Giá trị văn hóa từ Bảo tàng cổ vật Mũi Né
Nằm giữa làng biển lâu đời tại phường Mũi Né, tỉnh Lâm Đồng, Bảo tàng cổ vật Mũi Né do ông Nguyễn Ngọc Ẩn sáng lập là điểm nhấn văn hóa đặc sắc để công chúng tham quan, học tập và tương tác cảm nhận trầm tích cuộc sống của cư dân thời cổ.

Ông Nguyễn Ngọc Ẩn giới thiệu cho du khách nghe về bộ sưu tập Hoàng tộc Chăm.
Bảo tàng cổ vật tư nhân đầu tiên phía Đông Nam tỉnh
Giữa tháng 7, nắng và gió biển thổi mang theo hơi nóng rát rạt vào mặt, nhưng khi đứng giữa khuôn viên xanh mát của Bảo tàng cổ vật Mũi Né thuộc khu phố 5, phường Mũi Né, mỗi người đều có một cảm giác thư thái đặc biệt. Đó là sự bình dị, lạ mà quen. Là sức hút của hiện vật, mà cho dù bạn không có kiến thức về các món đồ cổ vẫn không muốn rời mắt. Đây là bảo tàng cổ vật tư nhân đầu tiên phía Đông Nam tỉnh Lâm Đồng do nhà sưu tầm Nguyễn Ngọc Ẩn sáng lập và đưa bảo tàng đi vào hoạt động năm 2023.
Bảo tàng hiện trưng bày gần 50.000 hiện vật, cổ vật có niên đại từ 1.500 năm trước công nguyên đến trước năm 1975, chia thành các chuyên đề như: Văn hóa dân tộc, trưng bày gốm qua các thời kỳ, trưng bày tượng qua các thời kỳ, tranh mỹ thuật, văn hóa Việt, gian trưng bày ngoài trời. Trong đó có nhiều cổ vật có giá trị văn hóa thuộc văn hóa Đông Sơn, Óc Eo, Khmer, Sa Huỳnh, cổ vật thời Đinh, Lê, Lý, Trần, hiện vật phục vụ tôn giáo tín ngưỡng. Các cổ vật và hiện vật phản ánh sự phát triển của Vương quốc Champa, sự giao lưu kinh tế, văn hóa của vùng đất Nam Trung Bộ với Trung Hoa, Ấn Độ thời cổ đại và trung đại…
Niềm đam mê với từng mảnh gốm vỡ từ hũ, bình, chén thuộc văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm xuất lộ trên động cát ven biển theo ông Ẩn lớn lên và đến nay đã gần 40 năm. Giờ đây, không chỉ thỏa mãn với việc sưu tầm cổ vật của mình, mà ông đang truyền tình yêu ấy đến cho mọi người để cùng làm nổi bật giá trị văn hóa, lịch sử qua mỗi thời kỳ.
Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật
Các hiện vật nằm im lìm trong không gian trưng bày của bảo tàng nhưng lại mang trong đó những câu chuyện cho thấy sự phát triển của tiến trình lịch sử, trí tuệ người Việt cổ và cộng đồng các dân tộc, nét đặc trưng mỗi vùng miền… Anh Nguyễn Thành Nghiên (Đắk Lắk) là người có niềm đam mê với lịch sử và khảo cổ học chia sẻ: “Mỗi khi có dịp đến Mũi Né tôi đều ghé qua Bảo tàng cổ vật. Đến đây, tôi được thông tin cặn kẽ nguồn gốc, sự khác biệt về kiểu dáng, hoa văn, chất liệu và những câu chuyện thú vị ẩn sau mỗi hiện vật”.
Hiện Bảo tàng cổ vật Mũi Né đang trưng bày một số hiện vật quý và có kế hoạch thực hiện các bước để đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đối với bộ đàn đá 20 thanh có niên đại trên 3.000 năm được tìm thấy ở chân đèo Gia Bắc; trống đồng triều đại nhà Lý ở Việt Nam; bộ sưu tập thuộc di chỉ thôn Tà Lú, xã Phan Sơn; bộ sưu tập kim loại vàng bạc Hoàng tộc Chăm khu vực Đông Nam tỉnh.
Với vốn kiến thức của mình và trách nhiệm hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu sưu tầm cổ vật Bình Thuận, dù có đội ngũ nhân viên tại bảo tàng nhưng ông Nguyễn Ngọc Ẩn không tiếc thời gian thuyết minh khi khách cần nghiên cứu chuyên sâu. Vì thế mỗi năm điểm đến này đón hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước. Những thông tin, hình ảnh, câu chuyện về bảo tàng cổ vật sẽ tăng độ nhận diện, kết nối các điểm đến, góp phần thúc đẩy ngành du lịch địa phương phát triển.
Mở cửa miễn phí cho khách vào tham quan Bảo tàng cổ vật Mũi Né và vào tháng 7 này sẽ triển khai số hóa bảo tàng, tất cả đều hướng đến mục đích cuối cùng mà ông Nguyễn Ngọc Ẩn luôn đau đáu là cùng với ngành văn hóa đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân về trách nhiệm giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc, không để “chảy máu” cổ vật.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/gia-tri-van-hoa-tu-bao-tang-co-vat-mui-ne-382918.html