Giá phòng trọ tăng 'chóng mặt', khó khăn bủa vây sinh viên

Trước thềm năm học mới là thời gian để nhiều chủ nhà trọ đẩy giá đẩy giá phòng trọ tăng lên. Với những sinh viên có tài chính hạn chế, việc tìm được phòng trọ với giá cả phù hợp là một bài toán khó.

Tân sinh viên "mỏi mắt" tìm nhà trọ phù hợp với kinh phí eo hẹp

Tháng 8, tháng 9 hàng năm, nhu cầu thuê trọ của sinh viên tập trung về các thành phố lớn tăng cao. Do đó, thị trường thuê trọ cũng nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

Tại Hà Nội, ở các khu vực tập trung nhiều trường đại học như quận Cầu Giấy, đường Hồ Tùng Mậu, đường Nguyễn Chí Thanh... để thuê một phòng đầy đủ tiện nghi, người thuê phải chấp nhận bỏ một số tiền không nhỏ. Theo khảo sát, giá cho một phòng trọ khép kín có diện tích 15-20 mét vuông dao động từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng, các phòng chung cư mini giá cao hơn, khoảng 4 đến 8 triệu đồng/tháng.

Tờ rơi cho thuê phòng được dán khắp các tuyến đường quanh trường đại học.

Tờ rơi cho thuê phòng được dán khắp các tuyến đường quanh trường đại học.

Nguyễn Việt Hoàng - tân sinh viên Trường Đại học Thương Mại chia sẻ: "Bên cạnh sự vui mừng khi biết tin đỗ đại học, tôi lại lo lắng về việc lựa chọn sẽ ở đâu trong 4 năm học.

Tôi đã tìm nhiều nhà trọ trên mạng xã hội và tờ rơi nhưng giá cao quá, phòng cao nhất mà tôi xem được là 6 triệu/tháng. Dù ở ghép ba người một phòng thì gia đình tôi cũng không đủ điều kiện để chi trả".

Bố mẹ làm nông nghiệp, thu nhập thấp, Hoàng chỉ có khả năng sống ở các khu trọ bình dân. Song, cũng rất khó để tìm được phòng trọ phù hợp với khả năng chi trả. "Theo lịch của nhà trường, một tháng nữa tôi sẽ đi học. Nhưng đến giờ, tôi vẫn loay hoay tìm chỗ ở", Việt Hoàng cho biết.

Ông Nguyễn Văn Chính - bố Hoàng tâm sự: "Lo cho các con ăn học là việc rất khó khăn. Giờ Hoàng đã lên đại học, ngoài các khoản chi tiêu ăn uống, học hành, gia đình tôi cũng lo lắng việc cháu sẽ ở đâu.

Giá thuê nhà trọ Hà Nội ngày một cao, gia đình tôi không đủ khả năng thuê riêng cho Hoàng một phòng. Mỗi tháng, tôi phụ cấp cho Hoàng 2,5 triệu đồng, phục vụ cho sinh hoạt phí, tiền thuê nhà, ăn uống… Hoàng đang tính sẽ ở trọ mấy khu xa trường, xa trung tâm, chấp nhận đi lâu hơn một chút để tiết kiệm được chi phí hơn".

Hoàn cảnh của Việt Hoàng cũng tình trạng chung của không ít tân sinh viên hiện nay. Giá phòng trọ cao, thu nhập của nhiều gia đình có con học đại học vẫn ở mức hạn chế. Việc tìm kiếm nơi ở với giá cả phải chăng là một bài toán khó tại các thành phố lớn.

Giá phòng trọ tăng tỉ lệ thuận với giá dịch vụ

Chưa hết hoang mang vì giá trọ tăng, không ít sinh viên đã phải trả phòng vì giá dịch vụ tăng và quá nhiều chi phí cho các loại dịch vụ.

Đỗ Thùy Linh - sinh viên năm Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: "Tôi đã thuê nhà ở khu tập thể Nghĩa Tân được 6 tháng nhưng đã trả nhà khi hết hợp đồng vì có quá nhiều dịch vụ.

Lúc đầu tôi thuê chỉ có tiền điện, tiền nước và phí vệ sinh. Sau khi ở được hai tháng, phát sinh thêm phí wifi, phí máy giặt, máy sấy và giờ là phí bảo trì, phí an ninh... Trung bình thêm khoảng 300.000 đồng/người/tháng, chưa tính tiền điện".

Khác với Linh, nhiều sinh viên như Quang Huy - sinh viên đại học Sư phạm Hà Nội phải chịu phí sinh hoạt cao nhưng vẫn ở vì không thể tìm trọ trong thời gian này.

"Tôi đã có ý kiến với chủ nhà về giá các loại dịch vụ quá vô lý nhưng không được chấp nhận. Chúng tôi ở 3 người một phòng với giá 3,5 triệu/tháng là hợp lý.

Bây giờ, giá dịch vụ lại tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng gồm 100.000 đồng tiền gửi xe, 50.000 đồng phí rác sinh hoạt, 50.000 phí sinh hoạt chung như máy giặt, bếp và 100.000 đồng tiền mạng wifi, tiền điện 4.000 đồng/số, có nơi lên tới 5.000 đồng/số", Huy cho biết.

Căn phòng Quang Huy thuê với giá dịch vụ tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng.

Căn phòng Quang Huy thuê với giá dịch vụ tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng.

Chị Lan Anh đang kinh doanh cho thuê phòng trọ tại Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy) cho biết đã tăng thêm 300.000 đồng mỗi phòng từ tháng 9/2023.

"Hiện tại giá cả đều tăng, thị trường thuê nhà cũng tăng để phù hợp thì phòng trọ cũng sẽ tăng giá. Tuy nhiên, chị cũng tôn trọng ý kiến của người thuê, chị hỏi ý kiến và làm hợp đồng có xác nhận của người thuê thì chị mới tăng giá.

Phòng chị trước cho thuê 3,5 triệu đồng/tháng. Từ tháng 9/2023 sẽ là 3,8 triệu đồng/tháng và rất nhiều người muốn thuê", chị Lan Anh chia sẻ.

Nóng lòng thuê trọ, tránh "tiền mất tật mang"

Nhiều sinh viên ở ngoại tỉnh chưa có dịp lên Hà Nội xem phòng nhưng đã vội vã tìm phòng trên mạng xã hội do lo sợ "cháy phòng".

Lợi dụng tâm lý đó, nhiều đối tượng đã đăng bài trên các hội nhóm phòng trọ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của sinh viên.

Hàng trăm hội nhóm tìm/cho thuê phòng trọ trên mạng xã hội.

Hàng trăm hội nhóm tìm/cho thuê phòng trọ trên mạng xã hội.

Phan Đức Huy - tân sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, từng là nạn nhân bị lừa đảo khi tìm trọ.

"Tháng trước, tôi đã liên hệ nhiều người trên các nhóm cho thuê phòng, họ trao đổi thông tin, gửi video và quay phòng rất kỹ.

Tôi chọn một căn với giá 2,5 triệu/tháng. Chủ nhà yêu cầu đặt cọc trước 1 tháng là 2,5 triệu để giữ phòng và sẽ ký hợp đồng trực tiếp. Sợ không còn chỗ tương tự, tôi đã đóng tiền cọc luôn.

2 tuần sau, tôi gọi hỏi lại để xác nhận ngày có thể chuyển vào ở thì đã không liên lạc được. Lúc đó tôi mới tá hỏa, biết rằng mình đã bị lừa", Huy kể.

Vì lo không có phòng cho thuê phù hợp, Đức Huy đã vội đặt cọc tiền trọ mà chưa hề đến nơi cho thuê.

Vì lo không có phòng cho thuê phù hợp, Đức Huy đã vội đặt cọc tiền trọ mà chưa hề đến nơi cho thuê.

Để tránh "tiền mất, tật mang" khi thuê trọ, sinh viên cần hỏi rõ thông tin trên mạng xã hội, đến trực tiếp nơi cho thuê, hỏi người dân ở khu vực xung quanh trọ, không đặt cọc tiền khi không có các giấy tờ, hợp đồng có tính pháp lý và xác nhận của các bên liên quan... Đồng thời phải nắm rõ quyền và nghĩa vụ của người thuê nhà trong hợp đồng và những điều luật liên quan đến hoạt động thuê trọ này.

Phương Ninh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/gia-phong-tro-tang-chong-mat-kho-khan-bua-vay-sinh-vien-179230906105724795.htm