Gần 10 tấn lợn bị tiêu hủy ở Thanh Hóa vì dịch tái bùng phát
Dịch tả lợn châu Phi đang âm thầm quay trở lại một số địa phương ở Thanh Hóa, khiến hàng trăm con lợn bị tiêu hủy trong chưa đầy ba tuần. Trong khi cơ quan chuyên môn căng mình khống chế dịch, thì tình trạng vứt xác lợn chết ra môi trường vẫn âm ỉ, đe dọa bùng phát dịch bệnh trên diện rộng nếu không được xử lý nghiêm.
Kể từ cuối tháng 6.2025 đến nay, Thanh Hóa đã ghi nhận những dấu hiệu đáng lo ngại về sự tái phát của dịch tả lợn châu Phi, chủ yếu tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở nông thôn.
Theo thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tuần (từ ngày 30.6 đến 17.7), dịch đã xảy ra tại 18 hộ thuộc 11 thôn của 8 xã, phường, bao gồm Yên Thọ, Sao Vàng, Thọ Long, Quang Trung, Trường Văn, Thạch Bình, Như Thanh và Đào Duy Từ. Tổng cộng đã có 210 con lợn, tương ứng gần 10 tấn thịt bị tiêu hủy, với hy vọng chặn đứng được nguồn lây trong cộng đồng.

Lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa tiến hành tiêu hủy lợn mắc dịch tả lợn châu Phi theo đúng quy trình phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Ảnh: Quốc Toản
Trong đó, xã Thạch Bình trở thành điểm nóng khi có tới 93 con lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy, chiếm gần một nửa tổng số lợn chết trên toàn tỉnh. Tại phường Đào Duy Từ, dịch bệnh bùng phát từ ngày 3.7 đã khiến hộ chăn nuôi ông Lê Đăng Huấn phải tiêu hủy toàn bộ 23 con lợn.
Xã Như Thanh ghi nhận ổ dịch vào ngày 5.7 với 18 con lợn bị tiêu hủy. Các địa phương còn lại như Trường Văn, Thọ Long, Quang Trung, Sao Vàng và Yên Thọ cũng ghi nhận các ổ dịch nhỏ lẻ, với số lượng dao động từ 2 đến 37 con.
Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các ổ dịch lần này chủ yếu xuất hiện tại những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, chưa thực hiện đầy đủ biện pháp an toàn sinh học.
Chuồng trại nhiều nơi không có rào chắn, không cách ly với khu sinh hoạt. Một số hộ thậm chí còn có khu vực giết mổ, sơ chế thực phẩm nằm sát nơi nuôi nhốt, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát tán nhanh chóng. “Đó là những ‘lỗ hổng’ cố hữu mà nếu không thay đổi thói quen chăn nuôi, dịch bệnh rất khó kiểm soát lâu dài,” đại diện Chi cục nhấn mạnh.
Trước diễn biến phức tạp, Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp dập dịch theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn chuyên môn từ Bộ.
Trong đó, ưu tiên số một là xử lý triệt để các ổ dịch đã phát hiện, tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc và chết theo đúng quy trình thú y; tăng cường vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại khu vực chuồng trại, vùng dịch và vùng đệm; kiểm soát chặt hoạt động giết mổ, vận chuyển và buôn bán lợn trên địa bàn.
Không chỉ dừng ở khâu kỹ thuật, các địa phương cũng đẩy mạnh truyền thông phòng chống dịch, khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác và nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Loa truyền thanh cơ sở, các tờ rơi, bài viết trên mạng xã hội… đều được huy động để tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi, nhất là trong bối cảnh thời tiết nồm ẩm thuận lợi cho virus tồn tại và lây lan.
Đồng thời, ngành nông nghiệp khuyến khích các hộ dân chuyển đổi dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô hợp lý, đảm bảo yêu cầu an toàn sinh học.
Một vấn đề khác khiến ngành chức năng đau đầu là tình trạng vứt xác lợn chết ra sông, suối, kênh mương, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước và môi trường. Trước thực trạng đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị chuyên đề để bàn giải pháp ngăn chặn tình trạng này.
Theo chỉ đạo tại cuộc họp, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Thủy lợi và các công ty khai thác công trình thủy lợi phải phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, phường để kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp cố tình vứt xác động vật chết ra môi trường.
Đặc biệt, UBND các xã được yêu cầu chỉ đạo lực lượng công an xã vào cuộc điều tra, xác minh và xử lý nghiêm theo pháp luật những trường hợp vi phạm, góp phần răn đe và giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Lực lượng chức năng cũng triển khai thu gom, vớt xác động vật chết trôi nổi trên kênh mương, hồ chứa để tiêu hủy theo đúng quy định thú y và bảo vệ môi trường.
Việc phối hợp chặt chẽ giữa ngành chuyên môn và chính quyền địa phương được coi là yếu tố then chốt trong việc dập dịch hiệu quả. Trong bối cảnh dịch bệnh chưa có vaccine phòng, giải pháp chủ lực vẫn là phát hiện sớm, xử lý gọn, truyền thông đúng, giám sát chặt.