Gần 2 thập kỷ chờ đợi mới được hưởng hạnh phúc bế con
Lấy chồng khi vừa tròn 25 tuổi, nhưng tới khi ngoại tứ tuần chị Hòa (Hà Nội) mới được hưởng hạnh phúc làm mẹ. Gần hai thập kỷ mới được bế con trên tay, không niềm hạnh phúc nào hơn với người phụ nữ này.
Vợ chồng chị Nguyễn Thanh Hòa (sinh năm 1978, ở Hà Nội) không nhớ đã đi bao nhiêu bệnh viện từ nam ra bắc, nghe bao nhiêu cuộc tư vấn, gặp gỡ bao nhiêu thầy thuốc và bao lần thấp thỏm chờ đợi rồi lại thất vọng.
Kết hôn hơn 2 năm nhưng tin vui chưa đến, vợ chồng chị Hòa đi khám, biết tin chị không thể có thai tự nhiên do tắc vòi trứng sau khi mổ u nang buồng trứng. Hành trình “tìm con” nhờ phương pháp hỗ trợ sinh sản bắt đầu với nhiều đau đớn, mệt mỏi, cộng với áp lực về kinh tế, nước mắt và niềm tin cứ trôi đi.
Có đợt, chị xin tạm nghỉ làm vài tháng, thuê nhà trọ gần bệnh viện ở TPHCM để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Chấp nhận xa gia đình với bao hi vọng nhưng rồi không được, chị chỉ biết khóc. Lại có lần que thử thai hiện lên 2 vạch nhưng niềm vui vẻn vẹn vài ngày, em bé không ở lại...
Niềm may mắn lớn nhất với chị Hòa là suốt 17 năm tìm kiếm con, gia đình chồng chưa từng một lời nhắc nhở mà chỉ động viên đồng hành. Chị coi đó là động lực lớn để lạc quan bước tiếp.
Năm 2018, trong lần đến thăm bạn tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, biết ở đây có trung tâm hỗ trợ sinh sản, vợ chồng chị quyết định thử vận may lần cuối. Năm lần thất bại trước đó khiến hai vợ chồng không dám đặt nhiều hi vọng.
“Đêm 30 Tết dương lịch năm 2019, tôi tính chỉ thử thai ‘cho vui’ để yên tâm đi chơi, không ngờ que thử hiện lên 2 vạch. Hai vợ chồng nghẹn ngào vì ngay lần chuyển phôi đầu tiên đã đậu”, chị kể.
Tin vui không được thông báo rộng rãi vì chị biết hành trình mang thai còn nhiều khó khăn và "dài kinh khủng”, luôn trong tình trạng lo lắng. 3 lần nhập viện trong thai kỳ dù chỉ để theo dõi cũng khiến chị căng thẳng vô cùng.
Mỗi lần khám, bác sĩ đều nhắc nhở chị vì mang thai đôi khi đã lớn tuổi nên có nhiều nguy cơ tiền sản giật, sinh non... Do đó, mẹ và con đều không được tăng nhiều cân. Khát khao được làm mẹ khiến chị Hòa giữ gìn từng bước, "không nghĩ mình lại bản lĩnh được thế". Lên bàn mổ, chị chỉ tăng 10kg, hai bé Đan Linh (tên ở nhà là Mia) và Gia Huy (Leo) chào đời khỏe mạnh, mỗi bé nặng 2,3kg.
“Gần hai thập kỷ mới được bế con trên tay, không niềm hạnh phúc nào hơn”, chị Hòa nói khi đến tham dự kỷ niệm 65 năm Bộ môn Mô - Phôi, 10 năm Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) vào trung tuần tháng 12.
Đan Linh và Gia Huy là hai trong số khoảng 7.000 em bé chào đời khỏe mạnh nhờ sự hỗ trợ cho hàng nghìn gia đình của Trung tâm này sau 10 năm hoạt động. PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm, chia sẻ những em bé IVF ở đây không chỉ là con của bố mẹ mà còn là con của các y bác sĩ đã đồng hành, nỗ lực cùng gia đình trong hành trình gian khó.
Việt Nam hiện có khoảng 60 trung tâm hỗ trợ sinh sản, hơn 150.000 trẻ em được sinh ra từ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, chủ yếu là IVF. Trong đó, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép Đại học Y Hà Nội được đánh giá thuộc top đơn vị có tỷ lệ thành công cao, triển khai thành công nhiều kỹ thuật hỗ trợ khó và hiện đại.
Bên cạnh đó, ngân hàng tinh trùng tại IVF Đại học Y Hà Nội là một trong những "kho lưu trữ" lớn nhất cả nước với chất lượng tốt. Hiện ngân hàng "đặc biệt" này đang lưu trữ hàng trăm mẫu bao gồm mẫu tinh trùng hiến tặng (chủ yếu là sinh viên đại học y) và mẫu tinh trùng tự thân (nam giới mắc ung thư trước khi xạ trị; mới mắc quai bị; gặp tai nạn hoặc muốn chủ động lưu trữ khi còn trẻ để đảm bảo chất lượng...).
Mẫu tinh trùng hiến tặng là cứu cánh cho các cặp vợ chồng hiếm muộn khi người chồng không thể có tinh trùng. Theo PGS Hà, đơn vị không có quy định về đổi mẫu để đảm bảo chất lượng tinh trùng trong ngân hàng được kiểm soát tốt.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/gan-2-thap-ky-cho-doi-moi-duoc-be-con-2354981.html