo ra một trong những thị trường ẩm thực cạnh tranh khốc liệt và sáng tạo bậc nhất.
Để thu hút thực khách, thành phố không ngừng đưa ra những ý tưởng đột phá, từ bàn ăn treo lơ lửng trên không đến sự sang trọng dưới lòng đại dương. Không chỉ thế, các nhà hàng của Dubai còn phục vụ mọi đối tượng, cả những suất biryani ấm lòng cho người lao động và những trải nghiệm ẩm thực xa hoa nhất. Đây là cách Dubai tạo ra sức hấp dẫn riêng trong cuộc đua du lịch với các quốc gia láng giềng.
Theo hãng thông tấn AP, sự cạnh tranh ở đây đã thúc đẩy các tiêu chuẩn lên tầm cao mới. Tổng giám đốc khu nghỉ dưỡng Atlantis The Palm, tọa lạc trên quần đảo nhân tạo và sở hữu nhiều sao Michelin nhất Trung Đông, ông Kym Barter nhận định: “Đã qua rồi cái thời mà món ăn chỉ cần ngon”. Câu nói phản ánh một thực tế: Để thành công ở Dubai, trải nghiệm ẩm thực phải tổng hòa giữa hương vị, nghệ thuật trình bày và không gian đặc sắc. Việc chinh phục các blogger ẩm thực có sức ảnh hưởng và cộng đồng thực khách sành sỏi khắp thế giới chính là động lực thúc đẩy sáng tạo.
Hệ sinh thái ẩm thực phong phú
Lợi thế của Dubai nằm ở chính sự đa dạng của cộng đồng. Với tỷ lệ người nước ngoài chiếm đa số (cứ chín người nước ngoài trên một công dân bản địa) và lượng khách du lịch đông hơn dân địa phương gấp năm lần đòi hỏi các nhà hàng phải phục vụ khẩu vị toàn cầu, từ món ăn đường phố cho đến các trải nghiệm fine-dining cao cấp.
Giới phân tích cho rằng, sự lạc quan thể hiện rõ nhất ở phân khúc cao cấp khi mức chi tiêu bình quân của du khách cao hơn gấp năm lần so với Saudi Arabia hay Mỹ. Nguồn lực tài chính này cho phép những ý tưởng ẩm thực độc đáo nhất được hiện thực hóa. Việc cẩm nang ẩm thực danh giá Michelin xếp hạng sao cho các nhà hàng tại Dubai là sự công nhận xứng đáng cho những nỗ lực không mệt mỏi và cũng là bước tiến quan trọng trên hành trình khẳng định vị thế quốc tế của thành phố sa mạc này. Bếp trưởng Torsten Vildgaard của FZN by Bjorn Frantzen (một trong hai nhà hàng vừa đạt ba sao Michelin) tin rằng, Dubai đang trên con đường đúng đắn để trở thành “thủ phủ ẩm thực” thế giới.
Mỗi tòa nhà chọc trời hay khách sạn mới mọc lên đều kéo theo sự xuất hiện của những nhà hàng mới, tạo nên một chuỗi phát triển song hành giữa hạ tầng lưu trú cao cấp và ngành ẩm thực. Sự đồng hành này góp phần định hình Dubai như một đô thị không ngừng sáng tạo, tạo ra hệ sinh thái ẩm thực phong phú, từ bình dân đến cao cấp.
Thách thức tăng trưởng
Tăng trưởng thần tốc của ngành ẩm thực tại Dubai kéo theo không ít thách thức về tính bền vững. Sức ép mở rộng, đặc biệt từ các chuỗi lớn như Americana – đơn vị vận hành KFC, Pizza Hut, khiến thị trường phát triển với tốc độ khó kiểm soát.
Theo Nhà sáng lập Công ty tư vấn chiến lược Aaron Allen & Associates, chiến lược gia ngành kinh doanh nhà hàng, ông Aaron Allen, nhu cầu không ngừng mở thêm nhà hàng đang dẫn tới tình trạng cạnh tranh khốc liệt và đào thải cao. Dù không có số liệu chính thức, giới trong ngành thừa nhận tỷ lệ đóng cửa khá cao, trong bối cảnh giá thuê mặt bằng ở các vị trí đắc địa có thể lên tới hơn 1.076 USD/m²/năm – ngang với các thành phố đắt đỏ hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, dường như dòng chảy đầu tư vẫn chưa dừng lại. Việc gần 1.200 giấy phép nhà hàng mới được cấp trong năm 2024 cho thấy niềm tin vào thị trường còn rất lớn. Điều này tạo ra bài toán về cân bằng cung cầu. Hình ảnh những chiếc bàn trống trong giờ cao điểm, ngay cả ở những vị trí đắc địa, là dấu hiệu cho thấy thị trường đang trong giai đoạn cần điều chỉnh.
Ở cấp độ vận hành, các chủ nhà hàng tại Dubai đang đối mặt với nhiều vấn đề thực tiễn. Một trong số đó là tình trạng tắc đường - trở ngại tưởng chừng không liên quan nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh. Ông Waseem Abdul Hameed, Giám đốc điều hành nhà hàng nổi tiếng Ravi chia sẻ: “Đôi khi tôi phải đắn đo: Liệu có nên đến nhà hàng không khi sẽ bị kẹt xe?”. Đây là rào cản không nhỏ với khách hàng.
Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận ngày càng mỏng buộc nhiều nhà hàng phải dựa vào các ứng dụng giao đồ ăn. Song, giải pháp công nghệ này cũng mang đến những hệ lụy đáng lo ngại.
Phía sau sự tiện lợi là câu chuyện của lực lượng tài xế giao hàng (phần lớn là lao động nhập cư) đang làm việc trong môi trường áp lực cao, thiếu sự bảo vệ cần thiết. Năm 2024, tờ Khaleej Times ghi nhận 17 trường hợp tử vong do tai nạn trong ngành giao đồ ăn, con số gióng lên hồi chuông cảnh báo về bài toán an sinh trong một thành phố tăng trưởng nóng như Dubai.
Hướng tới tương lai bền vững
AP dẫn lời chiến lược gia ngành kinh doanh nhà hàng, ông Aaron Allen: Kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2009, chi phí vận hành trong ngành ẩm thực tại Dubai tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng doanh thu. Theo ông, nhiều doanh nhân tại đây có “quá nhiều tiền và không biết làm gì khác ngoài việc mở nhà hàng” – câu nói tưởng chừng bông đùa nhưng thực chất là lời cảnh tỉnh: Đầu tư vào ẩm thực không thể chỉ dựa trên dư thừa tài chính, mà cần chiến lược dài hạn, tư duy phát triển có chiều sâu và trách nhiệm.
“Chúng ta mới chỉ thấy phần nổi của tảng băng chìm”, bếp trưởng Torsten Vildgaard (nhà hàng FZN by Bjorn Frantzen, ba sao Michelin) nhận định về tương lai ngành ẩm thực tại Dubai.
Phần “chìm” đó chính là bài toán quyết định: Liệu Dubai đang xây nền móng vững chắc hay chỉ theo đuổi một bong bóng tăng trưởng. Khi tốc độ phát triển vượt nhu cầu, hình thức lấn át chất lượng, tham vọng trở thành thủ phủ ẩm thực toàn cầu rất dễ lệch khỏi quỹ đạo bền vững.
Giấc mơ trở thành thủ phủ ẩm thực toàn cầu của Dubai không phải bất khả thi. Thành phố đã chứng tỏ được khả năng tạo nên những điều phi thường. Nhưng ở thời điểm hiện tại, thách thức và cũng là cơ hội lớn nhất là chuyển hóa đà tăng trưởng thành một hệ sinh thái ẩm thực ổn định, cân bằng và bền vững.
Thành công không chỉ được đong đếm bằng số lượng nhà hàng hay những ngôi sao Michelin, mà còn ở khả năng nuôi dưỡng một ngành công nghiệp có chiều sâu, có trách nhiệm và đủ sức chống chịu trước biến động dài hạn.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dubai-va-giac-mo-thu-phu-am-thuc-toan-cau-321305.html