Friedrich Engels - nhà tư tưởng, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân

Friedrich Engels là nhà lý luận chính trị, một triết gia và nhà khoa học người Đức thế kỷ 19. Engels đã cùng với Karl Marx sáng lập Học thuyết Marx-học thuyết khoa học, cách mạng của giai cấp công nhân (GCCN) và nhân dân lao động trên thế giới. Cùng với Marx, Engels không chỉ phát hiện ra sứ mệnh lịch sử của GCCN mà còn góp phần vạch ra vai trò của đội tiền phong (chính đảng) của GCCN. Đây cũng chính là phát hiện vĩ đại thứ ba trong Học thuyết Marx.

Từ sự phân tích một cách toàn diện, khoa học những điều kiện kinh tế của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa (TBCN) cùng với những điều kiện chính trị-xã hội, quan hệ giai cấp trong xã hội tư bản, Marx và Engels khẳng định GCCN là giai cấp duy nhất có khả năng lãnh đạo các tầng lớp nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột trong đấu tranh, từng bước xóa bỏ CNTB và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội (CNXH). Marx và Engels nêu rõ: “Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản, thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩn của bản thân nền đại công nghiệp”(1). Hai ông còn viết: “Giai cấp tư sản không những đã rèn vũ khí để giết nó, nó còn sinh ra những người sử dụng vũ khí ấy-những người công nhân hiện đại, những người vô sản”(2).

Tuy nhiên, GCCN muốn thực hiện sứ mệnh lịch sử, trước hết phải thông qua chính đảng tiên phong để giác ngộ ý thức chính trị cho giai cấp, tập hợp lực lượng cách mạng, không để các thế lực thù địch phân hóa trong nội bộ giai cấp và đoàn kết quốc tế của công dân. Chính Marx và Engels là người đầu tiên đề ra tư tưởng Đảng Cộng sản là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa xã hội khoa học với phong trào công nhân. V.I. Lênin từng viết: “Việc hướng CNXH đi đến chỗ kết hợp với phong trào công nhân, đó là công lao chủ yếu của Karl Marx và Friedrich Engels. Hai ông đã tạo ra một lý luận cách mạng, lý luận giải thích tính tất yếu của sự kết hợp ấy và đề ra nhiệm vụ cho những người XHCN là phải tổ chức cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản”(3)...

Là một nhà lý luận cách mạng thiên tài, Engels có cống hiến kiệt xuất đối với việc hình thành, phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Cùng với các công trình viết chung với Marx, ông còn có hàng loạt tác phẩm lớn, như: “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước”; “Biện chứng tự nhiên”; “Chống Duhring”, “Vấn đề nông dân ở Pháp và Đức”; “Cách mạng và phản cách mạng ở Đức”... Nhiều tác phẩm của Engels phản ánh sinh động thực tiễn, minh chứng cho mối quan hệ gắn bó hữu cơ giữa lý luận marxist với thực tiễn đấu tranh giai cấp của GCCN.

Vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Marx-Lenin, trong đó có những tư tưởng thiên tài của Engels, Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước quá độ lên CNXH và đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước theo con đường XHCN. Trong công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta đã nhận thức sáng tỏ hơn sứ mệnh lịch sử của GCCN, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng nền dân chủ XHCN với nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, hướng đến xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Từ một quốc gia đói nghèo, kém phát triển, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình. Quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế...

Engels sinh ra cách đây 200 năm và ông đã mất 125 năm về trước. Cuộc đời và hoạt động của ông gói trọn trong thế kỷ 19-thế kỷ bão táp của cuộc đấu tranh của GCCN đòi công lý, công bằng và cải thiện đời sống. Tuy nhiên, những tư tưởng và thành tựu khoa học của ông vẫn còn nguyên vẹn giá trị và tính thời sự đối với thời đại ngày nay cũng như đối với công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng XHCN mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã khởi xướng, tổ chức và lãnh đạo.

YÊN BÌNH

(1) Karl Marx và Friedrich Engels toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr 610.

(2) Karl Marx và Friedrich Engels toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr 605.

(3) Vladimir I. Lênin toàn tập, Tập 4, Nxb Tiến bộ, Moscow, 1978, tr.308.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/friedrich-engels-nha-tu-tuong-lanh-tu-vi-dai-cua-giai-cap-cong-nhan-645050