Đường đi dự kiến của tuyến cáp quang biển 10 tỉ USD của Meta
Theo một số nguồn tin, Meta đang lên kế hoạch xây dựng tuyến cáp quang biển trị giá 10 tỉ USD trên toàn cầu nhằm cải thiện hoạt động kinh doanh.
Meta là công ty mẹ của nhiều ứng dụng và các nền tảng phổ biến, đơn cử như Facebook, Instagram, WhatsApp… Với hàng tỉ người dùng, các nền tảng này chiếm 10% tổng lưu lượng cố định và 22% lưu lượng truy cập di động.
Chia sẻ với TechCrunch, một số nguồn tin thân cận với Meta cho biết công ty đang lên kế hoạch xây dựng một tuyến cáp quang biển mới dài hơn 40.000 km, kéo dài khắp thế giới với tổng mức đầu tư hơn 10 tỉ USD. Điều quan trọng là Meta sẽ là chủ sở hữu và người sử dụng duy nhất của tuyến cáp này.
Sunil Tagare, một chuyên gia về cáp quang biển cho biết, kế hoạch này bắt đầu với ngân sách 2 tỉ USD nhưng khi dự án được xây dựng, con số đó có thể sẽ tăng lên hơn 10 tỉ USD khi dự án kéo dài thành nhiều năm.
Các nguồn tin thân cận với Meta đã xác nhận dự án, nhưng cho biết nó vẫn đang trong giai đoạn đầu.
Tuyến cáp này khi hoàn thành sẽ cung cấp cho Meta một “con đường” chuyên dụng cho lưu lượng dữ liệu trên toàn thế giới. Các nguồn tin cho biết, tuyến đường dự kiến của cáp hiện đang trải dài từ bờ biển phía đông của Hoa Kỳ đến Ấn Độ qua Nam Phi, và sau đó đến bờ biển phía tây của Hoa Kỳ từ Ấn Độ qua Úc, tạo thành hình chữ "W" trên toàn cầu.
Cáp quang dưới biển đã là một phần của cơ sở hạ tầng truyền thông trong 40 năm qua. Điều quan trọng ở đây là ai đang bỏ tiền xuống để xây dựng và sở hữu nó và cho mục đích gì.
Theo các nhà phân tích viễn thông Telegeography, Meta là chủ sở hữu một phần của 16 mạng hiện có, bao gồm gần đây nhất là cáp 2Africa bao quanh lục địa (những người khác trong dự án đó là các nhà mạng bao gồm Orange, Vodafone, China Mobile, Bayobab/MTN…).
Tuy nhiên, dự án cáp mới này sẽ là dự án đầu tiên thuộc sở hữu hoàn toàn của Meta.
Tại sao Meta lại muốn có tuyến cáp quang biển riêng?
Có một số lý do tại sao việc xây dựng cáp quang biển sẽ thu hút các công ty công nghệ lớn như Meta.
Đầu tiên, quyền sở hữu duy nhất tuyến đường và cáp sẽ mang lại cho Meta khả năng hỗ trợ lưu lượng truy cập trên các tài sản của chính mình.
Thứ hai là địa chính trị. Trong những năm gần đây, nhiều tuyến cáp quang biển đã bị thiệt hại trực tiếp từ các cuộc chiến tranh.
Lộ trình tuyến cáp mới của Meta sẽ giúp công ty "tránh các khu vực căng thẳng địa chính trị", một nguồn tin thân cận với công ty nói với TechCrunch.
Không riêng gì Meta, các "ông lớn" công nghệ khác như Google, Amazon cũng đang ráo riết đầu tư vào hạ tầng cáp quang biển.
Google với các dự án như Dunant, Equiano, Curie... phủ sóng khắp các châu lục. Amazon cũng không kém cạnh, với các tuyến cáp như Hawaiki, Jupiter phục vụ cho tham vọng thống trị thị trường điện toán đám mây. Microsoft cũng tham gia vào cuộc đua với tuyến cáp Marea, một trong những tuyến cáp có dung lượng lớn nhất thế giới.