Gắn kết cộng đồng từ bản sắc văn hóa
Tiếng đàn Tính, lời Then của người Tày, làn điệu Soọng cô của người Sán Dìu cùng nhiều phong tục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh đang được các nghệ nhân, người cao tuổi gìn giữ và phát huy. Không chỉ bảo tồn bản sắc văn hóa, họ còn góp phần củng cố sự đồng thuận, tăng cường gắn kết cộng đồng tại các xã dự kiến sáp nhập theo Nghị quyết 10 của HĐND tỉnh.
Kết nối từ bản sắc, phát triển từ đồng thuận
Tại huyện Hàm Yên, bốn đơn vị hành chính gồm: xã Nhân Mục, Bằng Cốc, Tân Thành và thị trấn Tân Yên dự kiến được sáp nhập để thành lập xã mới mang tên Hàm Yên theo phương án được thông qua tại Nghị quyết 10 của HĐND tỉnh. Đây là địa bàn có đông đồng bào dân tộc Tày sinh sống, nơi mà tiếng đàn Tính và lời Then đã trở thành một phần hồn cốt trong đời sống cộng đồng.
Ngay khi có thông tin về việc sáp nhập, hai câu lạc bộ hát Then, đàn Tính ở xã Nhân Mục và Bằng Cốc đã chủ động tổ chức các buổi giao lưu định kỳ, tạo sân chơi chung cho hội viên. Các nghệ nhân dân gian, người cao tuổi, trong đó có ông Nguyễn Văn Hòe, Chủ nhiệm CLB hát Then, đàn Tính xã Nhân Mục và bà Hoàng Thị Chanh, Chủ nhiệm CLB xã Bằng Cốc là những người đi đầu kết nối lực lượng nòng cốt.
“Chúng tôi không chỉ hát để giữ gìn văn hóa, mà để người dân hai xã hiểu nhau hơn. Văn hóa chính là cái dễ làm người ta gần lại với nhau nhất”, - ông Nguyễn Văn Hòe, Chủ nhiệm CLB hát Then, đàn Tính xã Nhân Mục chia sẻ. Còn bà Hoàng Thị Chanh, Chủ nhiệm CLB xã Bằng Cốc thì cho rằng: “Sáp nhập xã khi người dân cùng hát, cùng vui, cùng tự hào về bản sắc dân tộc, thì khoảng cách hành chính không còn là rào cản nữa”.

Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính xã Nhân Mục giao lưu với Câu lạc bộ xã Bằng Cốc (Hàm Yên).
Những tiếng đàn Tính ngân vang, những lời Then tha thiết sẽ vượt qua địa giới cũ, kết nối cộng đồng, giúp người dân các thôn, bản cảm thấy thân quen hơn khi chuẩn bị trở thành một xã mới. Không còn tâm lý “xã mình, xã người”, thay vào đó là những cái bắt tay, những cái gật đầu hứa hẹn cùng xây dựng một Hàm Yên giàu văn hóa, mạnh về đoàn kết.
Gắn truyền thống với đổi mới
Tại xã Ninh Lai (Sơn Dương), vào những ngày cuối tuần, người dân thôn Cây Đa 1 lại nghe vang lên những lời ca mộc mạc, thiết tha của làn điệu Soọng cô - một hình thức hát dân ca giao duyên truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Người dẫn dắt lớp học không ai khác chính là nghệ nhân ưu tú Đỗ Thị Man, năm nay đã 64 tuổi, một trong những người cao tuổi gắn bó trọn đời với việc gìn giữ tiếng hát bản sắc dân tộc.
Lớp học không chỉ dành cho thiếu niên, phụ nữ trẻ, mà còn thu hút cả những bà, những chị từ các xã lân cận tới học, bà Man chia sẻ: “Tôi muốn sau này mọi người có thể hát cùng nhau làn điệu Soọng cô. Sáp nhập xã mới theo chủ trương chung, chúng tôi không ai mất gì cả, chỉ thêm tình làng nghĩa xóm, thêm hiểu biết về nhau”.
Theo Nghị quyết 10, xã Ninh Lai sẽ sáp nhập cùng hai xã lân cận là Thiện Kế và Sơn Nam để thành lập xã mới có tên là Sơn Thủy. Cả ba xã đều có điểm chung là có đông đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống (chiếm trên 70%), với nhiều nét văn hóa tương đồng. Tuy nhiên, theo người dân địa phương, mỗi xã vẫn có những khác biệt nhất định trong phong cách hát, cách tổ chức lễ hội, phong tục tín ngưỡng. Việc sáp nhập, vì vậy, không chỉ là thay đổi địa giới mà còn là quá trình dung hòa bản sắc trong đời sống cộng đồng.
Đồng chí Hoàng Văn Cảnh, Bí thư Đảng ủy xã Ninh Lai ghi nhận: “Những năm qua, bà Đỗ Thị Man và nhiều nghệ nhân, người cao tuổi trong xã đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Sán Dìu. Đặc biệt, việc duy trì lớp học hát Soọng cô là một mô hình hay, có ý nghĩa lớn trong giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, đồng thời tạo sự gắn kết trong cộng đồng trước những thay đổi hành chính sắp tới.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện để các nghệ nhân, người cao tuổi có thêm không gian, cơ hội lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc. Việc sáp nhập ba xã Ninh Lai, Thiện Kế và Sơn Nam thành xã mới Sơn Thủy là bước đi phù hợp với chủ trương của tỉnh và rất thuận lợi khi cả ba xã đều có đặc điểm chung với đa số là đồng bào Sán Dìu. Trên cơ sở đó, các hoạt động bảo tồn văn hóa được mở rộng không gian phát triển, góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, cùng xây dựng và phát triển đơn vị hành chính mới theo hướng phục vụ nhân dân, hướng về cơ sở”.
Trong tiến trình sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, vai trò của những nghệ nhân, người cao tuổi ngày càng thể hiện rõ là “cầu nối” văn hóa, người giữ gìn phong tục, đồng thời tạo nên sự đồng thuận từ cơ sở. Ở Nhân Mục, Bằng Cốc, Tân Thành, Tân Yên hay Ninh Lai, Sơn Nam, Thiện Kế… tiếng đàn Tính, lời Then, khúc Soọng cô đang tiếp tục vang lên, bền bỉ, sâu lắng, bền chặt và đầy nhân văn.
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/gan-ket-cong-dong-tu-ban-sac-van-hoa-211757.html