Gia tăng lây nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới - Bài cuối: Giải pháp đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng

Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới tăng rõ rệt trong những năm gần đây. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do cấu tạo sinh học và tư thế quan hệ tình dục không an toàn của người đồng tính nam.

 Người nhiễm HIV đang thăm khám sức khỏe định kỳ

Người nhiễm HIV đang thăm khám sức khỏe định kỳ

Sự kỳ thị xung quanh cộng đồng LGBT và các bệnh lây truyền qua đường tình dục vẫn còn tồn tại, đồng thời nó có thể dẫn đến sự phân biệt đối xử, ngăn cản những người sống chung với HIV được xét nghiệm hoặc điều trị.

Anh Xuân Phong (31 tuổi, ở Hà Nội) nhiễm HIV từ 3 năm trước do quan hệ với bạn tình là nam giới. Khi mới phát hiện mình nhiễm HIV, anh đã suy sụp tinh thần. Lo sợ tình trạng của mình có thể lây sang người khác nên anh Phong sống thu mình, thậm chí còn có lúc muốn buông bỏ, không điều trị.

Nhờ có bạn bè và người thân quan tâm, động viên nên anh cũng dần ổn định tinh thần. Anh bắt đầu tìm hiểu kiến thức để có thể bảo vệ người xung quanh mình, không còn né tránh khi sinh hoạt trong gia đình và cộng đồng.

"Để tránh lây nhiễm cho người thân cũng như những người mình tiếp xúc, tôi ý thức được rằng, trước hết mình phải tuân thủ điều trị dự phòng HIV bằng thuốc ARV và phải rèn luyện cho mình một tinh thần thoải mái, một lối sống lành mạnh.

Tôi muốn nhắn gửi đến những người đồng cảnh một điều rằng, người nhiễm HIV vẫn có cuộc sống bình thường nếu tuân thủ điều trị và giữ cho mình một lối sống lành mạnh", anh Phong chia sẻ.

Bác sĩ Mai Thị Bích Hồng, Phó Trưởng khoa Tư vấn và điều trị nghiện chất (Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), làm công việc điều trị cho người bệnh HIV/AIDS được hơn 15 năm nay. Bác sĩ Hồng cho biết, nhóm người trong độ tuổi từ 18 đến 40 chiếm phần lớn số ca nhiễm HIV tại phòng khám.

Bác sĩ Mai Thị Bích Hồng, Phó Trưởng khoa Tư vấn và điều trị nghiện chất (Trung tâm Y tế, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội)

Bác sĩ Mai Thị Bích Hồng, Phó Trưởng khoa Tư vấn và điều trị nghiện chất (Trung tâm Y tế, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội)

Tỷ lệ nam đồng tính chiếm trên 60% tổng số người nhiễm HIV đang điều trị tại phòng khám. Theo bác sĩ Hồng, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới tăng là do cấu tạo sinh học và tư thế quan hệ tình dục không an toàn của người đồng tính nam.

"Đa số người đồng tính nam đều quan hệ tình dục qua đường hậu môn. Lớp niêm mạc ở hậu môn thường mỏng, rất dễ bị tổn thương trong quá trình quan hệ tình dục. Điều này đã vô tình tạo điều kiện cho virus HIV lây nhiễm dễ dàng.

Cùng với đó, nam giới thường có quan hệ tình dục chỉ sau 1-2 lần gặp gỡ, chưa tìm hiểu kỹ bạn tình. Đôi khi, họ còn có nhiều hơn 1 bạn tình cùng lúc. Điều này làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV ở nhóm này", bác sĩ Hồng nêu.

Theo bác sĩ Bích Hồng, để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng, người đồng tính nam cần biết cách bảo vệ sức khỏe của mình, điều trị tích cực để chỉ số lây nhiễm đạt dưới ngưỡng. Điều quan trọng là phải đi xét nghiệm HIV để bảo vệ mình và bạn tình.

Quan hệ tình dục an toàn đối với người đồng tính hiện nay có nhiều biện pháp phòng ngừa, bao gồm sử dụng bao cao su, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc (PrEP), điều trị dự phòng sau phơi nhiễm bằng thuốc (PEP) hoặc kết hợp các biện pháp.

"Có những người sau một thời gian điều trị đã có sức khỏe ổn định và trở lại làm việc bình thường. Nhiều người đã xây dựng gia đình, sinh ra các em bé khỏe mạnh khi được quản lý, theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế", bác sĩ Hồng nói.

Bà Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm tỉ lệ cao trong số ca nhiễm HIV mới phát hiện hằng năm (42,2%). Về địa bàn, các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện chủ yếu ở khu vực phía Nam và các thành phố lớn, nơi có nhiều khu công nghiệp, trường đại học.

"Cần tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV, tạo điều kiện để người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Cùng với đó là việc đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường sự quan tâm của xã hội đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030", Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS nhấn mạnh.

Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đặt ra mục tiêu mở rộng, đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV. Nhiều chỉ tiêu được đề ra trong Chiến lược này, trong đó có: Tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2030; tỷ lệ người quan hệ đồng tính nam được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc (PrEP) đạt 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030; tỷ lệ người từ 15 đến 24 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS đạt 80% vào năm 2030…

Bài, ảnh: An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/gia-tang-lay-nhiem-hiv-o-nhom-nam-quan-he-tinh-duc-dong-gioi-bai-cuoi-giai-phap-dam-bao-an-toan-cho-ban-than-va-cong-dong-20241128163108513.htm