Dưới tán chè cổ thụ Nà Thác
Bản Nà Thác (xã Phương Ðộ, thành phố Hà Giang) có khoảng trăm nóc nhà, hầu như nhà nào cũng gắn bó với những gốc chè cổ thụ. Gốc chè to đến mấy người ôm, được ví như ngôi nhà sàn của người Dao áo chàm trên triền núi Tây Côn Lĩnh. Ðời sống nhân dân gắn với cây chè. Giá trị văn hóa, giá trị kinh tế cũng từ đó mà ra.
Theo nếp sinh hoạt của người bản Nà Thác, sáng sớm hương thơm đã tỏa ấm nhà, lan ra cả ngoài nương lúa. Tình người ấm như chén trà vừa rót, lời người đượm tựa vòm hương bát ngát núi rừng.
Bâng khuâng huyền tích…
Một năm người Dao được hái chè bốn lần, còn không thì chỉ được hai lần. Chè xuân là vụ đượm nhất của năm, bởi sau một mùa đông dài giá buốt, sương muối phủ trắng núi rừng, cây cối cả một vùng cằn cỗi, héo khô, chè cổ thụ vẫn giữ mình bằng cách mọc mốc trên thân để ủ ấm cho cả cây.
Ðến khi khí trời ấm lên, sương giá tan dần thì tuyết bám ở thân cây dường như tụ lên mỗi búp chè để dâng cho con người cái tinh túy của đất trời thông qua búp chè và lá non.
Ðồng bào Dao phải trèo lên mới hái được, không thể dùng dao hay kéo để cắt chè. Ít khi đàn ông Dao làm công việc hái chè, nhưng người trồng chè nhất định phải là đàn ông.
Từ việc chọn đất, chọn giống chè phải là đàn ông, để rồi sau mấy trăm năm, sau mấy đời người, khi những búp chè như những ngón tay thon vươn lên trong sương trắng thì dành cho phụ nữ sẽ hái.
Theo quan điểm của đồng bào Dao, sự thịnh vượng của một dòng họ, một gia đình chỉ cần nhìn vào rừng chè là đoán biết được. Ở bản Nà Thác, những gia đình có rừng chè gốc to vài người ôm được gọi là dòng chính tông, cha truyền con nối. Nét cổ thụ của rừng chè còn thể hiện dòng họ ấy có lộc, có phúc nối dài.
Hái chè quá trưa, đầy một sọt chè đeo bên hông, những người phụ nữ mới xuống núi. Về đến nhà phải tãi ra cho chè thở rồi bắt đầu sao chè. Ðồng bào nơi đây cho rằng phải sao chè ngay khi búp chè chưa kịp héo thì mới giữ được khí chất của đất trời.
Củi sao chè phải là củi tốt, than đượm thì mới đủ sức nóng làm búp chè có tuyết. Chính vì thế, từ xưa, đồng bào gọi đây là chè Shan tuyết. Shan, âm Hán-Việt là núi, núi cao mây trắng; tuyết là búp nổi trắng sau khi sao. Chè trồng ở vùng thấp không thể có đặc tính này.
Ngày nay, sau bao đời người cây chè shan tuyết trên vùng người Dao đã được gọi là Shan tuyết cổ trà. Trà Shan tuyết cũng chính là nguyên liệu để làm nên thương hiệu trà chốt những năm 80 của thế kỷ trước. Trà chốt là trà của bộ đội trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc.
Những lúc ngưng tiếng súng, những người lính hái chè, sao trong hầm trên chốt, sao bằng khay hoặc ăng-gô đựng thức ăn, rồi lại uống bằng ăng-gô ấy. Vị trà Shan tuyết khi bộ đội ta được thưởng thức ở các chốt đã để lại trong lòng những người lính ấy một hương vị khó quên.
Cho đến bây giờ, khi trở lại mặt trận Vị Xuyên, các cựu chiến binh đều muốn được thưởng thức lại hương vị trà chốt từ những cây đại cổ thụ trên dọc tuyến biên giới. Ngày ấy, khi về phép, bộ đội cũng thường mang về một chút "trà chốt" tự tay mình hái và sao để mời gia đình, bà con thưởng thức.
Chè ở vùng Shan tuyết cổ trà pha nước suối của dãy Tây Côn Lĩnh vào mỗi sớm. Việc đầu tiên của phụ nữ người Dao là dậy sớm đun nước pha trà. Bếp ấm, nước nóng và hương thơm ngào ngạt khắp gian nhà sàn.
Ở gian nhà giữa, nơi chỉ dành cho những người đàn ông trụ cột trong gia đình và hướng ra cửa sổ, nhìn ra triền ruộng bậc thang như những nấc thang lên trời, xuống đất mà bao đời cày cuốc của các thế hệ người Dao đang bắt đầu được trời đổ nước, trong khi sương sớm đang tràn từ ruộng trên xuống ruộng dưới để ủ cho đất thêm màu mỡ.
Đổi thay nhờ chè
Khi người đàn ông sao chè thì người phụ nữ chụm củi. Sự hun đúc ấy kết hợp thành một quy tắc tự nhiên tự khắc có được những mẻ chè ngon. Nó tự lên hương, tự lên sắc khi được tích tụ khí đất hương trời với tấm lòng và công sức của con người.
Mỗi năm, người Nà Thác thu được gần 10 tấn chè tươi, để rồi qua bàn tay điệu nghệ của người yêu chè được khoảng vài tấn thành phẩm. Cùng với thảo quả, trà Shan tuyết đã góp phần nâng cao đời sống của bà con, thu nhập bình quân đầu người khoảng 5-6 triệu đồng/ tháng. Chè cổ thụ đã kéo người muôn phương đến với Nà Thác, để trên bản đã có các hộ làm dịch vụ homestay như các gia đình họ Lý: Lý Văn Quằn, Lý Văn Xiểm, Lý Văn Thiệp, Lý Văn Ơn, Lý Văn Thiểu.
Trên những ngôi nhà sàn rộng rãi, các nếp văn hóa cổ truyền của người Dao cũng được dịp khoe sắc, khoe âm. Những lời hát Páo Dung đều đặn vang lên mỗi tối khi nhà nào có du khách ghé thăm. Những lời cọi giao duyên đã đượm từ chén rượu nồng lên môi nam thanh nữ tú trên bản, lan sang khách mỗi khi thấm cái tình, cái sắc của người con gái Dao.
Những mẻ trà lên hương mà không cần đánh hương, lên tuyết mà không cần đánh tuyết như chè trồng mới. Một lượt sao héo, rồi đổ ra mẹt vò, người vò thường là đàn ông, bởi tay đàn ông khỏe, vò chè bằng cả sự vững vàng của người trụ cột trong gia đình, để búp chè xoăn và dai mà lại không vụn. Lại đổ vào chảo sao lần hai cho khô, lúc này sao phải khéo léo, nhẹ nhàng để búp chè vừa vò được xoăn đẹp, được lên tuyết trắng mà lại không bị gãy cánh chè.
Lần sao thứ hai, phải canh lửa, rút lửa nhỏ đi, chỉ để than đượm để sức nóng của than nghiến đỏ rực làm chè khô mà không cháy, làm chè giòn mà không vụn.
Cùng là đi hái trà trên rừng trà cổ thụ, cùng sao trên lửa đượm, nhưng khi ra thành phẩm thì mỗi nhà sẽ mỗi khác. Dáng cánh chè đẹp mã hay không, đượm hương hay không, sâu nước hay không phụ thuộc vào cách của mỗi nhà.
Chè khi đã thành Shan tuyết cổ trà thì bảo quản là công việc của người phụ nữ. Giữ trà cho được hương, cất trà cho được mã là cả một sự khéo léo giống như cách người phụ nữ khéo léo, vun vén để giữ hạnh phúc trong mỗi gia đình. Trà Shan tuyết phải để trên nhà sàn, trên sàn trên, sao cho khô thoáng.
Thưởng trà Shan tuyết ở đầu núi là thưởng cả bề dày về văn hóa, thưởng cả quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan để chiêm nghiệm, để sống như những cây chè cổ thụ trên đỉnh Tây Côn Lĩnh, ngấm sương gió quanh năm mà vững vàng trước bão giông cuộc đời. Nếu ai được uống chén trà Shan tuyết cổ thụ coi như đã được thưởng thức thêm cả một phần văn hóa của người Dao và cảm nhận hương vị của đất trời ban tặng cho con người.
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/duoi-tan-che-co-thu-na-thac-5029403.html