Đường đến bệnh viện không còn là nỗi lo của người nghèo

Trong phát biểu mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo nghiên cứu và xây dựng lộ trình tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn 2030 - 2035, cùng với việc khám sức khỏe định kỳ cho toàn dân mỗi năm một lần.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo nghiên cứu và xây dựng lộ trình tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn 2030 - 2035. Ảnh: THÀNH CHUNG

Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo nghiên cứu và xây dựng lộ trình tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn 2030 - 2035. Ảnh: THÀNH CHUNG

Văn phòng Trung ương Đảng đã có thông báo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với đại diện Đảng ủy Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương về đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Trung ương về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và định hướng nhiệm vụ thời gian tới.

Về định hướng một số chủ trương cụ thể thực hiện ngay, Tổng Bí thư kết luận thống nhất thực hiện chủ trương khám sức khỏe định kỳ cho nhân dân ít nhất mỗi năm một lần.

Tổng Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng đề án với lộ trình từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn từ 2030 - 2035.

Miễn viện phí không chỉ là chính sách an sinh xã hội, mà còn là thước đo quan trọng của mức độ văn minh, phát triển và công bằng của một quốc gia. Nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia Bắc Âu, đã thực hiện miễn phí chăm sóc y tế cho toàn dân từ rất sớm. Điều đó không chỉ giúp người dân yên tâm chữa bệnh mà còn giảm bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ y tế, nhất là đối với người nghèo, người yếu thế trong xã hội.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới phát triển bền vững, toàn diện và không để ai bị bỏ lại phía sau thì chủ trương này mang tính chiến lược và là bước tiến hợp lòng dân. "Đường đến bệnh viện không còn là nỗi lo của người nghèo" là mong mỏi của biết bao người dân bấy lâu nay.

Bởi thế, chủ trương trên ngay lập tức mang tới niềm vui và sự kỳ vọng cho nhiều người dân. Hiện nay, dù bảo hiểm y tế đã bao phủ phần lớn dân số (trên 90%), nhưng chi phí khám chữa bệnh vẫn là gánh nặng với nhiều gia đình, đặc biệt là khi mắc các bệnh mãn tính hoặc bệnh nặng kéo dài. Việc phải tự chi trả một phần viện phí khiến không ít người dân phải trì hoãn điều trị, dẫn đến bệnh tật trầm trọng hơn, kéo theo hệ lụy về kinh tế - xã hội.

Trong khi đó, hệ thống y tế cơ sở còn yếu, chưa phát huy được vai trò “gác cửa” cho sức khỏe cộng đồng. Thiếu trang thiết bị, thiếu nhân lực, thiếu thuốc thiết yếu... là những vấn đề kéo dài nhiều năm chưa được khắc phục triệt để.

Việc Tổng Bí thư chỉ đạo xây dựng lộ trình rõ ràng, chia thành từng giai đoạn là điều rất cần thiết. Từ nay đến năm 2030, việc khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho toàn dân và phát triển hồ sơ sức khỏe điện tử là nền tảng quan trọng để tiến tới miễn viện phí. Khi người dân được khám định kỳ, các bệnh lý sẽ được phát hiện sớm, giảm chi phí điều trị sau này. Hồ sơ sức khỏe được số hóa sẽ giúp các cơ sở y tế theo dõi, quản lý bệnh tật tốt hơn, tránh trùng lặp, thất thoát nguồn lực.

Để thực hiện mục tiêu lớn này, Nhà nước cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào y tế cơ sở. Cần có chính sách thu hút bác sĩ về tuyến xã, tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc để giữ chân nhân lực chất lượng. Ngoài ra, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế cũng là điều cần thiết để mở rộng phạm vi chi trả, loại bỏ các rào cản hành chính gây phiền hà cho người bệnh.

Sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ và quyết liệt của cả hệ thống chính trị, với tinh thần “nói đi đôi với làm”, “đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu”, hy vọng không xa chủ trương này sẽ đi vào thực tiễn. Khi mỗi người dân không còn lo lắng mỗi lần đi khám bệnh, khi trẻ em, người già, người nghèo đều được chăm sóc y tế đầy đủ, thì đó chính là lúc xã hội trở nên công bằng, nhân ái và tiến bộ hơn.

NGÂN HẠNH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/duong-den-benh-vien-khong-con-la-noi-lo-cua-nguoi-ngheo-411296.html