Gia đình Việt Nam: Nơi lưu giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp

Hôm nay (28-6), Ngày Gia đình Việt Nam, là dịp để mỗi người hướng về tổ ấm, có những hành động, việc làm thiết thực, ý nghĩa nhằm vun đắp, lan tỏa tình yêu thương, trách nhiệm với gia đình của mình.

Không gian trưng bày tại Ngày hội Gia đình Việt Nam 2020 do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thực hiện.

Gia đình - mái ấm chở che

Gia đình có ý nghĩa quan trọng trong hình thành, phát triển nhân cách, đạo đức, lối sống của mỗi người, từ đó góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc; sự ổn định và phát triển chung của đất nước. Vai trò của gia đình thường xuyên hiện hữu thông qua sự gắn kết, đùm bọc, sẻ chia của mỗi thành viên trong mái ấm, mà đợt ảnh hưởng do dịch Covid-19 vừa qua là một minh chứng sinh động, rõ nét của điều này.

Với trách nhiệm chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch, sau yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều gia đình tại Hà Nội cũng như cả nước đã đồng loạt hưởng ứng, nỗ lực bằng nhiều cách khác nhau, để vừa bảo vệ các thành viên trước diễn biến phức tạp của dịch, vừa khơi dậy, lan tỏa tình cảm gia đình, thắt chặt sự yêu thương, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng.

Cũng từ đây, thời gian gia đình dành cho nhau được nhiều hơn. Bữa cơm gia đình được thực hiện thường xuyên hơn. Sự quan tâm, chia sẻ, lo lắng, chăm sóc lẫn nhau cũng bộc lộ qua nhiều việc làm, hành động thiết thực, như nhắc nhở nhau sử dụng khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn, tránh tụ tập đông người, để bảo vệ sức khỏe; chủ động tuyên truyền, vận động người thân thực hiện nếp sống văn hóa, gắn với phòng, chống dịch; đóng góp tiền của để giúp đỡ người nghèo, người bị ảnh hưởng bởi dịch...

Những điều này không chỉ hỗ trợ tinh thần, mà còn là trải nghiệm thú vị và ý nghĩa của cả gia đình trong thời gian thực hiện cách ly xã hội. Theo anh Nguyễn Anh Đức (phố Đỗ Ngọc Du, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), thời gian thực hiện cách ly giúp gia đình anh "sống chậm" lại, lắng nghe bản thân cũng như thấu hiểu hơn tình cảm của người thân.

"Thay vì những cuộc nhậu triền miên với đối tác và đồng nghiệp, tôi cùng vợ nấu cơm, cùng pha trà để thưởng thức, cùng nói với nhau những chuyện mà trước kia vì bận rộn chẳng bao giờ có thể chia sẻ...", anh Đức cho biết.

Còn theo chị Lê Hoài Thu (phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội), trước đây, do bận rộn, lệch giờ công việc, gia đình chị rất ít khi dùng cơm chung tại nhà. Tuy nhiên, trong đợt chống dịch Covid-19, cả nhà có thời gian để nấu cơm với nhau, mới thấy cảm giác ấm cúng và an toàn hơn nhiều.

"Bữa cơm gia đình có đầy đủ vợ chồng, con cái sum vầy, khiến mọi người gắn kết hơn. Mùa dịch qua đi nhưng những bữa cơm vẫn được gia đình tôi gìn giữ, thực hiện", chị Thu chia sẻ.

Nhân lên những giá trị gia đình

Huyện Ba Vì hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 2020.

Gia đình được coi là "tế bào" của xã hội, nơi bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tạo nguồn nhân lực phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Mỗi quốc gia, dân tộc muốn phát triển bền vững, đều chú trọng tới công tác chăm sóc, bảo vệ gia đình, để nhân lên những giá trị văn hóa, lan tỏa tình yêu thương, trách nhiệm sẻ chia, đùm bọc...

Với tầm quan trọng như vậy, bên cạnh những chủ trương, chính sách, việc làm thiết thực chăm lo, bảo vệ "tế bào" của xã hội, ngày 4-5-2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg, lấy ngày 28-6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể và mọi gia đình trong việc xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; đẩy mạnh chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em.

Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Tuyết Ánh cho biết, vào dịp này, từ trung ương tới địa phương đều chỉ đạo, triển khai các hoạt động thiết thực, ý nghĩa, như: Tôn vinh gia đình văn hóa tiêu biểu; hội thi về văn hóa ứng xử trong gia đình; vận động, khuyến khích tổ chức các bữa cơm đoàn viên, bữa cơm sum họp, cùng nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo khác.

Sau gần 20 năm ra đời, Ngày Gia đình Việt Nam thực sự trở thành sự kiện văn hóa lớn, tôn vinh, quảng bá những giá trị văn hóa gia đình - dân tộc, là dịp để mỗi người hướng về tổ ấm của mình bằng tình cảm, sự tri ân ấm áp. Hoạt động Ngày Gia đình Việt Nam ngày càng được xã hội hóa tốt hơn, thu hút sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đoàn thể, gia đình, dòng họ.

Đây cũng là cơ hội để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm ứng xử, xây dựng gia đình văn hóa..., hướng tới sự phát triển bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Cũng theo bà Trần Tuyết Ánh, nhiều việc làm, hành động nhằm tôn vinh, củng cố, nhân lên các giá trị tốt đẹp của gia đình cũng đã và đang được thực hiện trong nhiều năm qua, như: Tổ chức thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; triển khai đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020, với 100% bộ, ngành, địa phương thực hiện.

Dự kiến, thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức tổng kết hoạt động thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp triển khai trong thời gian tiếp theo; tổng kết trên toàn quốc Đề án giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, đánh giá toàn diện những kết quả đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc.

Từ đó, có những kiến nghị, giải pháp để thực hiện công tác này hiệu quả hơn, hướng tới xây dựng người Việt Nam phát triển toàn diện từ trong gia đình.

Thanh Thủy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/971254/gia-dinh-viet-nam-noi-luu-giu-phat-huy-nhung-gia-tri-tot-dep