EU, AFD giúp phát triển đô thị tích hợp có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu
Đại sứ EU Julien Guerrier và Giám đốc AFD tại Việt Nam Hervé Conan đã ký kết văn bản bổ sung vốn cho quỹ Quản lý nước và tài nguyên thiên nhiên, góp phần giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngày 23/11, tại thành phố Điện Biên Phủ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Liên minh châu Âu (EU) tổ chức Hội thảo "Hướng tới phát triển đô thị tích hợp và có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho các thành phố khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ Việt Nam."
Hội thảo có sự tham gia của Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier; Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet; Giám đốc AFD tại Việt Nam Hervé Conan, cùng đại diện Cục Phát triển Đô thị - Bộ Xây dựng, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên; đại diện sở, ban, ngành các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền núi phía Bắc và duyên hải Bắc Trung Bộ đang và sẽ nhận tài trợ của AFD, EU.
Hội thảo nhằm giới thiệu, chia sẻ một số kết quả của mô hình, giải pháp, công cụ hỗ trợ ra quyết định, cách tiếp cận mới nhằm tăng cường khả năng chống chịu cho các đô thị, vùng lãnh thổ tại khu vực phía Miền núi phía Bắc và duyên hải Bắc Trung Bộ.
Đây cũng là cơ hội để các tỉnh, thành phố trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cũng như hiểu rõ hơn những thuận lợi, khó khăn trong công tác phát triển đô thị bền vững, có khả năng chống chịu nói chung và trong việc đảm bảo tính bền vững, khả năng nhân rộng các mô hình, giải pháp hiệu quả.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô đánh giá cao hiệu quả hoạt động của Hệ thống hỗ trợ ra quyết định (công cụ DSS). Bộ công cụ tích hợp toàn bộ các mô hình thủy văn, thủy lực trên lưu vực sông Nậm Rốm, kết nối với mô hình ngập lụt đô thị Điện Biên Phủ, hệ thống bản đồ phân vùng rủi ro lũ quét, sạt lở đất…
Qua đó giúp các cơ quan, ban, ngành của tỉnh tra cứu các thông tin về khí tượng thủy văn, cảnh báo mức độ ngập lụt để sớm có kế hoạch xây dựng các phương án vận hành, điều tiết hồ chứa, giúp hạn chế rủi ro lũ lụt đến người dân và cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, công cụ DSS tính toán được những tác động ngập lụt trong quy hoạch đô thị với những kịch bản gia tăng lượng mưa lũ do biến đổi khí hậu tới năm 2050, từ đó giúp tỉnh có định hướng trong công tác quy hoạch phát triển đô thị, xây dựng các dự án trong vùng có nguy cơ để chống chịu với thiên tai và biến đổi khí hậu.
Chia sẻ với các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua, Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu tác động tiêu cực đối với phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.
Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan - đối mặt với nguy cơ cao trước các thiên tai bão, lũ, sạt lở đất.
EU vui mừng khi đã đảm bảo được khoản 13,9 triệu Euro viện trợ không hoàn lại thông qua quỹ Quản lý nước và tài nguyên thiên nhiên (WARM), đồng thời là bước đệm để tăng tiềm năng vay vốn từ AFD lên tới 12.000 tỷ đồng trong khuôn khổ của quỹ.
Đây là một minh chứng rõ ràng về cam kết của đội ngũ châu Âu trong việc hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi xanh bền vững, tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu - ông Julien Guerrier khẳng định.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho biết các địa phương luôn tích cực tham gia các dự án hợp tác, đây một yếu tố quan trọng đảm bảo hiệu quả, thành công của các dự án đang và sẽ được triển khai theo các phương pháp tiếp cận mới, nhằm chuẩn bị, ứng phó tốt hơn với các hiện tượng khí hậu cực đoan. Đại sứ cho rằng cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ, liên tục, hiệu quả giữa các cơ quan, ban, ngành liên quan ở Trung ương và địa phương, nhằm nhân rộng, đảm bảo tính bền vững của các cách tiếp cận, công cụ, giải pháp mới, mang tính đột phá, góp phần tăng cường khả năng chống chịu cho các đô thị Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, thiên tai cực đoan, dị thường đã, đang và sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, bất thường hơn dưới tác động của biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, các đô thị ở Việt Nam còn phải đối mặt với nguy cơ ngập lụt do nhiều yếu tố khác như đô thị hóa trên vùng trũng thấp, một diện tích lớn không gian trữ và thấm nước tự nhiên bị bê tông hóa; hệ thống thoát nước thiếu tính tổng thể, chưa đồng bộ, công tác duy tu, bảo dưỡng còn hạn chế.
Những thách thức này đặt ra nhu cầu cấp thiết phải đổi mới cách tiếp cận mang tính tổng thể, xây dựng và triển khai những công cụ mới, có tính đột phá nhằm hỗ trợ công tác quản lý rủi ro ngập lụt đô thị, quy hoạch phát triển đô thị theo hướng tích hợp, có hệ thống, có khả năng chống chịu.
Một số kết quả, kinh nghiệm cũng được các đại biểu chia sẻ như cách tiếp cận, các mô hình, công cụ mới được xây dựng để hỗ trợ cải thiện hiệu quả công tác quản lý rủi ro ngập lụt và quy hoạch đô thị tích hợp có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Dịp này, Đại sứ EU Julien Guerrier và Giám đốc AFD tại Việt Nam Hervé Conan đã ký kết văn bản bổ sung vốn cho quỹ WARM./.