EU thực hiện chiến lược nào để đi đến thỏa thuận thương mại với Mỹ?
Mỹ tuyên bố cứng rắn với kế hoạch áp thuế quan cao hơn đối với Liên minh châu Âu (EU) vào đầu tháng tới, nhằm gia tăng áp lực lên khối này để đạt được thỏa thuận.
Thực hiện chiến lược 4 phần
Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến hạn chót ngày 1/8 mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra, EU vẫn đang tiếp tục đàm phán với các quan chức thương mại Mỹ, đồng thời đề ra một loạt các biện pháp ứng phó trong trường hợp hai bên không đạt thỏa thuận.
Tổng thống Trump đang yêu cầu mức thuế tối thiểu từ 15 - 20% đối với hàng nhập khẩu từ EU, tờ Financial Times đưa tin vào chiều ngày 18/7.

Trong bức thư mà Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen vào tuần trước, Washington tuyên bố sẽ bắt đầu áp thuế quan 30% đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU vào ngày 1/8.
Trước đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết EU vẫn "rất mong muốn" đàm phán một thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Tổng thống Trump, người có chiến thuật chiến tranh thương mại khiến ông bị gán biệt danh "TACO" (tạm dịch: Trump luôn chùn bước vào phút chót), sẽ không chấp nhận việc trì hoãn hạn chót ngày 1/8, Thư ký báo chí Nhà Trắng khẳng định hôm 17/7.
TACO ám chỉ đến chiến thuật đánh thuế của Tổng thống Trump, trước tiên là công bố mức thuế quan gây sốc, gia tăng sức ép buộc các đối tác thương mại phải nhượng bộ, rồi hoãn áp dụng hoặc sau đó hạ thấp thuế quan.
Ông Michal Baranowski, Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế và Công nghệ Ba Lan, cho biết, trong bối cảnh các nỗ lực tiếp tục hướng tới một thỏa thuận thương mại với Mỹ, phần đầu tiên trong chiến lược của EU là đàm phán với các quan chức Mỹ một cách thiện chí.
"Phần thứ hai là chuẩn bị các biện pháp ứng phó trong trường hợp chúng tôi không [đạt được thỏa thuận]. Và chúng tôi có các biện pháp ứng phó đối với cả thuế thép và nhôm cũng như gói ban đầu trị giá 72 tỷ EUR đối phó với cái gọi là thuế quan có đi có lại (của Mỹ - BTV)", ông Baranowski phát biểu trên đài CNBC.
"Điểm thứ ba, chúng tôi đang lưu tâm đến các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Mỹ, không nhất thiết phải phối hợp mà để nắm bắt tình hình của các quốc gia khác, bởi vì các quốc gia khác đang đàm phán với Mỹ cũng đang ở cùng một chiến tuyến", ông nói thêm.
"Thứ tư, chúng tôi thực sự đang tăng cường khả năng cạnh tranh của châu Âu", Thứ trưởng Baranowski nhấn mạnh.
Ông cho rằng, EU nắm giữ "mối quan hệ kinh tế quan trọng nhất" đối với Mỹ, đồng thời lưu ý rằng, Washington "có nhiều lợi ích hoặc mất mát từ mối quan hệ này với châu Âu".
Những nhận định trên của Thứ trưởng Baranowski được đưa ra ngay sau khi nhà đàm phán thương mại hàng đầu của EU, Maros Sefcovic, đến Washington để tiếp tục đàm phán thương mại.
Viễn cảnh Mỹ áp thuế quan mới là một đòn giáng mạnh vào EU. Thật vậy, trong thời gian qua, EU đã nỗ lực tìm kiếm ít nhất một thỏa thuận sơ bộ để tránh thuế quan mới toàn diện mà Mỹ áp lên hàng xuất khẩu của họ sang Mỹ.
Tuy nhiên, EU sau cùng đã không tránh được một bức thư đe dọa áp thuế mới từ Tổng thống Trump, mặc dù cả hai bên gần đây đã báo hiệu có tiến triển trong các cuộc đàm phán sau khi ông Trump rút lại lời đe dọa áp đặt mức thuế 50% đối với khối này.
Cụ thể, trong thư gửi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Tổng thống Trump hôm 12/7 tuyên bố Mỹ sẽ áp thuế quan 30% đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU từ ngày 1/8.
Theo số liệu của EU, Mỹ và EU có mối quan hệ thương mại và đầu tư song phương lớn nhất thế giới, chiếm gần 30% thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu và chiếm 43% GDP toàn cầu.
Chỉ riêng năm ngoái, kim ngạch thương mại EU - Mỹ đạt 1.680 tỷ EUR (tương đương 1.960 tỷ USD), tương ứng với giá trị giao thương mỗi ngày đạt khoảng 4,6 tỷ EUR.
Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích EU vì những gì ông cho là mối quan hệ thương mại không công bằng và ông thường viện dẫn thặng dư thương mại của EU với Mỹ.
Cắt giảm thuế ô tô trả đũa?
Trong nỗ lực đạt được thỏa thuận thương mại khung với Mỹ, EU được cho là đang lên kế hoạch đề nghị Mỹ giảm thuế quan trả đũa đối với ô tô.
Động thái này sẽ chứng kiến EU giảm 10% thuế quan đối với ô tô nhập khẩu từ Mỹ nếu chính quyền Tổng thống Trump chấp nhận giảm thuế quan của mình đối với lĩnh vực này xuống dưới 20%, tờ Financial Times đưa tin.
Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp của EU, hôm 18/7 đã từ chối bình luận về thông tin trên.
Tổng thống Trump đã áp thuế quan 25% đối với ô tô và phụ tùng nhập khẩu vào Mỹ kể từ đầu năm nay, khiến các nhà sản xuất ô tô châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề.
Đơn cử, Volvo Cars của Thụy Điển tuần này đã công bố lợi nhuận hoạt động trong quý II/2025 giảm mạnh, đồng thời nhấn mạnh kết quả này phản ánh một môi trường kinh doanh đầy thách thức đang diễn ra đối với ngành ô tô.
Volvo, được coi là một trong những nhà sản xuất ô tô châu Âu chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ thuế quan của Mỹ, là nhà sản xuất ô tô khu vực đầu tiên công bố kết quả kinh doanh trong mùa báo cáo tài chính được dự đoán sẽ rất khó khăn.