Gặp lại 'Người Châu Yên em bắn máy bay' trên quê hương Sơn La

Được mệnh danh là những 'thần sấm', 'con ma', nhưng trong một lần đi gây tội ác trên bầu trời Sơn La, chiếc máy bay F105 của đế quốc Mỹ đã phải đền tội bởi những khẩu súng trường của Tiểu đội nữ dân quân huyện Yên Châu. Gần 60 năm qua, câu chuyện về những nữ dân quân năm xưa đã trở thành niềm tự hào của bao thế hệ phụ nữ các dân tộc Tây Bắc.

“Nghe con suối róc rách đang reo vui đón mừng thắng lợi này/ Bản làng em vừa rồi lập công bắn rơi máy bay Mỹ/ Dân quân Châu Yên ta với súng trường/ Nhằm thẳng vào mặt kẻ thù, bắn thần sấm phải rơi.../ Con gái trắng nõn những búp tay/ Em có dám bắn máy bay/ Bắn ngay! Có cây súng ta vững thêm cánh tay...”.

Giai điệu tươi vui, rộn ràng của ca khúc “Người Châu Yên em bắn máy bay” của nhạc sĩ Trọng Loan như càng thôi thúc tôi về xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La tìm gặp những cô gái “trắng nõn những búp tay” đã lập nên chiến công bắn rơi máy bay F105 của giặc Mỹ gần 60 năm trước.

 Các nữ chiến sĩ dân quân Yên Châu năm xưa kể về trận đánh bảo vệ cầu Tà Vài (Yên Châu, Sơn La) cho thế hệ trẻ. Ảnh: THANH HUYỀN

Các nữ chiến sĩ dân quân Yên Châu năm xưa kể về trận đánh bảo vệ cầu Tà Vài (Yên Châu, Sơn La) cho thế hệ trẻ. Ảnh: THANH HUYỀN

Chiều muộn một ngày cuối tháng 9, chúng tôi có dịp đến thăm bà Quàng Thị Lói, bản Tà Vài, xã Chiềng Hặc, một trong 10 chiến sĩ trong Tiểu đội nữ dân quân Yên Châu năm xưa, cũng là thành viên trẻ nhất tiểu đội, khi tham gia dân quân và cùng đồng đội bắn rơi máy bay Mỹ, bà Lói mới 15 tuổi. Trong căn nhà sàn đơn sơ, khi nghe chúng tôi nhắc đến trận đối đầu với giặc Mỹ bảo vệ cầu Tà Vài, bà Lói kể rành mạch: “Do ít tuổi nhất, tôi được các chị ưu tiên nhiệm vụ cảnh giới và vận chuyển đạn. Lúc ấy, thú thực tôi cũng muốn được trực tiếp bắn vào máy bay Mỹ, nhưng sức yếu sợ không giữ nổi súng”.

Bà Lò Thị Lả, Tiểu đội trưởng Tiểu đội nữ dân quân Yên Châu năm xưa kể lại giây phút bắn rơi máy bay Mỹ. Ảnh: QUANG HUY

Bà Lò Thị Lả, Tiểu đội trưởng Tiểu đội nữ dân quân Yên Châu năm xưa kể lại giây phút bắn rơi máy bay Mỹ. Ảnh: QUANG HUY

- Các bà học cách bắn máy bay như thế nào, chắc khó hơn cầm cuốc, cầm xẻng, phát nương làm rẫy? Tôi mở đầu cuộc chuyện trò với các nữ chiến sĩ dân quân người dân tộc Thái can trường, quả cảm năm nào.

Nghe chúng tôi nhắc đến chuyện xưa, đôi mắt mờ đục của bà Lò Thị Lả, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội nữ dân quân huyện Yên Châu đầu những năm 60 của thế kỷ trước bỗng sáng lên lấp lánh, giọng rổn rảng:

- Cũng không khó lắm đâu, mất một thời gian để quen tay nắm, chừng 2 tuần thôi. Rồi cứ thế là ngắm bắn thôi.

- Các bà còn nhớ diễn biến trận đánh đó không ạ? Tôi gợi chuyện.

- Có chứ. Gần 60 năm rồi đấy, nhưng chúng tôi vẫn nhớ khoảnh khắc máy bay Mỹ bị trúng đạn, chao đảo rồi lao xuống mặt đất. Bà Lả quả quyết.

Theo lời kể của bà Lò Thị Lả, tiểu đội dân quân tóc dài của bà có 10 cán bộ, chiến sĩ, được biên chế 10 khẩu súng trường, có nhiệm vụ bảo vệ cầu Tà Vài (xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu). Cây cầu do Ty Giao thông Sơn La xây dựng năm 1961, dài 57m, rộng 6,5m, bắc qua suối Sập, xã Chiềng Hặc. Địa hình nơi đây hiểm trở, giao thông bị chia cắt bởi núi cao, suối sâu với nhiều tảng đá lớn nhỏ dựng thành vách hai bên bờ. Vì vậy cây cầu là huyết mạch giao thông độc đạo, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chỉ tính giai đoạn 1965 - 1968, cầu Tà Vài đã phải hứng chịu tới 46 trận bom đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ với 1.272 quả bom các loại.

Dù đã tuổi cao, sức yếu nhưng nụ cười của bà Lò Thị Lả vẫn toát lên khí phách kiên cường, đầy nghị lực của người nữ dân quân từng đối mặt trực diện với những “thần sấm”, “con ma” của đế quốc Mỹ xâm lược. Cùng chúng tôi đến nơi ghi dấu chiến công bắn rơi máy bay Mỹ tại Di tích lịch sử cầu Tà Vài, xã Chiềng Hặc, bà Lả không khỏi bồi hồi:

- Ngày ấy, thanh niên trong bản xung phong đánh giặc hết cả. Thấy đàn ông ra trận, chúng tôi cũng hăng hái cầm súng. Tiểu đội nữ dân quân chúng tôi độ tuổi từ 16 đến 18, còn rất trẻ, nhưng hăng hái lắm. Mỗi chị em được cấp một khẩu súng trường, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cầu Tà Vài.

 Bà Lò Thị Hổn (ngoài cùng bên trái) và bà Quàng Thị Lói kể chuyện bắn máy bay Mỹ với tác giả. Ảnh: QUANG HUY

Bà Lò Thị Hổn (ngoài cùng bên trái) và bà Quàng Thị Lói kể chuyện bắn máy bay Mỹ với tác giả. Ảnh: QUANG HUY

Theo lời kể của những nữ dân quân can trường năm xưa, ngày mới vào tiểu đội, do đều lần đầu tiếp xúc với súng đạn, nên các cô gặp nhiều khó khăn trong huấn luyện. Thao trường mãi trong rừng sâu, khiến việc đi lại rất vất vả. Trong một tháng liên tục, các nữ dân quân được học kỹ thuật sử dụng súng, động tác ngắm, bắn. Ban ngày huấn luyện, canh gác, đêm đến chị em mới tranh thủ vác cuốc, vác cày lên nương gieo lúa, trồng ngô.

Ngày 23-7-1965, máy bay Mỹ liên tục bắn phá 9/13 xã trong huyện Yên Châu với tổng cộng 38 lần ném bom, 5 lần bắn súng máy và rocket. Ngày 2-9-1965, đúng Ngày Tết độc lập, một tốp máy bay F-105 của đế quốc Mỹ ném bom hòng đánh sập cầu Tà Vài. Các nữ chiến sĩ dân quân kiên cường bám trụ, cùng đơn vị bộ đội pháo cao xạ quyết tâm bảo vệ cầu.

Tác giả trò chuyện với bà Quàng Thị Lửa, một trong các nữ dân quân Yên Châu năm xưa. Ảnh: QUANG HUY

Tác giả trò chuyện với bà Quàng Thị Lửa, một trong các nữ dân quân Yên Châu năm xưa. Ảnh: QUANG HUY

"Khi chiếc máy bay của giặc lao xuống tầm thấp vào đúng tầm ngắm, sau tiếng hô “bắn” của Tiểu đội trưởng, chị em đồng loạt nổ súng. Chiếc máy bay của địch bị trúng đạn, bốc cháy, lao xuống mặt đất. Lúc đó, ai cũng vui mừng hô vang, bất ngờ vì không nghĩ những khẩu súng trường nhỏ bé như vậy mà bắn rơi được máy bay Mỹ. Sau đó, chúng tôi cùng với bộ đội đến vị trí máy bay rơi bắt sống tên phi công", bà Lả kể.

 Nữ chiến sĩ Tiểu đội nữ dân quân Yên Châu năm xưa kể lại trận đánh bảo vệ cầu Tà Vài, xã Chiềng Hặc (Yên Châu, Sơn La) ngày 2-9-1965 cho thế hệ trẻ. Ảnh: THANH HUYỀN

Nữ chiến sĩ Tiểu đội nữ dân quân Yên Châu năm xưa kể lại trận đánh bảo vệ cầu Tà Vài, xã Chiềng Hặc (Yên Châu, Sơn La) ngày 2-9-1965 cho thế hệ trẻ. Ảnh: THANH HUYỀN

Còn theo bà Lò Thị Hổ, một trong 10 nữ quân dân, vất vả nhất là việc phải dùng cáng tải tên phi công bị gãy chân, nặng đến 90kg. Mọi người phải thay nhau, người cáng người khiêng, đến lúc giải về đến trụ sở xã thì trời đã nhá nhem tối. Mặc dù rất căm thù giặc Mỹ đã rải bom giết hại đồng bào, tàn phá làng mạc, nhưng dân làng lại đối xử nhân đạo với tên giặc lái, cho ăn uống đầy đủ, giúp sơ cứu vết thương trước khi bàn giao cho chính quyền địa phương.

Sau chiến công đặc biệt ấy, thực hiện khẩu hiệu “Xe chưa đi qua thì cột nhà không tiếc”, các nữ dân quân còn cùng bà con dân bản góp công, góp sức đem theo tre, gỗ, cột làm nhà để phục vụ sửa chữa cầu, làm đường, lấp hố bom, bảo đảm giao thông luôn thông suốt, góp phần vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trao đổi với đồng chí Lừ Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Chiềng Hặc, chúng tôi được biết, 59 năm đã đi qua, 10 nữ dân quân ngày ấy, nay còn lại 5 người, đều đã qua tuổi thất thập. Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, những cô gái trở về với cuộc sống đời thường, làm mẹ, làm bà, tay cày, tay cuốc cùng các con, các cháu thi đua lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, thường xuyên giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng của quê hương. Dịp lễ, Tết, ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7, cấp ủy, chính quyền địa phương đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên các bà sống vui, sống khỏe, sống có ích...

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/vung-buoc-duoi-quan-ky-quyet-thang/nghe-thuat-quan-su/gap-lai-nguoi-chau-yen-em-ban-may-bay-tren-que-huong-son-la-796566