Gia tăng kênh tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, chia sẻ những hoạt động, chính sách của Bộ Công Thương để hỗ trợ thúc đẩy sản xuất hàng hóa và phát triển thị trường cho các sản phẩm miền núi vùng sâu vùng xa và hải đảo.
- Thưa ông, với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020 và giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, Ban ngành, các địa phương triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, kết nối các sản phẩm, để phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, đặc biệt trong bối cảnh mới hiện nay. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã có những hoạt động, chính sách gì, hỗ trợ như thế nào nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa và và phát triển thị trường cho các sản phẩm miền núi vùng sâu vùng xa và hải đảo?
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương: Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế các vùng đặc biệt khó khăn, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về phát triển các vùng khó khăn theo phạm vi quản lý Nhà nước được giao. Các chính sách này bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực về sản xuất, phân phối và tiêu dùng trên các địa bàn còn nhiều khó khăn.
Trong đó có chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020, giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn tiếp theo. Chương trình được thực hiện tại 287 huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn thuộc 48 tỉnh/thành phố trên cả nước. Đây là chương trình đặc thù, hết sức cần thiết nhằm xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với các vùng miền khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng tại khu vực này.
Việc thực hiện Chương trình trong những năm qua đã đem lại những kết quả khả quan về mức tăng trưởng hàng năm về giá trị của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa và hải đảo để đưa vào hệ thống phân phối trong cả nước và phục vụ xuất khẩu.
Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan bám sát mục tiêu của Chương trình triển khai rất nhiều các đề án, nhiệm vụ, tập trung chủ yếu vào các nội dung chính như: Xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng lợi thế; Các hoạt động khuyến khích, thúc đẩy phát triển các mặt hàng là tiềm năng, lợi thế của địa phương; Phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ của khu vực gắn với hoạt động du lịch biển đảo; Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử phục vụ phát triển thương mại tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Phát triển đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn; Phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Phát triển năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác phát triển thương mại và các hoạt động thông tin, tuyên truyền về phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Trong đó, với các giải pháp đồng bộ nêu trên, Bộ Công Thương chú trọng vào các hoạt động kết nối cung cầu để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nông sản, các sản phẩm có thế mạnh đặc trưng của địa phương để có thể thu hút được các thương nhân, các doanh nghiệp đầu tư phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm, hàng hóa nông, lâm, thủy sản; tổ chức các Hội nghị/hội thảo/hội chợ trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nhằm kết nối tiêu thụ ổn định vào chuỗi phân phối các siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu; xây dựng các mô hình phát triển các sản phẩm đặc trưng.
Bước đầu từ những giải pháp, những hoạt động nêu trên trong giai đoạn vừa qua đã hình thành nên chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền theo hướng là hiện đại, bền vững để có thể hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh của các địa phương ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
- Xin ông chia sẻ, những điểm thuận lợi và khó khăn đối với việc thực thi các chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong các hệ thống phân phối hiện đại trong thời gian qua?
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương: Việc thực thi chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong các hệ thống phân phối hiện đại mang lại nhiều thuận lợi nhờ các chính sách đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp.
Một trong những thuận lợi lớn nhất là sự quan tâm của Chính phủ và Bộ Công Thương thông qua các đề án trọng điểm như Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; Đề án "Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025" và Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Các chính sách này không chỉ tạo động lực cho địa phương nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn giúp các doanh nghiệp từ quy mô nhỏ đến các hợp tác xã có thể tiếp cận với thị trường hiện đại một cách có hiệu quả.
Hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu là một điểm sáng trong thực thi chính sách. Các chương trình như "Tuần lễ giới thiệu nông sản địa phương" tại các siêu thị lớn hay các sự kiện khuyến mại, giảm giá đã giúp quảng bá rộng rãi các đặc sản vùng miền, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng và sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt, việc xây dựng các điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP đã giúp các sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ vùng miền có kênh phân phối ổn định và dễ dàng tiếp cận hơn với thị trường trong nước.
Tuy nhiên, việc thực thi chính sách này vẫn gặp không ít khó khăn lớn. Vấn đề chất lượng sản phẩm là một trong những rào cản hàng đầu. Nhiều sản phẩm vùng miền, đặc biệt là nông sản, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm hoặc yêu cầu về truy xuất nguồn gốc mà các hệ thống phân phối hiện đại đòi hỏi. Điều này khiến việc đưa sản phẩm vào các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay các kênh thương mại điện tử gặp nhiều thách thức.
Chi phí logistics cao và hạn chế hạ tầng giao thông cũng là những khó khăn nghiêm trọng. Do khoảng cách địa lý lớn và điều kiện giao thông chưa đồng bộ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, chi phí vận chuyển sản phẩm đến các trung tâm phân phối rất cao, đặc biệt đối với các sản phẩm tươi sống, dễ hỏng. Bên cạnh đó, việc thiếu các cơ sở kho bãi và bảo quản hiện đại khiến việc duy trì chất lượng sản phẩm trong quá trình vận chuyển gặp nhiều trở ngại.
Hạn chế về năng lực tiếp cận thị trường: Nhiều hộ sản xuất, hợp tác xã tại các vùng khó khăn vẫn chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng kinh doanh, marketing hoặc ứng dụng công nghệ số. Dù các sàn thương mại điện tử đã hỗ trợ đưa sản phẩm vùng miền lên nền tảng, nhưng mức độ tiếp cận và khai thác tiềm năng từ các kênh này còn thấp do thiếu kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết.
Ngoài ra, một số chương trình hỗ trợ chưa đồng bộ và hiệu quả. Mặc dù đã triển khai nhiều chính sách và chương trình lớn nhưng ở một số địa phương, việc thực thi vẫn mang tính hình thức, chậm trễ hoặc chưa tận dụng tốt các nguồn lực hỗ trợ. Các chương trình xúc tiến thương mại thường mang tính thời vụ, chưa tạo được sự ổn định và bền vững trong tiêu thụ sản phẩm.
Để vượt qua những khó khăn này, cần tiếp tục nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm thông qua hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ cho người dân. Đồng thời, Chính phủ cần cải thiện hạ tầng giao thông và logistics nhằm giảm chi phí vận chuyển, cũng như tăng cường đào tạo kỹ năng kinh doanh, kỹ năng tiếp thị marketing và ứng dụng số cho người nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương. Đây sẽ là những giải pháp cần thiết để tận dụng tối đa các thuận lợi, khắc phục khó khăn và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong các hệ thống phân phối hiện đại.