Gắn sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường

Với sự hỗ trợ của tỉnh và các ngành chức năng, trong những năm qua, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đều tăng trưởng khá, đóng góp vào ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động. Điều đáng ghi nhận là để phát triển công nghiệp bền vững, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công thương đã ưu tiên hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện mô hình sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.

 Mô hình sản xuất bánh ướt làng Phương Lang, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng được hỗ trợ máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Ảnh: ĐV

Mô hình sản xuất bánh ướt làng Phương Lang, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng được hỗ trợ máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Ảnh: ĐV

Năm 2014, Công ty TNHH Gỗ Quảng Trị đã đầu tư hơn 10 tỉ đồng xây dựng Nhà máy sản xuất gỗ ghép thanh và các sản phẩm gỗ từ rừng trồng tại Cụm Công nghiệp cầu Lòn, thị xã Quảng Trị, cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất các sản phẩm dân dụng và xây dựng. Trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm công ty sản xuất đạt sản lượng 1.000 m3 thành phẩm, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 50 lao động. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà quá trình sản xuất còn gặp một số bất cập. Thấy rõ điều này, Sở Công thương Quảng Trị đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Đà Nẵng khảo sát thực tế, triển khai các hoạt động hỗ trợ, giúp cho doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Ông Phan Thanh Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Gỗ Quảng Trị (Cụm Công nghiệp Cầu Lòn, thị xã Quảng Trị) cho biết: “Được sự hỗ trợ của Sở Công thương, chúng tôi cảm thấy dự án sản xuất sạch hơn gắn với bảo vệ môi trường phù hợp, cần thiết với công ty. Qua đó đã giúp doanh nghiệp chúng tôi cải thiện sản xuất, đầu tư máy móc đúng hơn để nâng cao năng suất sản xuất, tạo môi trường làm việc sạch cho công nhân cũng như doanh nghiệp”.

Trong những năm gần đây, với những cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư vốn, mua sắm máy móc, thiết bị, mở cơ sở sản xuất hoặc xây dựng các nhà máy sản xuất, chế biến các loại nông- lâm- thủy sản. Để nâng cao giá trị gia tăng, đặc biệt là gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, Sở Công thương đã mở các lớp tập huấn kiến thức sản xuất sạch. Bên cạnh đó, tranh thủ các nguồn vốn, hỗ trợ kinh phí cũng như cử cán bộ về tư vấn, hướng dẫn cho các đơn vị từng bước cải tiến máy móc, thiết bị, thực hiện các biện pháp hợp lí hóa quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên vật liệu, giảm phát thải, giảm chi phí, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nhân công, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện hiện trạng về môi trường và điều kiện làm việc của người lao động.

Phó Giám đốc Sở Công thương Lê Tiến Dũng cho biết thêm: “Thời gian qua sở đã tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông- lâm- thủy sản, nhất là hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường trong quá trình chế biến. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có thêm các chương trình đánh giá sản xuất sạch hơn để giúp doanh nghiệp hợp lí hóa quy trình sản xuất. Đồng thời đưa ra các lợi ích về các vấn đề liên quan đến nguyên vật liệu, năng lượng…”.

Mặc dù đã đạt được những thành công ban đầu, tuy nhiên theo khảo sát của Sở Công thương, hiện nay mới chỉ có 40 đến 50% cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của việc sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, trong thời gian tới cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho doanh nghiệp thấy rõ lợi ích của mô hình sản xuất sạch hơn, sở sẽ tiếp tục hỗ trợ để các đơn vị tiếp cận và triển khai các giải pháp, áp dụng sản xuất sạch hơn, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa bảo vệ môi trường.

Hiếu Giang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=145524