Giấc mơ tỷ đô của 4 loại trái cây Việt
Chanh dây, chuối, dứa, dừa được kỳ vọng sớm cán mốc tỷ USD, góp phần đa dạng hóa cơ cấu xuất khẩu và nâng cao vị thế nông sản Việt.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và môi trường, tính đến nay Việt Nam có 1,3 triệu ha diện tích trồng cây ăn quả, tổng sản lượng hàng năm ước đạt 15 triệu tấn. Cả nước có hơn 50 loại cây ăn quả phân bố rộng khắp các vùng miền.
Tuy nhiên, dù quy mô sản xuất ngày càng tăng nhưng đến nay mới chỉ có duy nhất sầu riêng là loại trái cây trong nhóm hàng xuất khẩu “tỷ đô” khi đạt kim ngạch xuất khẩu gần 2,3 tỷ USD năm 2023 và 3,3 tỷ USD năm 2024.
Trong khi đó, thanh long từng đạt giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, nhưng những năm gần đây đã liên tục giảm và chỉ còn đạt hơn 534 triệu USD năm 2024.
“Với tiềm năng, lợi thế và truyền thống của một quốc gia nông nghiệp, con số đó khiến toàn ngành và các doanh nghiệp, hiệp hội phải suy nghĩ, tiếp tục tìm giải pháp bứt phá cho xuất khẩu trái cây”, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và môi trường nhấn mạnh tại diễn đàn “Giải pháp tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trái cây có lợi thế: Chanh dây, chuối, dứa, dừa” vừa diễn ra tại TP.HCM.
Mục tiêu xuất khẩu chuối 4 tỷ USD hoàn toàn khả thi
Ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Unifarm, cho biết, năm 2024, chuối mang về cho Việt Nam 378 triệu USD từ xuất khẩu, tương ứng khoảng 2.400USD/ha, nhưng mức thu nhập này chưa tương xứng với tiềm năng. Đặt mục tiêu cao hơn, Unifarm tập trung từ khâu đầu tiên là chọn tạo và phát triển giống.
Theo ông Liêm, giống chuối phải vừa cho năng suất cao, chất lượng tốt, vừa có khả năng kháng bệnh héo rũ Panama - loại bệnh nguy hiểm đang đe dọa nhiều vùng trồng chuối trên thế giới.

Ông Phạm Quốc Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Unifarm. Ảnh: Nguyễn Thủy
Không chỉ dừng ở con số vài trăm triệu USD, Unifarm kỳ vọng ngành hàng chuối Việt Nam có thể vươn lên đạt giá trị xuất khẩu 4 tỷ USD trong thời gian tới. Điều này đồng nghĩa với việc giá trị sản xuất phải đạt ít nhất 20.000 USD/ha, gấp gần 10 lần hiện nay.
“Đây là một mục tiêu không dễ, nhưng hoàn toàn khả thi nếu toàn ngành cùng hướng đến sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và duy trì được chất lượng đồng đều”, ông Liêm nói.
“Vua chuối” Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, cũng chia sẻ, hiện nay, phần lớn chuối Việt Nam được xuất khẩu dưới dạng quả tươi, chủ yếu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước Trung Đông. Trong khi đó, các sản phẩm như chuối sấy, chuối ép, rượu chuối, bánh chuối hay bột chuối xanh,… vốn có giá trị cao hơn, vẫn chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún.
Theo ông Huy, điều này một phần do chưa có chính sách thúc đẩy chuỗi chế biến chuối bài bản và thiếu các dự án đầu tư quy mô lớn.

“Vua chuối” Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An. Ảnh: Nguyễn Thủy
Bên cạnh đó, tiềm năng kinh tế từ phụ phẩm của cây chuối cũng rất lớn. Thân chuối có thể ép lấy dịch làm thức ăn chăn nuôi, lá chuối được dùng gói thực phẩm hoặc xuất khẩu sang Nhật Bản làm nguyên liệu đóng gói, bã chuối được nghiên cứu làm vải sợi sinh học, còn phần lõi và củ chuối có thể chế biến thành dược liệu hoặc lên men tạo phân bón hữu cơ.
“Nếu biết tận dụng, một cây chuối có thể cho ra 5-7 sản phẩm có giá trị sử dụng hoặc thương mại”, ông nói.
Để khai mở tiềm năng cho cây chuối, “Vua chuối” Võ Quan Huy đề xuất có chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến chuối, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, khoa học công nghệ và thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Đồng thời, cần có chương trình nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm tận dụng tối đa phế phụ phẩm từ cây chuối, thay vì vứt bỏ gây lãng phí hoặc ô nhiễm môi trường như hiện nay.
Tính đến tháng 6/2025, Việt Nam có khoảng 161,1 nghìn ha diện tích trồng chuối với năng suất bình quân khoảng 207 tạ/ha. Giá trị xuất khẩu chuối của Việt Nam năm 2024 đạt gần 380 triệu USD, tương đương 2,5% tổng giá trị thương mại ngành chuối toàn cầu (15,3 tỷ USD).
Hiện, Việt Nam đứng thứ chín trong danh sách các quốc gia xuất khẩu chuối trên thế giới, xếp thứ tư trong số các quốc gia xuất khẩu chuối có tốc độ tăng trưởng lớn nhất trên thế giới sau Ấn Độ, Columbia và Mexico. Các sản phẩm từ chuối của Việt Nam hiện đã xuất khẩu đến các thị trường: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Canada, Nga, EU và Hoa Kỳ…
Dừa sở hữu tiềm năng xuất khẩu lớn
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và môi trường, Việt Nam hiện có hơn 202 nghìn ha diện tích trồng dừa, sản lượng thu hoạch hàng năm hơn 2,28 triệu tấn. Việt Nam đứng thứ 4 về xuất khẩu dừa tại châu Á - Thái Bình Dương và thứ 5 thế giới.
Năm 2024, dừa và các sản phẩm từ dừa xuất khẩu đạt gần 1,1 tỷ USD (trong đó, dừa tươi đạt 391 triệu USD). Ngoài Trung Quốc, dừa Việt Nam đã xuất khẩu sang các thị trường EU, Hoa Kỳ, Canada, Hàn Quốc… và liên tục được mở rộng thị trường.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam cho hay, mặc dù tiềm năng xuất khẩu ngành dừa rất lớn nhưng do tập quán người dân thường tự ý đưa giống mới về trồng, không qua chọn lọc, nên đã dẫn đến tình trạng trồng chéo, giống chéo, làm giảm chất lượng đầu ra. Trong khi đó, ngành chế biến dừa còn thủ công, phần lớn gọt bằng tay để xuất khẩu, trong khi nhiều quốc gia đã áp dụng dây chuyền hiện đại, dẫn đến bất lợi về giá thành và logistics.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thủy
Để phát triển ngành dừa bền vững, theo bà Thanh, ngành dừa cần có nguồn nguyên liệu ổn định về chất lượng và sản lượng, đồng thời cần phải có giải pháp nâng cao năng suất, hiện đại hóa sản xuất.
“Chúng ta có thể chế biến dừa kết hợp cùng các loại quả khác như: chuối, dứa,... để đa dạng hóa sản phẩm, từ đó gia tăng giá trị trái cây Việt Nam. Đặc biệt, dừa còn là mối liên kết để phát triển du lịch, lan tỏa hình ảnh, văn hóa và đặc sản Việt trên thị trường quốc tế”, bà Thanh chia sẻ.
Bài học mất 200 tỷ đồng với cây dứa
Về dứa, hiện cả nước có hơn 52,5 nghìn ha. Dự kiến, sản lượng dứa của Việt Nam sẽ đạt 807.000 tấn vào năm 2026. Con số này tăng so với mức 726.000 tấn vào năm 2021, tốc độ tăng trưởng trung bình 1,8% mỗi năm. Các sản phẩm từ dứa của Việt Nam đã xuất sang các nước Châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia… Theo dự báo, thị trường dứa toàn cầu có thể đạt 36,8 tỷ USD vào năm 2028.
Dù tiềm năng rất lớn nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nafoods, cảnh báo, nếu không có cơ chế kiểm soát chặt, mô hình liên kết 4 nhà sẽ dễ tan vỡ khi giá nông sản biến động.

Các chuyên gia bàn về giải pháp để xuất khẩu các loại chanh dây, chuối, dứa, dừa thành ngành hàng tỷ đô. Ảnh: Nguyễn Thủy
Ông dẫn chứng bài học mất 200 tỷ đồng sau 7 năm đầu tư vào cây dứa, khi nông dân phá hợp đồng bán ra ngoài với lý do quả to được giá hơn. Để khắc phục, Nafoods đã áp dụng quản lý số hóa toàn bộ 5.000ha vùng nguyên liệu tại Tây Nguyên, ký hợp đồng giá sàn với điều khoản ràng buộc rõ ràng và hạn mức thu mua trên mỗi ha. Doanh nghiệp cũng chủ động hủy hợp đồng với những hộ vi phạm, từ đó xây dựng được mạng lưới nông dân “sống chết cùng doanh nghiệp”.
Ông Hùng cũng cảnh báo tình trạng thương lái Trung Quốc núp bóng tại các vùng nguyên liệu, thu mua tự phát rồi “ôm hàng bỏ trốn”, gây thiệt hại cho cả nông dân và doanh nghiệp nội. “Nhà nước cần siết quản lý thương nhân ngoại quốc, bao gồm cả kiểm soát cư trú, hôn nhân trá hình, và nghĩa vụ thuế”, ông Hùng nói.
Chanh dây hướng đến giấc mơ tỷ đô
Hiện cả nước có hơn 12 nghìn ha chanh dây, sản lượng hàng năm hơn 200 nghìn tấn. Việt Nam hiện nằm trong top 10 các quốc gia sản xuất và xuất khẩu chanh dây lớn trên thế giới, chỉ đứng sau Brazil, Colombia, Ecuador và Peru. Khoảng 70 - 80% sản lượng chanh dây tươi và chế biến của nước ta được xuất khẩu đến hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Năm 2024, xuất khẩu chanh dây đạt 172 triệu USD. Trong 5 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu các sản phẩm chanh dây đã thu về 89,5 triệu USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Nafoods, chia sẻ, từ con số 0 cách đây 10 năm, ngành chanh dây đã tạo ra giá trị kinh tế đáng kể (mảng cô đặc và puree cán mốc 300 triệu USD, cả quả tươi có thể đạt hơn 500 triệu USD trong năm nay).
“Ngành hàng chanh dây có tiềm năng cán mốc 1 tỷ USD nếu quy hoạch tốt và thị trường Trung Quốc mở rộng”, ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Nafoods. Ảnh: Nguyễn Thủy
Theo ông Hùng, chanh dây là cây công nghiệp ngắn ngày, chỉ mất 6 tháng từ khi trồng đến thu hoạch, với vòng đời kinh tế 18 tháng. Giống chanh dây tím của Việt Nam, đặc biệt là của Nafoods, được thế giới đón nhận mạnh mẽ dưới dạng quả tươi, khác biệt với giống vàng chua ở Nam Mỹ. Châu Âu là thị trường xuất khẩu quả tươi quan trọng, ước tính khoảng 5.000 - 7.000 tấn mỗi năm.
Về tiềm năng thị trường, chủ tịch Nafoods ước tính nhu cầu toàn cầu đối với chanh dây cô đặc và puree khoảng 30.000 tấn mỗi loại mỗi năm, với tốc độ tăng trưởng 6-7% nhưng không phải là vô hạn. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc nếu mở cửa sẽ tạo ra nhu cầu rất lớn cho quả tươi, đặc biệt trong mùa đông khi họ không thể trồng.
Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị
Trong tổng thể đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2030, Bộ Nông nghiệp và môi trường đã định hướng phát triển chuối, dứa, dừa và chanh dây.
Cụ thể, với cây chuối, ổn định diện tích 165 -175 nghìn ha, tập trung vùng có điều kiện sinh thái thuận lợi. Phát triển vùng nguyên liệu lớn đạt tiêu chuẩn VietGAP, hình thành chuỗi liên kết từ nông dân - HTX - doanh nghiệp - nhà máy. Đẩy mạnh chế biến sâu: chuối sấy, bột chuối, đồ uống, đông lạnh... Nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã và kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất nhằm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Xây dựng thương hiệu quốc gia và vùng đặc sản, xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU.
Với cây dứa, duy trì 55- 60 nghìn ha, nâng cao năng suất, ổn định nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Chuyển đổi sang trồng rải vụ, thu hoạch trái mùa phục vụ cả thị trường tươi và chế biến. Đầu tư chế biến sâu: dứa đóng hộp, nước ép, mứt dứa, sản phẩm lên men. Đẩy mạnh xuất khẩu sang EU, đặc biệt tận dụng EVFTA để giảm thuế nhập khẩu.
Với chanh dây, phát triển diện tích lên 12-15 nghìn ha, sản lượng 250 - 300 nghìn tấn. Ưu tiên nghiên cứu giống chanh dây kháng bệnh, chất lượng cao. Mở rộng thị trường sang Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan...
Với dừa, ổn định 195 - 210 nghìn ha, tập trung tại đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung bộ. Khuyến khích trồng xen (ca cao, cây ăn quả...), nuôi xen (thủy sản, gia cầm) trong vườn dừa để tăng giá trị canh tác. Phát triển các sản phẩm chế biến sâu từ dừa: nước dừa đóng lon, dầu dừa tinh luyện, cơm dừa sấy, mỹ phẩm từ dừa… Kết hợp phát triển du lịch sinh thái vùng dừa gắn với sản phẩm OCOP và làng nghề. Dừa và các sản phẩm từ dừa xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật, Hàn Quốc, Canada,…

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và môi trường. Ảnh: Nguyễn Thủy
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và môi trường đặc biệt nhấn mạnh, tổng diện tích canh tác 4 loại trái cây trên hiện đạt khoảng 420.000ha với sản lượng trên 6,3 triệu tấn, cho thấy nguồn lực sản xuất dồi dào. Chưa kể, nhu cầu thị trường đối với các mặt hàng này cũng rất lớn, thậm chí nhiều doanh nghiệp phản ánh không đủ nguồn cung để đáp ứng.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng chỉ ra những con số cần suy ngẫm. Mặc dù dừa đã đạt kim ngạch xuất khẩu 1,1 tỷ USD vào năm 2024, thuộc top 7 mặt hàng nông sản chủ lực, nhưng chuối mới đạt 380 triệu USD, chanh leo 222 triệu USD và dứa thậm chí chưa đến 50 triệu USD.
"Điều này cho thấy chúng ta, từ góc độ Nhà nước, HTX, người trồng… còn rất nhiều việc phải làm để đưa các mặt hàng này lên tầm tỷ đô, có thể là vào năm 2026 hoặc 2027”, thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đưa ra gợi mở quan trọng về một "cuộc cách mạng công nghệ" cho 4 mặt hàng trái cây có lợi thế này. "Đây có thể là điểm khởi đầu cho một chương trình lớn. Nếu các hiệp hội đồng ý, chúng ta có thể cùng nhau xem xét để thúc đẩy các mặt hàng này sớm trở thành mặt hàng tỷ đô”, ông chia sẻ.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá, cả 4 mặt hàng đều có lợi thế tuyệt đối hoặc tương đối, nhưng đang đối diện với các thách thức giống nhau: bộ giống còn đơn điệu, thiếu giống tốt, giống chống chịu với các loài sâu bệnh hại quan trọng, thiếu vùng nguyên liệu đạt chuẩn, liên kết rời rạc, tỷ lệ chế biến thấp, thiếu thương hiệu quốc gia, và thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Công tác truy xuất nguồn gốc vẫn gặp vướng mắc, đặc biệt là trong bảo hộ giống cây trồng.
“Phát triển sản phẩm quốc gia không thể thiếu vai trò của vùng nguyên liệu, công nghiệp chế biến và thương hiệu. Trái cây Việt Nam có cơ hội vươn xa nếu chúng ta tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị và chinh phục thị trường bằng chất lượng, minh bạch và sự chuyên nghiệp”, ông Nam khẳng định.
Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/giac-mo-ty-do-cua-4-loai-trai-cay-viet-d41223.html