Gia đình TP.HCM phát hoảng khi hóa đơn tiền điện 'nóng' cùng thời tiết

Khi TP.HCM vào mùa nắng nóng, tiền điện của gia đình anh Thanh Bảo tăng thêm 1,5 triệu đồng, còn vợ chồng chị Thanh Loan chứng kiến hóa đơn điện tăng gấp đôi.

 Người dân TP.HCM "đau đầu" với hóa đơn tiền điện trong ngày nắng nóng. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Người dân TP.HCM "đau đầu" với hóa đơn tiền điện trong ngày nắng nóng. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Gần 5,1 triệu đồng là số tiền mà gia đình anh Thanh Bảo (sống ở quận 10) phải trả hóa đơn điện tháng 4. Đây là con số cao kỷ lục mà gia đình anh chưa từng nghĩ đến.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, anh cho hay từ tháng 3 trở đi, thời tiết bắt đầu nóng lên, gia đình có sử dụng nhiều thiết bị làm mát hơn. Tiền điện tháng 3 đã tăng lên khoảng 4,2 triệu đồng.

Theo đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, tháng 4 có nhiệt độ tăng đáng kể so với tháng 3. Nhiệt độ cao nhất có thể lên tới 37-38 độ C. Do đó, nhiều hộ gia đình tại TP.HCM cũng tăng cường bật quạt, điều hòa hay mua thêm thiết bị làm mát để chống chọi với cái nóng. Song, họ cũng choáng khi nhận hóa đơn điện tăng hơn 50%.

Sững sờ vì giá tăng cao

Theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), sản lượng tiêu thụ điện của TP.HCM dự báo đạt đỉnh trong tháng 4, do đó tiền điện sinh hoạt trong tháng này của người dân tiếp đà tăng mạnh.

Số liệu phân tích sản lượng điện tiêu thụ tại TP.HCM tính đến ngày 7/5/2025, cho thấy trong tháng 3, sản lượng điện tiêu thụ bình quân ngày toàn thành phố đạt 89,03 triệu kWh/ngày, cao hơn 1,3% so với cùng kỳ 2024.

Ngoài ra, tháng 4 có 2 đợt lễ lớn là Giỗ tổ Hùng Vương và Đại lễ 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 nên sản lượng điện tiêu thụ trong tháng 4 tăng lên rất cao.

 Hóa đơn tiền điện gần 5,1 triệu của gia đình anh Thanh Bảo. Ảnh: NVCC.

Hóa đơn tiền điện gần 5,1 triệu của gia đình anh Thanh Bảo. Ảnh: NVCC.

Gia đình anh Bảo gồm 4 thành viên, trong đó hai vợ chồng làm việc tại nhà và 2 con đã tốt nghiệp đại học. Cả 2 con của anh đều là nhân viên văn phòng, thường chỉ về nhà sau 19h.

Vợ chồng anh kinh doanh tại nhà nên thường bật 2 điều hòa 11-15h. Sau đó, từ 20h đến 6h sáng hôm sau, họ bật thêm 2 máy lạnh khác ở mỗi phòng của con.

"Trước đây, hóa đơn điện nhà tôi luôn dao động quanh mức 3,5 triệu đồng/tháng. Dù biết giá điện có tăng nhưng chưa bao giờ vượt quá 4 triệu đồng", anh chia sẻ.

Tháng 3 nắng nóng cao điểm nên anh bắt đầu kéo dài thời gian bật điều hòa buổi sáng từ 10h đến 16h cho 2 máy lạnh mỗi ngày, hóa đơn lập tức nhảy lên 4,2 triệu đồng.

Tháng 4 gia đình anh có đón thêm một người thân từ nước ngoài về chơi, nhưng hầu hết thời gian mọi người ở ngoài gặp gỡ bạn bè. Dù vậy, hóa đơn điện vẫn tăng gần 1 triệu đồng so với tháng trước.

"Tôi nghĩ do người nhà sử dụng thêm các thiết bị điện tử như máy ảnh, laptop nhưng không ngờ tiền điện lại nhảy vọt đến vậy", anh cho hay.

Mua thêm quạt nước từ đầu tháng 3, hóa đơn điện trong tháng của gia đình chị Thanh Loan (quận Bình Thạnh) cũng ghi nhận tăng hơn gấp đôi.

Vợ chồng chị đều đi làm từ 8h đến 18h, từ thứ 2 đến thứ 6. Cả ngày đi làm, cửa phòng luôn đóng kín, trong khi khu trọ đông đúc khiến không khí trong phòng trở nên ngột ngạt. Cái nóng hầm hập vẫn bám riết vào buổi tối, buộc gia đình chị phải ăn cơm thật nhanh rồi bế con ra ngoài đi dạo để đón chút gió trời.

Tới khoảng 21h, chị mới dám quay lại phòng trọ, bật cả quạt cây lẫn quạt hơi nước để ru con ngủ. Nhớ lại những ngày chưa có quạt nước, chị kể: “Con tôi khóc suốt đêm, người nổi mẩn đỏ, rôm sảy vì nóng. Hai vợ chồng nằm ngủ mà người ướt đẫm mồ hôi. Dù thu nhập hạn hẹp, tôi vẫn phải cố gắng mua thêm thiết bị làm mát để con không phải chịu khổ”.

Theo hóa đơn, vào tháng 2, nhà chị sử dụng 239 kWh điện ở mức bậc 4, tổng tiền 531.000 đồng. Sang tháng 3, sản lượng tăng lên 464 kWh, nhảy vọt lên bậc 6 với số tiền lên đến 1,5 triệu đồng.

Dù đã cố gắng tiết kiệm điện bằng cách tắt bớt đèn, lau nhà bằng nước đá và chịu khó mang cơm ra ngoài xóm trọ để tránh nóng, gia đình này vẫn phải trả 1,3 triệu đồng hóa đơn tiền điện tháng 4.

Tìm mọi cách tiết kiệm

Có 6 người sống chung nhà nhưng hộ gia đình chị T.T (quận 3) luôn duy trì mức tiêu thụ điện ở bậc 4 và 5. Chị kể nhà chị sống chung với gia đình em chồng. Phần lớn thời gian gia đình em chồng làm việc ở ngoài nên ít khi sử dụng thiết bị điện trong nhà.

 Tháng 3 và 4 hàng năm thường có sản lượng tiêu thụ điện tăng lên rất cao. Ảnh: Lan Anh.

Tháng 3 và 4 hàng năm thường có sản lượng tiêu thụ điện tăng lên rất cao. Ảnh: Lan Anh.

Khác với hàng xóm, gia đình chị mỗi sáng sẽ mở cửa nhà để đón ánh nắng vào phòng khách. Dưới nhà chỉ mở một đèn huỳnh quang và một quạt máy. Khu vực nấu nướng được thiết kế theo kiểu thông gió ngoài trời nên tận dụng được ánh sáng tự nhiên.

"Thời tiết TP.HCM mấy nay vào tháng nóng nhưng tôi cũng đành. Căn bếp không có quạt, nhiệt độ cao mà lại đứng gần 'ông lò' thì nóng thêm nên thi thoảng tôi phải lên phòng ăn để hóng chút gió quạt", chị nói.

Đến trưa, 2 vợ chồng cùng người giúp việc dồn hết lên nhà trên, tắt hết đèn quạt ở dưới. Đến tối khoảng sau 19h, khi cả nhà có mặt đầy đủ, mới bật đèn, quạt ở các phòng nhưng luôn tắt ngay khi không có người sử dụng.

 Lượng tiêu thụ điện của gia đình chị T.T luôn duy trì ở bậc 4 và 5. Ảnh: NVCC.

Lượng tiêu thụ điện của gia đình chị T.T luôn duy trì ở bậc 4 và 5. Ảnh: NVCC.

Gia đình chị cũng thay tụ điện quạt trần để tăng hiệu suất quạt cho mát hơn.

"Từ trước đến nay, nhà tôi không dùng máy lạnh do thiết kế thông thoáng, buổi tối gió mát tự nhiên lại thêm quạt trần mỗi phòng nên không sợ nóng. Mặc dù tiền điện tháng 3 và 4 có nhích nhẹ nhưng luôn dưới 1,5 triệu đồng/tháng", chị chia sẻ thêm.

Đối với Thanh Huyền (25 tuổi, sống một mình tại quận Bình Thạnh), việc hóa đơn điện tăng hơn 250.000 đồng từ tháng 2 sang tháng 3 khiến cô phải áp dụng chính sách "thắt lưng buộc bụng".

Hiện tại, Huyền đang làm freelancer cho một dự án resort ở Hội An. Thu nhập của cô rơi vào khoảng 7-9 triệu đồng/tháng. Nếu không tiết kiệm, các khoản chi phí sẽ "ăn hết" toàn bộ thu nhập.

Vào bữa trưa khi nhiệt độ tăng cao, cô mang laptop, đồ sạc xuống sảnh chung cư để làm việc. "Tôi sống ở tầng 17, giờ trưa ở trong phòng cũng nóng nên phải 'di cư' xuống dưới. Dưới sảnh thì có ghế ngồi, ổ cắm nhưng hay bị ồn. Những lúc cần họp, tôi về lại phòng cho yên tĩnh và tập trung", cô chia sẻ.

Vào buổi tối, cô giới hạn thời gian sử dụng điện bằng cách hẹn giờ tắt điều hòa. Cô chỉnh nhiệt độ khoảng 20 độ C từ 22h-2h sáng hôm sau, khi phòng đã mát, cô chỉ cần bật thêm quạt cho thoáng đến sáng mai.

Cô cũng cho hay các biện pháp trên chỉ là "cầm chừng". Thời gian tới, cô sẽ học cách tiết kiệm điện có kế hoạch và tìm kiếm thêm các công việc khác để thu nhập được cải thiện.

Minh Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/gia-dinh-tphcm-phat-hoang-khi-hoa-don-tien-dien-nong-cung-thoi-tiet-post1551886.html