Đúng quy trình, đủ tiêu chuẩn - Vì sao bổ nhiệm... vẫn sai?-Bài 4: Đánh giá cán bộ, còn những biểu hiện chưa thực chất

Trong công tác cán bộ, đánh giá cán bộ là khâu then chốt, mang tính quyết định đến các bước tiếp theo, đặc biệt là bố trí, sử dụng cán bộ. Nhiều trường hợp cán bộ được bổ nhiệm đúng quy trình, đủ tiêu chuẩn, nhưng sau đó lại bị kỷ luật, thậm chí vướng vòng lao lý, cho thấy khâu đánh giá cán bộ vẫn còn rất nhiều vấn đề cần được quan tâm.

Đảng ta đã quy định rõ: Mỗi cán bộ, đảng viên hằng năm phải tự kiểm điểm; khi làm quy trình bổ nhiệm cũng phải có phần tự nhận xét. Tiêu chí đánh giá đã khá đầy đủ, từ lập trường chính trị, phẩm chất đạo đức đến kết quả công tác và kê khai tài sản. Nhưng trên thực tế, tâm lý “tốt khoe, xấu che” trong đánh giá cán bộ vẫn khá phổ biến. Không ít bản tự kiểm điểm của cán bộ chỉ tập trung ca ngợi ưu điểm, thành tích: Nào là “bản lĩnh chính trị vững vàng”, nào là “phẩm chất đạo đức tốt”, “lối sống lành mạnh”... Trong khi khuyết điểm thì nêu qua loa, chung chung như: "Đôi lúc còn nóng nảy", "còn nể nang", "tinh thần tự phê bình và phê bình đôi lúc chưa tốt"... Các bản tự kiểm điểm kiểu này có thể năm sau sao chép năm trước, người nọ giống người kia, chỉ khác một số thành tích cụ thể đạt được. Đáng tiếc, hầu hết cán bộ vi phạm khuyết điểm đều mắc vào chính những mặt được ca tụng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, mà trước đó đã không có một dòng nhận xét nào đề cập đến rủi ro tiềm ẩn.

Ảnh minh họa: Chinhphu.vn

Ảnh minh họa: Chinhphu.vn

Việc đánh giá từ tập thể cấp ủy, tổ chức đảng cũng không khá hơn. Thói quen nể nang, né tránh va chạm, ngại đấu tranh góp phần tô hồng các bản nhận xét, làm lu mờ những biểu hiện lệch chuẩn. Việc kê khai tài sản cá nhân của cán bộ, đảng viên vẫn thiếu cơ chế xác minh chặt chẽ. Chỉ khi cơ quan điều tra vào cuộc mới “giật mình” với khối tài sản khổng lồ như trường hợp cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ sở hữu hàng trăm sổ tiết kiệm, nhiều xe sang, những chiếc đồng hồ trị giá cả tỷ đồng...

Một thực tế khác là việc mở rộng kênh đánh giá ngoài nội bộ: Từ chính quyền, nhân dân nơi cư trú, cơ quan kiểm tra, giám sát... chưa được coi trọng đúng mức. Hệ thống kiểm tra, giám sát vẫn “mỏng”, chưa sâu sát, thiếu hiệu quả cảnh báo và ngăn chặn. Nhiều trường hợp, cán bộ có biểu hiện “nhúng chàm” nhưng vẫn lọt qua được các vòng đánh giá, thậm chí thăng tiến thần tốc.

Không thể không nhắc tới ảnh hưởng của tình trạng bè phái, “cánh hẩu”, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ và đánh giá, nhận xét cán bộ. Nhiều trường hợp, cán bộ được “đỡ đầu”, “nâng đỡ” trong suốt quá trình đánh giá và bổ nhiệm, từ đó nảy sinh hệ lụy: Bố trí sai người, sai vị trí, dẫn tới tổn hại cho tổ chức và xã hội.

Điều nguy hiểm là những hạn chế trong đánh giá cán bộ như một loại virus ngầm, dần bào mòn sức chiến đấu của tổ chức đảng và từng đảng viên. Nếu không nhận diện và loại bỏ tận gốc thì khâu bổ nhiệm dù có đúng quy trình, đủ tiêu chuẩn đến đâu cũng không thể bảo đảm đúng người.

Mở rộng kênh đánh giá - tăng sức đề kháng

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Để chọn được cán bộ tốt, trước hết phải đánh giá đúng và đánh giá phải thực chất, khách quan, toàn diện.

Trước hết, cần khơi dậy tinh thần tự phê bình và phê bình trong tổ chức đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên cần hiểu rõ trách nhiệm của mình đối với sự thịnh suy của tổ chức khi đánh giá sai người. Không thể để cảm tính, nể nang, dĩ hòa vi quý lấn át nguyên tắc tổ chức và kỷ luật Đảng.

Thứ hai, phải phá “chiếc kén nội bộ” trong đánh giá cán bộ. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần mở rộng kênh thông tin đánh giá: Từ cấp ủy, chính quyền, nhân dân nơi cư trú; các cơ quan kiểm tra, công an, thanh tra, kiểm toán, Mặt trận Tổ quốc... Việc tham vấn ý kiến từ các cơ quan này không chỉ với bản thân cán bộ mà cả người thân trong gia đình cũng cần được thực hiện nghiêm túc để kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm hoặc biểu hiện bất thường. Điều này hiện nay khi xem xét, đánh giá cán bộ không phải là không làm, nhưng thực tế dường như mới làm để bảo đảm hoàn chỉnh thủ tục.

Trong điều kiện chuyển đổi số, việc xác minh tài sản cá nhân cần tận dụng công nghệ, kết nối dữ liệu với hệ thống ngân hàng, cơ quan cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với bất động sản... Việc cán bộ kê khai không trung thực phải được coi là vi phạm kỷ luật nghiêm trọng và cần phải xử lý nghiêm.

Đánh giá cán bộ là "khâu mở đầu" nhưng cũng là "cái gốc" trong công tác cán bộ. Cái khó chính là nằm ở việc kết hợp hài hòa giữa định tính và định lượng, giữa quy trình và thực chất, giữa trách nhiệm và dũng khí chính trị, giữa cái thật trong cái biểu hiện, giữa cái lâu dài trong cái trước mắt... Đánh giá cán bộ là đánh giá con người, liên quan đến con người. Đó là điều không hề đơn giản. Bởi vậy, khi nào việc đánh giá trở nên khách quan, chính xác, công tâm và đúng người thì công tác cán bộ mới tạo được niềm tin và hiệu quả. Chỉ khi và khi nào đánh giá cán bộ bảo đảm thực chất, toàn diện, công khai thì mới loại bỏ được tình trạng “đúng quy trình, đủ tiêu chuẩn, nhưng vẫn... bổ nhiệm sai người”. Đánh giá đúng cán bộ, tức là chọn đúng người để giao việc. Đó chính là tiền đề để tổ chức mạnh, quốc gia phát triển.

(còn nữa)

Theo QĐND

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/dung-quy-trinh-du-tieu-chuan-vi-sao-bo-nhiem-van-sai-bai-4-danh-gia-can-bo-con-nhung-bieu-hien-chua-thuc-chat-5053674.html