Giá khí đốt châu Âu tăng vọt do nguồn cung ở Na Uy đột ngột bị gián đoạn

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu trong phiên giao dịch đầu tuần tăng lên mức cao nhất trong sáu tháng do nguồn cung từ Na Uy sụt giảm do ngừng hoạt động ngoài dự kiến.

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên TTF của Hà Lan, chuẩn cho giao dịch khí đốt của châu Âu, đã tăng 10,4% lên 40,94 USD (37,78 euro) mỗi megawatt giờ (MWh) lúc 10h37 sáng 3/6 tại Amsterdam sau khi lưu lượng khí đốt tự nhiên của Na Uy giảm mạnh ngày đầu tuần. Đây cũng là mức giá cao nhất tại trung tâm khí đốt của châu Âu kể từ tháng 12.

Giá khí chuẩn của Anh cũng tăng 15% do nguồn cung từ Na Uy tới Anh bị tê liệt.

Trước đó, trung tâm Sleipner ngoài khơi Na Uy đã ngừng hoạt động, trung tâm này cũng đã đóng cửa tại nhà máy xử lý trên đất liền Nyhamna, hãng điều hành đường ống Gassco nói với Reuters.

Alfred Hansen, người đứng đầu bộ phận vận hành hệ thống đường ống tại Gassco cho hay: "Đã xảy ra sự cố tại giàn khoan Sleipner Riser hôm Chủ nhật, nơi chúng tôi được thông báo sẽ đóng cửa".

Trung tâm ngoài khơi Sleipner Riser là điểm kết nối các đường ống nối nhà máy Nyhamna trên bờ biển phía tây Na Uy với cảng Easington ở Anh. Cả hai cảng đều đóng cửa vào ngày 3/6 và lượng cung cấp khí đốt của Na Uy giảm so với cuối tuần trước đó, theo dữ liệu của Gassco.

Ông Hansen cho rằng, nhà điều hành đường ống Sleipner Riser đang hợp tác với Equinor để đưa trung tâm hoạt động trở lại, nhưng nói thêm rằng, không chắc về thời điểm giàn khoan này hoạt động trở lại.

Na Uy trở thành nhà cung cấp khí đốt hàng đầu của châu Âu sau khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine và xuất khẩu khí đốt của Nga sang EU sụt giảm.

Những sự cố ngừng hoạt động bất ngờ này đã khắc hoạc rõ tính dễ bị tổn thương của châu Âu khi dựa vào nhập khẩu khí đốt tự nhiên.

Hồi tháng 4 vừa qua, các nhà quản lý danh mục đầu tư đã tăng đặt cược giá khí đốt tăng ở châu Âu lên mức cao nhất trong sáu tháng. Các nhà quản lý tiền tệ lo ngại rằng tình trạng ngừng hoạt động ngoài kế hoạch ở Na Uy trong mùa hè, nhu cầu khí đốt tự nhiên cao hơn ở châu Á và việc chấm dứt thỏa thuận trung chuyển khí đốt hiện tại đối với khí đốt qua đường ống của Nga qua Ukraine vào cuối năm 2024 có thể làm giảm nguồn cung khí đốt tới châu Âu và các nước khác, từ đó đẩy giá lên cao hơn.

Bình An

Brussel

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/gia-khi-dot-chau-au-tang-vot-do-nguon-cung-o-na-uy-dot-ngot-bi-gian-doan-712304.html