Được giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi nào?

Bà Nguyễn Thị Thanh T. (tỉnh Quảng Ngãi) là công nhân, bị tai nạn lao động đã được BHXH giải quyết chế độ hàng tháng từ tháng 11/2021. Nay thương tật của bà T bị tái phát và bà đã điều trị ổn định. Vậy, bà T. có được giám định lại để xác định lại tỷ lệ thương tật không? Sau bao lâu mới được đi giám định lại thương tật, thủ tục như thế nào?

Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ngãi trả lời như sau:

Tại Điểm b Khoản 1 Điều 47 Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định lại mức suy giảm khả năng lao động sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định;

Theo quy định tại Thông tư số 18/2022/TT-BYT ngày 31/12/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế: Đối với các trường hợp giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp người lao động được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Đối chiếu các quy định trên, sau khi thương tật, bệnh tật tái phát của bà đã được điều trị ổn định thì bà chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được Quỹ Tai nạn lao động – Bệnh nghề nghiệp trả phí giám định theo quy định nếu kết quả khám giám định của bà đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động.

Thủ tục nộp tại Trung tâm Giám định y khoa: Giấy đề nghị khám giám định theo mẫu; Bản chính hoặc bản sao hợp lệ Tóm tắt hồ sơ bệnh án theo mẫu hoặc Giấy ra viện theo mẫu ghi rõ tổn thương tái phát. Trường hợp người được giám định thuộc đối tượng quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 47 của Luật An toàn, vệ sinh lao động: Trong bản tóm tắt hồ sơ bệnh án điều trị phải ghi rõ tổn thương do tai nạn lao động không có khả năng điều trị ổn định; Bản chính hoặc bản sao hợp lệ: Biên bản Giám định y khoa lần gần nhất kèm theo các Giấy chứng nhận thương tích ghi nhận các tổn thương được giám định trong Biên bản đó.

Một trong các giấy tờ quy định sau: Chứng minh nhân dân; Căn cước công dân; Hộ chiếu còn hiệu lực. Trường hợp không có các giấy tờ nêu trên thì phải có Giấy xác nhận của Công an cấp xã có dán ảnh, đóng giáp lai trên ảnh và được cấp trong thời gian không quá 3 tháng tính đến thời điểm đề nghị khám giám định. Trường hợp kết quả khám giám định của bà đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động thì bà nộp hồ sơ tại Bảo hiểm xã hội nơi bà đang hưởng trợ cấp tai nạ lao động hàng tháng,

Thủ tục nộp tại cơ quan BHXH: Biên bản giám định lại mức suy giảm khả năng lao động sau khi điều trị thương tật, bệnh tật tái phát của Hội đồng Giám định y khoa. Trường hợp thanh toán phí Giám định y khoa thì có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện Giám định y khoa.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/duoc-giam-dinh-lai-muc-suy-giam-kha-nang-lao-dong-khi-nao-10223021813515825.htm